Đến mùa hè năm 2013 thì đã rõ rằng công nghệ truyền thông từng làm cho Putin trở nên nổi tiếng trong suốt những năm trước đó đã không thể nâng rating của ông ta lên quá 40-45% được. Bởi vậy, Kremlin rất lo lắng trước xu hướng tiêu cực này nên đã bắt tay xây dựng những phương pháp cơ bản mới nhằm củng cố vị trí của Putin.
Hiển nhiên, chính quyền Nga đã dàn dựng và chuẩn bị kỹ càng từ trước cho kịch bản “đòi lại Crimea cho Nga”. Quy mô của việc chuẩn bị này, hôm nay đã rõ ràng. Trước khi quân đội Nga xâm lược Crimea, các tướng lĩnh, sĩ quan quân đội Ukraine, các lãnh đạo, nhân viên cơ quan hành pháp đều bị mua chuộc, chiêu mộ để vào thời điểm quyết định phản bội lại lời thề của mình và chạy sang hàng ngũ của Nga. Những chính khách địa phương được tài trợ từ Moscow, những kẻ ly khai và giới truyền thông rất tích cực ủng hộ hành vi này của Nga.
Thái độ trung thành cũng xuất hiện do thương vụ Crimea này đã nhận được những khoản tín dụng rất hời từ các ngân hàng Nga trên cơ sở những điều kiện phi thị trường. Ngoài ra, những nỗ lực dài hơi nhằm làm suy yếu nền kinh tế Ukraine và hệ thống chính trị nước này cũng được ráo riết thực thi. Các “cuộc chiến khí đốt”, thực thi rồi lại gỡ bỏ các cấm vận xuất nhập lương thực cứ liên tục diễn ra.
Nga cũng thúc đẩy một cách lộ liễu chính quyền Ukraine nhằm ép buộc họ phải tham gia vào mọi dự án liên kết có thể của Kremlin để hạn chế chủ quyền của những nước thuộc Liên bang Xô-viết cũ.
Cuộc cách mạng ở Kiev và sự trốn chạy ra nước ngoài của cựu Tổng thống Viktor Yanukovych vào đầu năm 2014 đã làm suy yếu nhà nước Ukraine trong khoảng thời gian nhất định và tạo ra điều kiện lý tưởng cho những hành động quyết định của điện Kremlin trong việc chia cắt Crimea.
Với sự hỗ trợ của binh lính và các lực lượng đặc nhiệm của Nga (sau này chính Putin đã thừa nhận điều đó
<1>) trên địa phận bán đảo Crimea đã diễn ra cuộc “trưng cầu dân ý” làm hình thức cho cơ sở để sáp nhập Crimea vào Nga.
Việc sáp nhập Crimea vào Nga với sự tuyên truyền rầm rộ của giới truyền thông nhà nước đã giúp cho Putin củng cố mạnh mẽ tính chính danh của cá nhân mình. Rating về sự nổi tiếng của ông ta đạt con số kỷ lục
<2>.
Nhưng vụ việc Crimea không dừng lại, rất nhanh sau đó trên địa phận các tỉnh Donesk và Lugan của Ukraine đã bắt đầu một cuộc chiến chính thức. Những kẻ ly khai chống lại quân đội Ukraine đòi đưa phần đất họ kiểm soát rời khỏi đất nước và sáp nhập với Liên bang Nga như trường hợp Crimea.
Theo những tư liệu của bản phúc trình thì toàn bộ các hỗ trợ về quân sự, kinh tế, nhân lực, chính trị những kẻ ly khai đều trực tiếp nhận từ Liên bang Nga. Nguyên nhân để Putin khơi mào và tiến hành cuộc chiến với quốc gia láng giềng có thể cho phép đưa ra hai lý giải như sau về hành động của ông ta:
Lập luận thứ nhất nằm ở chỗ, thắng lợi trong việc sáp nhập Crimea đã thuyết phục Tổng thống Liên bang Nga trong vấn đề sẵn sàng tiếp nhận các khu vực nói tiếng Nga của Ukraine vào lãnh thổ quốc gia mình. Trên thực tế, luận điệu “
thu hồi các vùng đất Nga” đã được tuyên truyền và nhiệm vụ này được Putin coi như sứ mệnh lịch sử của mình bất chấp mọi tổn thất có thể có.
Để biện minh cho tham vọng của Nga đối với những vùng đất này, họ đã kích động những kẻ ly khai địa phương được sự ủng hộ của các chiến binh,các chính khách đến Donbas từ Moscow và các thành phố khác của Nga. Tuy nhiên những nỗ lực này cũng chỉ mang lại kết quả rất hời hợt: ngoài một số khu vực nhất định thuộc tỉnh Donesk và Lugan thì các vùng đất nói tiếng Nga khác sau một vài xao động đã khẳng định mong muốn vẫn là một thành phần của Đất nước Ukraine.
Tình huống diễn ra đã đẩy Putin đến việc phải tìm giải pháp chính trị để bước ra khỏi cuộc khủng hoảng mặc dù có khả năng quân sự vượt trội và tình huống này cũng tạo nhiều thuận lợi cho các cuộc đàm phán hòa bình với chính quyền mới của Ukraine.
Lý giải thứ hai là, ngay từ đầu Putin đã hiểu việc hình thành trong khu vực Donbas một tổ chức nhà nước với triển vọng sáp nhập vào lãnh thổ Nga thì sẽ có nhiều đồng minh là công dân Nga hơn hẳn công dân Ukraine. Bởi vậy cuộc đối đầu quân sự này được tạo ra nhằm mục đích để nắm được lợi thế trên bàn đàm phán với các nước phương Tây.
Ngừng bắn ở Donbas tạo điều kiện để đảm bảo cho Kremlin có thể được dỡ bỏ các chế tài cả về kinh tế lẫn chính trị đối với Nga. Các chế tài này là điều không thể tránh khỏi khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ của mình. Ngoài ra, khi thực hiện kịch bản với yêu cầu không được thảo luận về tính hợp pháp việc sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga, nghĩa là các nước Phương Tây buộc phải thừa nhận Crimea là lãnh thổ của Nga trên thực tế.
Dù thế nào đi nữa thì cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng còn lâu mới kết thúc. Nhận ra những hậu quả chính trị từ việc này ngay trong nội bộ của nước mình, Putin cũng nhận được những nguy cơ đáng kể.
Thứ nhất, chính quyền Nga vẫn buộc phải hỗ trợ quân ly khai ở Donbas dù tổn thất về chính trị và kinh tế có tăng lên. Từ chối sự hỗ trợ này có thể bị coi là sự phản bội từ phía các đồng minh của Putin (kể cả những kẻ đã học được nhiều kinh nghiệm quân sự ở miền Đông Ukraine) và điều đó sẽ làm dấy lên làn sóng không hài lòng với chính Putin ngay trong nội bộ Nga.
Thứ hai, việc tiếp tục đối đầu với Phương Tây thì sự cô lập và các chế tài sẽ gây ra thêm các tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Nga. Điều này tạo ra nguy cơ các chống đối xã hội bùng phát và lại tiếp tục làm giảm rating của nhà lãnh đạo đất nước.
Sau cùng, sự suy yếu vị thế của Putin trên trường quốc tế và leo thang xung đột Nga - Ukraine sẽ đẩy tổng thống đương nhiệm của Liên bang Nga tới nguy cơ hiện hữu về việc bị điều tra hình sự.
Sự thay đổi tình thế chính trị toàn cầu hoàn toàn có thể kết thúc bằng việc Putin bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh trên chiếc ghế bị cáo ở tòa án quốc tế.