Cuộc binh biến của Prigozhin: AI LÀ NGƯỜI CHIẾN THẮNG?

Thứ ba - 27/06/2023 06:52

(NCTG) “Số phận của Putin gắn liền với kết quả của cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” và quân Nga càng thua trên chiến trường, cái ghế tổng thống của ông ta càng lung lay. Việc ông ta có thể bị hạ bệ ngay lúc này hay bất cứ lúc nào vừa được Prigozhin và Wagner chứng minh, chỉ là khía cạnh kỹ thuật lật đổ mà thôi” – góc nhìn của tác giả Phúc Lai từ Hà Nội.

“Anh hùng thời đại” Yevgeny Prigozhin, ngày 24/6/2023 - Ảnh: Reuters

“Anh hùng thời đại” Yevgeny Prigozhin, ngày 24/6/2023 - Ảnh: Reuters

Suốt mấy ngày trời, những người quan tâm đến cuộc chiến tranh của Putin tiến hành ở Ukraine bị thu hút hết cả tâm trí vào một chuyện duy nhất: Yevgeny Prigozhin và đạo quân đánh thuê của hắn ta làm loạn. Rồi là câu chuyện này còn được bàn luận nhiều nữa. Có rất nhiều giả thuyết xung quanh cuộc binh biến của Prigozhin, thậm chí đầy những ý kiến sặc mùi… âm mưu. 

Tất nhiên, thú vị nhất vẫn là đọc những ý kiến của hội những người Việt Nam yêu Putin – nhất là khi họ cho rằng đây là một mưu kế tác chiến của quân đội Nga kết hợp với tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, giương lên một cái bẫy để nhử quân đội Ukraine lao ra tấn công để tiêu diệt. Nhưng mà họ quên mất một điều rằng: nếu đúng là như vậy thì hóa ra quân đội Ukraine không sập bẫy và phía Nga thì tốn khối xăng dầu chạy đi chạy lại.

Cũng có những ý kiến cho rằng đây là một vở tuồng diễn vụng, mà vai chính kiêm đạo diễn là Prigozhin. Trong một bài viết trên mạng xã hội của mình, tôi cũng đã đánh giá đây là một cú dọa dẫm, thử phản ứng của Putin từ phía Prigozhin sau cả một chuỗi các hành động có tính phản kháng. Suốt từ dạo mùa xuân khi quân Wagner của hắn đánh đấm như điên để hòng chiếm Bakhmut nhằm dành chiến quả, Prigozhin đã bật cái loa tấn công vào Bộ Quốc phòng Nga, trực tiếp nhằm vào Bộ trưởng Shoigu và Tổng Tham mưu trưởng Gerasimov. Hắn hết lên án hai lão kia không cung cấp đạn dược, không hỗ trợ hỏa lực pháo binh… đến sau đó, quy kết cho Bộ Quốc phòng Nga trách nhiệm không trang trải nợ nần tiền công đánh nhau.

Vụ binh biến theo nhìn nhận của cá nhân tôi, phần lớn là các hành động thực sự, nhưng có mục đích riêng của nó: tuyên ngôn và dọa dẫm. Vì vậy các sự kiện như chiếm sở chỉ huy Quân khu phía Nam của Nga ở Rostov trên sông Đông, gần như làm chủ của tỉnh Rostov và sau đó tiến quân về hướng Mátxcơva… đều là thật. Thậm chí, những thông tin về việc bắn cháy máy bay của quân đội Nga, càng ngày càng được chứng minh là có thật với chuyện hôm nay (26/6) lộ ra là Wagner còn bắn rơi cả máy bay IL-22 làm chết 10 hành khách.

Có lẽ, quân đội Nga chỉ phản ứng ở một mức độ nào đó khá vừa phải: sử dụng không quân để không kích chặn đoàn xe của Wagner và bị bắn hạ, nhưng cũng có thể không phải tất cả những thông tin bắn hạ máy bay đều là thật. Còn trên đường tiến quân của Wagner không gặp bất cứ trở ngại nào từ phía lực lượng mặt đất của quân đội Nga, từ FSB hay Vệ binh Quốc gia Nga. Đó là cái “giả” nhưng có khi cũng lại là thật, mà nếu là thật thì đúng đó là điều rất đáng ngại. 

Không phải bỗng dưng mà Prigozhin đang từ một tay “mafia thầm lặng” bỗng nhiên thích trở thành nổi như cồn. Với vai trò ngày càng tăng của Wagner trong cuộc chiến tranh của Putin ở Ukraine, càng về sau hắn càng thích đóng vai anh hùng, đến mức đã có lúc người ta đoán rằng, Prigozhin đang khởi động sự nghiệp chính trị của riêng mình và đã có mưu đồ kiếm hẳn ghế… tổng thống.

Đến đây chúng ta cần phải có một số lý giải liên quan đến quan niệm chung của người Nga. Tôi không nhớ có một nhà văn nổi tiếng nào đó đã viết: “Trong mỗi người Nga bao giờ cũng tồn tại hình tượng của một Pechorin”.

Grigory Alexandrovich Pechorin là nhân vật chính trong tác phẩm “Một anh hùng thời đại” (“Герой нашего времени”) của nhà văn Nga Mikhail Lermontov. Đây là một nhân vật đầy mâu thuẫn: vừa nhạy cảm vừa yếm thế; vừa cực kỳ kiêu ngạo nhưng lại có cái nhìn sâu sắc về tính cách của chính mình là hình ảnh thu nhỏ của nỗi u sầu của người anh hùng lãng mạn, người luôn trăn trở về sự vô ích của sự tồn tại và cái chết chắc chắn…

Trong một bài viết trước đây “Chúa chịu đựng và ra lệnh cho người Nga”, tôi đã từng cố cùng bạn đọc hình dung ở người Nga những nét tính cách cực kỳ mâu thuẫn nhưng nếu đã quen rồi thì cũng chẳng mấy khó hiểu. Họ rất thích và có lẽ, tôn thờ sự hy sinh và luôn tâm niệm về chủ nghĩa anh hùng. Chẳng phải ai khác, chính người Nga dưới thời Liên Xô trước đây, đã nghĩ ra danh hiệu Anh hùng, đầu tiên là “Anh hùng Liên bang Xô-viết,” sau đó là “Anh hùng Lao động XHCN” và bây giờ là “Anh hùng Nga”.

Vì coi trọng chủ nghĩa anh hùng, dường như người Nga dễ dàng chấp nhận việc một người đang là tội phạm thụ án tù, nhưng khi lên đường chiến đấu thì đó đã là hành động anh hùng rồi và nếu còn có những hành động dũng cảm khác thì mọi tội lỗi sẽ được xóa bỏ cho người anh hùng. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp của Prigozhin, tên tội phạm được hưởng ân sủng của “Hoàng đế”, trở thành giàu có và bắt đầu có quyền lực vì nắm giữ giúp Hoàng đế “quyền lực đen”.

Bằng thứ quyền lực này, Putin – Sa hoàng mới của nước Nga muốn làm đối trọng với “cánh mật vụ” (FSB) và cả “cánh quân đội” đang được cho rằng chính ông ta cũng không khống chế được hoàn toàn. Thậm chí cả lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga được ông ta lập ra với mục đích bảo vệ riêng cho bản thân và những người thân cận, cũng bị nghi ngờ một ngày nào đó sẽ trở cờ.

Trong bài viết nói trên, tôi còn đưa ra một ý nữa: vấn đề hệ giá trị Nga, mà phần lớn nội dung chính của nó dựa trên thắng lợi của họ trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, mà họ luôn tôn thờ cái giai đoạn họ tham chiến và gọi nó bằng một cái tên riêng: “Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.” Hệ giá trị Nga thực ra, không chỉ dựa trên mỗi Chiến thắng vĩ đại năm 1945 này, mà nó có gốc rễ đầu tiên từ những võ công của Piotr đệ nhất, người đã đưa nước Nga từ bóng tối Trung cổ bước vào thế giới văn minh của Châu Âu. Từ sau Piotr, nước Nga say mê với những chiến công chinh phục mà đỉnh điểm của nó, Sa hoàng Nikolai đệ nhị ngoài là vua Nga, còn là Đại vương công Phần Lan và Vua Ba Lan (trên danh nghĩa).

Là người đưa nước Nga tham gia hai cuộc chiến tranh và cả hai lần, đều thất bại – đó là cuộc Chiến tranh Nga – Nhật năm 1905 và Thế chiến Thứ nhất, nhưng Nikolai Đệ nhị vẫn được Giáo hội Chính thống Nga phong thánh năm 2000. Ông ta trở thành “Thánh Nikolai Người chịu nỗi thống khổ” và được dân Nga tôn sùng, mặc dù trong thời gian trị vì của mình Nikolai ngoài hai thất bại nghiêm trọng về quân sự, còn làm cho sản xuất trong nước đình đốn cả về công nghiệp lẫn nông nghiệp, riêng công nghiệp thì chỉ có khai khoáng là mạnh và… phụ thuộc vào tư bản nước ngoài. Cuộc sống của nhân dân Nga cơ cực, là tiền đề của những cuộc cách mạng liên miên: cách mạng 1905, Cách mạng tháng Hai 1917 và Cách mạng tháng Mười.

Nhưng gì thì gì, Nikolai vẫn là người dám đem nước Nga vào chiến tranh. Cứ như là, nước Nga không có cách nào khác để cho thế giới biết đến mình ngoài chiến tranh, vì thế ông ta vẫn được người Nga của thế kỷ 21 tôn sùng. Chưa hết, năm 2008, Kênh truyền hình “Nước Nga” (Rossia) cùng với Viện Lịch sử Nga thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Quỹ Ý kiến Xã hội đã tổ chức của cuộc thăm dò dư luận xã hội mang tên “Tên của nước Nga – Sự lựa chọn lịch sử năm 2008”. Tính đến ngày 14/7 năm đó, trên website của cuộc thăm dò này, nhân vật lịch sử đứng đầu trong số những người được nhân dân Nga xem là tiêu biểu cho nước Nga là Iosif Vissarionovich Stalin. Những nhân vật lịch sử được nhiều người bình chọn nhất sau Stalin là Sa hoàng Nikolai Đệ nhị và thứ ba là Vladimir Ilyich Lenin.

Bất ngờ chưa? Hóa ra những người được dân Nga tôn sùng nhất, lại toàn là những nhân vật… cộm cán cả, nhất là Stalin, người mà chính lịch sử Nga hiện đại đã giải mật nhiều tội ác thanh trừng chính các đồng chí của mình, giết hàng triệu công dân Xô-viết để củng cố quyền lực. Nhưng Stalin được gắn với cái Chiến thắng vĩ đại 1945, còn Lenin thì là người có công đẻ ra Liên bang Xô-viết, thứ mà đến nay rất nhiều người Nga vẫn nuối tiếc vì tầm cỡ đế quốc của nó, thứ làm cho người ta được phép tự hào.

Vậy Nikolai thì sao? Ông ta gắn với vương quyền, với Đế chế Nga vĩ đại còn lớn hơn cả Liên Xô.

Người Nga vậy đấy, người ta rất dễ chấp nhận một tay Pechorin – Prigozhin vừa anh hùng, vừa du côn và độc ác, miễn là hắn thỏa mãn cho họ thứ thuốc phiện tâm hồn: lòng tự hào về một cường quốc, bắt thế giới phải nể sợ. Cuộc binh biến của Prigozhin đã ra một tuyên ngôn: tao là anh hùng hảo hán đây. Putin cũng đã từng như vậy. Từ khi bước chân lên ghế Thủ tướng, rồi Tổng thống Liên bang Nga, ông ta dày công xây dựng một hình ảnh ra bên ngoài vừa hào nhoáng, vừa có cái “chất” bên trong.

Cởi trần cưỡi ngựa đi săn, câu cá ở Siberia. Mặc quân phục ngồi trên cabin máy bay chiến đấu. Vận quân phục hải quân trèo xuống tàu ngầm, nắm lấy tay cầm của kính tiềm vọng. Hình ảnh của Putin khác hẳn của một Yeltsin nát bươm vì rượu, chính vì hình ảnh lão già nát rượu ấy mà thế giới có bao nhiêu tranh biếm họa thể hiện nước Nga đúng như thế. Một Putin ở độ tuổi 50 sung sức, mạnh mẽ cai trị đất nước bằng bàn tay sắt đã đem lại hy vọng.

Chưa dừng lại ở đó, cái “chất” bên trong được Putin thể hiện ra bên ngoài bằng một giọng nói thanh thanh nhưng sắc lạnh, trên một bộ mặt không cảm xúc mà những người tôn thờ ông ta thường mô tả “làm cho kẻ thù run sợ”. Putin ngay cả khi làm thủ tướng đã lấn luôn cả quyền Tổng thống Medvedev khi hành động mạnh bạo dứt khoát ở Georgia năm 2008. Ông ta làm cho cả thế giới thấy rằng mình có khả năng hành động quyết đoán và quyết liệt đến cùng như thế nào.

Người Nga cần một lãnh đạo đúng như vậy. Họ có thể không cần dân chủ, nhưng cần một lãnh đạo mạnh mẽ, thậm chí dám đưa đất nước vào chiến tranh cũng chẳng sao.

Chúng ta hãy thử hình dung, hai tuần sau cái ngày 24/2/2022 định mệnh mà quân dù Nga chiếm được hoàn toàn thủ đô Kyiv, chính quyền Zelensky sụp đổ, bị bắt hoặc lưu vong… thì người Nga sẽ hồ hởi như thế nào. Lúc đó họ vẫn còn tin vào sức mạnh vô song của mình, của quân đội Nga, của đất nước Nga vĩ đại. Và khi đã phải bỏ chạy khỏi Kyiv rồi, thì Putin và rất nhiều người ủng hộ ông ta lại tiếp tục hy vọng vào một tinh thần Nga “sẵn sàng hy sinh và chịu đựng” vì một cuộc “Chiến tranh Vệ quốc mới”. Thực tế đã chứng minh, hóa ra là nhầm hết cả.
 
Putin có thể bị hạ bệ ngay lúc này hay bất cứ lúc nào, chỉ là khía cạnh kỹ thuật lật đổ mà thôi - Ảnh: Sergei Bobylyov (AFP)
Putin có thể bị hạ bệ ngay lúc này hay bất cứ lúc nào, chỉ là khía cạnh kỹ thuật lật đổ mà thôi - Ảnh: Sergei Bobylyov (AFP)

Thất bại của Putin trong giai đoạn đầu của chiến tranh buộc ông ta cùng bộ sậu của mình phải tính kế mới, đặt những mục tiêu mới cho chiến dịch – thực chất đó là một cuộc rút lui lớn chứ chẳng hay ho gì. Chuyển sang giai đoạn mới, chiếm được hai thành phố Serevodonetsk và Lysychansk làm cho tinh thần xã hội cải thiện, cũng là cơ hội cho ông ta dù chẳng có gì khỏa lấp được những cái “hố” trước đây, nào là “phi quân sự hóa” nào là “phi phát-xít hóa” Ukraine… nay chuyển sang chiếm đất. Ông ta vẫn có thể thỏa mãn được tâm lý nhiều người Nga khi thôn tính được đất đai của người khác – chúng ta vẫn còn nhớ họ đã hả hê như thế nào khi Nga cướp đoạt và sau đó sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014.

Nhưng khi quân đội của ông ta bỏ chạy ở vùng Đông Bắc Kharkiv, người Ukraine giải phóng được Izyum và Kupyansk, tình hình đã bắt đầu khác. Đến khi buộc phải rút khỏi vùng hữu ngạn của Kherson, để người Ukraine giải phóng tiếp một vùng rộng lớn trong đó có thành phố Kherson, thành phố tỉnh lị duy nhất mà Nga – Putin chiếm được sau ngày 24/2, thì tình hình lại tiếp tục khác nữa. Bước vào trận chiến Bakhmut, có lẽ trong giới chóp bu quân sự Nga chỉ duy nhất Prigozhin nhận ra được tính vô nghĩa về chiến lược của nó, nhưng vì hắn có những mục tiêu khác, nên vẫn cố sống cố chết xua quân đánh chiếm. Hắn muốn làm “một anh hùng thời đại”.

Có người hỏi tôi rằng tại sao Prigozhin lại dám hy sinh xương máu của lính dưới quyền mình ghê thế… Không phải – thời hắn chưa đi tuyển lính là tù nhân trong các trại giam của Nga, Bakhmut do Wagner đảm nhận đánh nhau nhì nhằng cả nửa năm đến hơn, chẳng đem lại kết quả gì. Chỉ sau này khi đã có lính tù nhân, áp dụng chiến thuật làn sóng, một dạng chiến thuật biển người nhưng thô sơ hơn nhiều thì Wagner của hắn mới có chút kết quả trên chiến trường. Chiếm được Bakhmut (dù như chúng ta thấy, quân Nga chưa thực sự chiếm được hết nội đô của thành phố này, và vùng ngoại vi thì càng ngày càng bị đòi lại nhiều) Prigozhin trở nên cuồng loạn – hội chứng anh hùng đã làm hắn ta hóa dại. Hắn cho quân bắt cả sĩ quan cao cấp của quân đội Nga. Hắn tiếp tục chửi rủa lãnh đạo quân đội Nga, thậm chí đụng tới cả Putin.

Wagner đã trở thành kiêu binh.

Nhìn thái độ của các đơn vị của quân đội Nga và Wagner qua những miêu tả, chúng ta thấy có sự khác biệt rõ ràng và ai chứ tôi thì không nghi ngờ ở tính ô hợp, bệ rạc của quân đội Nga hiện nay. Wagner thực chất là một phần của lực lượng quân sự Nga, nhưng do cơ chế tư nhân nên nó khác hẳn về chất lượng… Nhưng đến đây chúng ta cũng cần nhìn lại đôi chút những gì chúng, lũ lính đánh thuê này thể hiện trong trận chiến. Khi dùng những lực lượng tinh hoa của mình suốt nửa năm, chúng không có kết quả nào ở Bakhmut. Khi dùng lính tù nhân, chúng vẫn phụ thuộc vào hỏa lực pháo binh của quân đội.

Lực lượng mạnh nhất của quân sự Nga, té ra cũng chỉ thường thường vậy thôi. Nếu có vượt trội thì là vượt trội với quân đội của chính họ. Thế nên dân gian hiện đại mới có câu: quân đội Nga từ quân đội thứ hai thế giới, trở thành quân đội thứ hai ở Ukraine và bây giờ là quân đội thứ hai trên chính đất nước của mình.

Quay lại với cuộc binh biến của Prigozhin và Wagner, nếu nói ai thắng thì có lẽ Prigozhin đã thắng với mục tiêu của mình. Hắn muốn bóc trần bộ mặt thật của giới chóp bu quân sự Nga, cụ thể là Bộ trưởng Shoigu và Tổng Tham mưu trưởng Gerasimov và như vậy, hắn đã thành công. Quân đội Nga không những không chống lại quân của hắn, mà còn nhường đường một cách e dè và nể sợ. Nhưng có lẽ Prigozhin cũng không ngờ đến một kết quả phi thường mà cuộc binh biến mang lại. Trong suốt hơn nửa ngày, Putin không xuất hiện, như người ta thường nói là “không sủi tăm”. Mãi khi lên sóng truyền hình, Putin lên án cuộc binh biến là cú đâm dao sau lưng, những người tham gia là phản bội, là phản quốc… nhưng không một lời nào nhắc trực tiếp đến cái tên Prigozhin. 

Không chỉ thế, có những thông tin cho biết Putin lên máy bay tạm sơ tán đi hoặc Tver, hoặc xa hơn là về quê Saint Petersburg. Chính quyền của ông ta bắt đầu rối loạn, nhiều nhân vật cấp cao chuẩn bị leo máy bay di tản đi nước ngoài. Có lẽ chính Prigozhin cũng không ngờ hiệu quả dọa dẫm của cuộc binh biến lại thành công đến thế. Hỗn loạn và hoảng sợ là từ chính xác nhất để chỉ một Mátxcơva của ngày 24/6.

Trong lịch sử, những lãnh đạo ươn hèn yếu đuối thường bị người Nga khinh thường và chán ghét, như Khrushchev dù bị lật đổ, nhưng là người dẹp được nạn Beria và dám kéo tên lửa sang Cuba, vẫn còn uy tín hơn Brezhnev tự đeo lên ngực 4 ngôi sao anh hùng nhưng càng ngày càng bê tha. Gorbachev khi mới xuất hiện đem lại cho người dân Xô-viết niềm hy vọng mới sau mấy lễ quốc tang liên tục của Andropov và Chernenko. Cuộc binh biến của Prigozhin làm lộ chân tướng hèn nhát chẳng có tí nào là cưỡi ngựa bắn súng của Putin, chắc chắn sẽ làm suy giảm nghiêm trọng uy tín của ông ta trong dân chúng Nga.

Nếu ai đó bắt tôi chứng minh điều này, tôi chỉ xin đưa một dẫn chứng: khi Wagner kéo quân về Mátxcơva, người dân Nga nếu đúng là trên 80% ủng hộ Putin như một nghiên cứu gần đây của Nga thực hiện, thì ngay khi chúng mới khởi hành cuộc binh biến đã bị nhân dân dập từ trong trứng nước. Ở đây không những không có chuyện đó, mà còn có cả những hình ảnh người dân Nga chào đón Prigozhin như… anh hùng.

Rõ ràng anh hùng chiến trận đã bắt đầu tiếm ngôi anh hùng cưỡi ngựa bắn súng lái tầu ngầm, ít ra trong tư tưởng xã hội. Người ta đã nhận ra rằng, Putin không phải là vị thánh bất khả xâm phạm và hoàn toàn có thể bị lật đổ.

Đến ngày 26/6, hai ngày sau cuộc binh biến… đã bắt đầu có những thông tin cho biết chưa có chuyện tha bổng cho Prigozhin và bọn Wagner tham gia dấy loạn, mà quá trình điều tra vẫn tiếp tục, cụ án chưa được đóng. Số phận của Shoigu và Gerasimov còn chưa rõ ràng dù Shoigu đã xuất hiện trên mạng xã hội: đi thị sát chiến trường ở Bộ chỉ huy Cụm lực lượng quân sự miền Tây của Nga; và số phận của Prigozhin càng chưa rõ ràng. Điều thú vị là cái chúng ta quan tâm, số phận của Putin thì đã rõ hơn một chút rồi: nó gắn liền với kết quả của cái gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” và quân Nga càng thua trên chiến trường, cái ghế tổng thống của ông ta càng lung lay. Việc ông ta có thể bị hạ bệ ngay lúc này hay bất cứ lúc nào vừa được Prigozhin và Wagner chứng minh, chỉ là khía cạnh kỹ thuật lật đổ mà thôi.

Kết. Có người hỏi tôi: liệu có phải Prigozhin cùng một bộ phận quan trọng, tinh hoa của Wagner kéo sang Belarus để tuyển quân bên đó rồi tấn công vào Ukraine từ phía Bắc, theo hướng Kyiv hay không, và phải chăng cuộc binh biến là một phần của âm mưu này? Tôi có trả lời rằng: Wagner tuyển quân từ khắp thế giới, kể cả… Hoa Kỳ, châu Phi… và không vì muốn tuyển quân từ Hoa Kỳ mà chúng phải kéo nhau đi làm binh biến ở Washington. Nếu muốn tuyển quân Belarus, thì chúng chỉ cần đặt một văn phòng đại diện là xong. Còn muốn tấn công Ukraine từ phía Belarus, thì cứ kéo sang mà đánh, việc gì phải phức tạp hóa vấn đề như thế.

Câu hỏi phái sinh là nếu chúng tấn công Ukraine từ phía Bắc thì sao? Thì người Ukraine sẽ tiêu diệt chúng thôi chứ sao, đến Bakhmut bé tí tẹo còn đánh mãi không xong, thì sức mấy đánh Kyiv? Kéo về Belarus có khi chỉ là Alexander Lukashenko nhờ hỗ trợ giữ chính quyền, chống đảo chính quân sự mà thôi.

Phúc Lai, từ Hà Nội


 
 Từ khóa: Ukraine
Tổng số điểm của bài viết là: 51 trong 11 đánh giá
Xếp hạng: 4.6 - 11 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn