Chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông: CÁC CƠ CHẾ, GIẢI PHÁP GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Thứ sáu - 24/04/2015 23:58

(NCTG) “Vùng Biển Đông tương lai có còn là vùng nước lặng yên bình, hay là nơi con Rồng Trung Hoa quậy sóng? Nguy cơ an ninh của Biển Đông, tác động của vấn đề này tới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang thách thức nỗ lực của những nhà chiến lược quốc tế, các nguyên thủ quốc gia và chính khách ngoại giao”.

Tác giả Pálinkás Dániel trình bày bản tham luận - Ảnh: Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary

Tác giả Pálinkás Dániel trình bày bản tham luận - Ảnh: Hội Sinh viên Việt Nam tại Hungary

Thưa các quý đại biểu, các anh chị và các bạn, 

Thông qua các tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại giao và Chính phủ Việt Nam, tôi hiểu và ủng hộ chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố xác lập. Điều này dựa trên các căn cứ lịch sử và pháp lý, thông qua một quá trình lâu dài người Việt Nam khai phá các vùng biển, đảo trên Biển Đông. 

Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và một số nước thuộc ASEAN trên Biển Đông, tôi cho rằng các cơ chế giải quyết xung đột là việc làm hết sức có ý nghĩa, nhằm ngăn chặn các nguy cơ nảy sinh các bất ổn an ninh tiềm tàng, thậm chí là các cuộc đụng độ trên biển. 

Như tôi được biết, trên nguyên tắc tôn trọng những tiêu chí cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc về duy trì hòa bình và an ninh thế giới, tuân thủ luật pháp quốc tế, một số cơ chế đã được thiết lập để đối phó và giải quyết các vấn đề an ninh khu vực trên Biển Đông. Diễn đàn khu vực ARF-ASEAN Regional Forum (ARF) do ASEAN thiết lập năm 1994 với mục đích thúc đẩy đối thoại về các vấn đề chính trị an ninh liên quan đến ASEAN, ARF là cơ chế đa phương có các nước ở khu vực châu Á Thái Bình Dương tham gia. 

Council for Security Cooperation in the Asia Pacific (CSCAP) có tính phi chính phủ gồm các thành viên Ấn Độ, Úc, Singapore, Trung Quốc, Việt Nam, Canada, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Mỹ, Liên hiệp Châu Âu. 

South China Sea Workshop hình thành với sự viện trợ của Canada được tổ chức từ 1990 đến 2001 họp các chuyên gia hàng năm nhằm đối thoại về các vấn đề liên quan đến Trường Sa và Biển Đông. 

Ngày 25-12-2000, Trung Quốc và Việt Nam đã ký Hiệp định phân giới Vịnh Bắc Bộ sau một thời kỳ đàm phán khó khăn lâu dài. Bản Hiệp định đã có hiệu lực từ ngày 30-6-2004 (1). Đây là bước đi quan trọng và có thể là tiền lệ để hai nước có thể đi đến các thỏa thuận khác trong tương lai về các vấn đề tranh chấp đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Hội nghị Quốc phòng ASEAN mở rộng ADMM+ được tổ chức từ năm 2006 nhằm củng cố mối quan hệ hợp tác về an ninh và xử lý các vấn đề liên quan tại Đông Nam Á. 

“Tuyên bố về hành vi ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC) có hiệu lực tháng 11-2002 tuyên bố: “Các bên hữu quan cam kết, căn cứ theo nguyên tắc trong luật quốc tế đã được công nhận, bao gồm “Công ước luật biển Liên Hiệp Quốc năm 1982-UNCLOS” (2), các nước có chủ quyền liên quan trực tiếp thông qua thảo luận và đàm phán hữu nghị, giải quyết tranh chấp về lãnh thổ và quyền quản lý của họ bằng phương thức hoà bình chứ không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực”. ASEAN và Trung Quốc đang tiến tới đàm phán COC-Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông. 

Ngày 31-8-2012, Hội thảo về an ninh biển do Diễn đàn Thái Bình Dương, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Mỹ) phối hợp tổ chức với lần lượt các cơ quan nghiên cứu của Philipines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia đã đưa ra các giải pháp chính trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Biển Đông: 

- Thứ nhất, tăng cường xây dựng lòng tin với vai trò của DOC/COC, Hiệp định thân thiện và hợp tác tại khu vực Đông Nam Á, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). 

- Thứ hai, tiến tới ngoại giao phòng ngừa, thông tin lẫn nhau tránh xung đột. 

- Thứ ba, tận dụng vai trò của các thể chế khu vực như ASEAN, ARF, APEC. 

- Thứ tư, phát huy quy trình lập pháp và nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp chủ quyền, trong đó quan trọng nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982). 

- Thứ năm, quản lý xung đột, tích cực giải quyết xung đột thông qua các biện pháp ngoại giao và đàm phán. 

- Thứ sáu, vai trò xây dựng và trách nhiệm của các nước lớn, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Úc thông qua nguyên tắc “tái cân bằng” trong các hoàn cảnh xảy ra nguy cơ xung đột lợi ích giữa các bên. 

Hàng năm, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á hay còn được biết đến với tên Đối thoại Shang-ri La là một diễn đàn an ninh liên chính phủ với sự cố vấn độc lập của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), với sự tham gia của rất nhiều nước thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó các vấn đề an ninh quốc tế, vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông được đưa ra bàn luận sôi nổi với các tuyên bố chính thức của các bên. Hội nghị này là một kênh đối thoại quan trọng nơi chính phủ các quốc gia thể hiện lập trường và quan điểm của mình trong các tranh chấp và tìm kiếm một cơ chế đối thoại. 

Các cơ chế hợp tác và giải quyết vấn đề tranh chấp trên Biển Đông với các ví dụ tiêu biểu nêu trên là nhân tố quan trọng nhằm xây dựng một khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ổn định, hòa bình, hạn chế tối đa các bất đồng và xung đột. 

Thưa các quý đại biểu, các anh chị và các bạn, 

Ở châu Á ngày nay, hiếm có một quốc gia nào mà lại không có những tranh chấp về lãnh thổ với các quốc gia láng giềng. Từ vùng Trung Đông, đến vùng Caspi và Trung Á, vòng qua bán đảo Ấn Độ, Đông Dương hay các quần đảo ở Đông Nam Á, Tây Tạng, Biển Đông và vùng Viễn Đông, tất cả cũng không nằm ngoài những tranh chấp về lãnh thổ và lãnh hải” (3). 

Biển Đông, với vị trí địa chiến lược quan trọng của nó, cũng như lợi thế về tài nguyên biển, trữ lượng dầu mỏ phong phú, an ninh hàng hải, đang trở thành một vấn đề đáng quan ngại của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, với sự tham gia của nhiều nước, nhiều bên. Biển Đông cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, chính sách “can dự trở lại Châu Á” của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, trở thành một vấn đề nóng hơn bao giờ hết trên bàn nghị sự của khu vực và quốc tế. 

Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông liên quan đến lợi ích chiến lược của Trung Quốc và Mỹ tại Đông Á và Đông Nam Á. Vùng Biển Đông tương lai có còn là vùng nước lặng yên bình, hay là nơi con Rồng Trung Hoa quậy sóng? Đó là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp. Nguy cơ an ninh của Biển Đông, tác động của vấn đề này tới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang thách thức nỗ lực của những nhà chiến lược quốc tế, các nguyên thủ quốc gia và chính khách ngoại giao. 

Các giải pháp cho vấn đề Biển Đông nhằm hướng tới sự ổn định lâu dài và tránh nguy cơ xung đột đang được tìm kiếm và thực thi thông qua các diễn đàn và cơ chế hợp tác liên khu vực. Tất cả các nỗ lực đang hướng hy vọng về một Biển Đông hòa bình và ổn định và hợp tác bền vững trong tương lai. 

Xin cảm ơn quý vị đại biểu và các bạn đã lắng nghe! (*) 

(1) VOV Radio News Online, Voice of Vietnam, “The South China Sea problem is a matter of the Vietnam-China relations”, September 4, 2012, Last updated: 04:56; 

(2) United Nations Orgnization, “United Nations Convention on the Law of the Sea of 10 December 1982”, http://www.un.org/Depts/los/convention_agreements/convention_overview_convention.htm 

(3) International Studies Magazine, Diplomatic Academy of Vietnam, Ministry of Foreign Affairs of Vietnam, No.2012/03, page 109. 

(*) Tiêu đề nguyên thủy của bài viết là “Chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông cùng các cơ chế và các giải pháp cơ bản giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông”, đã được trình bày tại Hội thảo “Tuổi trẻ Việt Nam tại Hungary hướng về biển đảo quê hương” (Budapest, 24-4-2015). Pálinkás Dániel, tác giả bản tham luận là sinh viên năm thứ 3 ngành Quan hệ Quốc tế, Viện Quan hệ Quốc tế, Khoa Khoa học Xã hội, Đại học Kinh tế và Quản trị Nhà nước Corvinus (Budapest).

NCTG


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn