Thưa các quý đại biểu, các anh chị và các bạn,
Đã từ lâu, xung đột và hợp tác là hai mặt đối lập nhưng song hành trong hệ thống chính trị và an ninh quốc tế. Sân khấu chính trị toàn cầu không thể tránh khỏi những va chạm về mặt lợi ích, cả ở quy mô khu vực lẫn quy mô toàn cầu.
Tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, một trong những khu vực địa-chính trị nhạy cảm nhất của thế giới, vấn đề tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đã và đang trở thành một vấn đề quan trọng trong các diễn đàn chính trị-an ninh của khu vực trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong các cuộc thảo luận song phương và đa phương của ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ. Vấn đề Biển Đông là một thách thức có tác động trực tiếp đến tình hình an ninh và sự bình ổn của khu vực Đông Nam Á, cũng như ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh ở Châu Á - Thái Bình Dương, với những đặc điểm chính như sau (1):
Thứ nhất, tranh chấp về chủ quyền giữa các bên liên quan tại Biển Đông, chủ yếu giữa Trung Quốc, Việt Nam và Philippines có nguy cơ trở thành xung đột quân sự giữa các bên tranh chấp.
Thứ hai, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông làm hạn chế tự do lưu thông hàng hải trên Biển Đông, cản trở các dự án về kinh tế, các chương trình bảo vệ môi trường biển.
Thứ ba, tranh chấp trên Biển Đông tạo điều kiện thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực ở quy mô vừa phải, cũng như gia tăng khả năng hiện đại hóa và trang bị hải quân hiện đại để đối đầu với những thách thức mới, điều này diễn ra có tác động an ninh bất lợi trong môi trường quốc tế mới đề cao hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và các chế tài giải quyết xung đột thông qua đàm phán đa phương (2).
Thứ tư, cuộc tranh chấp chưa có hồi kết trên Biển Đông tạo nên tình hình phức tạp trong khu vực, gây căng thẳng giữa các bên, khiến cho an ninh quốc tế vốn đầy biến động nay còn phức tạp hơn.
Thứ năm, Biển Đông là một “cái ao nhỏ”, nhưng là nơi chứa đựng những xung đột lịch sử và những mối nguy cơ xung đột mới tiềm tàng. Đó là khu vực biển chứng kiến sự tranh chấp và gây ảnh hưởng giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Mỹ, bởi con rồng Trung Hoa và đại bàng Mỹ luôn coi Biển Đông là lợi ích sống còn của mình.
Thứ sáu, vấn đề Biển Đông gây lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách về một tương lai hòa bình, ổn định và phồn vinh của châu Á.
Thứ bảy, an ninh trên Biển Đông không chỉ là vấn đề của riêng Đông Nam Á hay Châu Á - Thái Bình Dương, mà cùng với sự can thiệp của Mỹ, mối quan tâm của Nga, Nhật Bản và Ấn Độ cùng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, nó trở thành một vấn đề mang tính chất toàn cầu, thách thức nỗ lực hòa giải chung giữa các quốc gia khi chia sẻ lợi ích, trước hết là lợi ích về an ninh và tự do hàng hải.
Trong bối cảnh các vấn đề an ninh xung đột đặt ra trong tranh chấp chủ quyền biển đảo ở Biển Đông, việc nhận thức đúng đắn và đầy đủ về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông là điều hết sức quan trọng. Từ thời Nguyễn, các đời vua Nguyễn đã từng bước xác lập chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với các căn cứ lịch sử pháp lý vững chắc, phù hợp với thông lệ và quan điểm nhìn nhận của luật pháp quốc tế ngày nay, đặc biệt là theo các nguyên tắc của Công ước của Liên Hiệp Quốc về biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Chính phủ và mọi người dân Việt Nam, trong cuộc sống thường ngày cũng như trong các tuyên bố chính thức, luôn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai huyện đảo Hoàng Sa (thuộc thành phố Đà Nẵng) và Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa) là điều thiêng liêng và bất khả xâm phạm.
Trong lá thư của Đại sứ nước CHXHCN Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc Lê Hoài Trung gửi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nêu lập trường của Việt Nam đối với Quần đảo Hoàng Sa ngày 3-7-2014 nêu rõ: “Việc đô đốc Quảng Đông (Trung Quốc) Lý Chuẩn năm 1909 tiến hành hành động thám hiểm và thăm dò Hoàng Sa là hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa đã được Việt Nam thiết lập vững chắc và được chính quyền bảo hộ Pháp thay mặt Việt Nam tiếp tục thực thi”.
Đồng thời bức thư cũng nêu rõ: “Bị vong lục ngày 12-5-1988 của Trung Quốc - một văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc – cũng khẳng định rõ một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là “xâm lược không thể sinh ra chủ quyền” đối với một vùng lãnh thổ. Không có một quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa” (3).
Trung Quốc gần đây nhấn mạnh khái niệm “kinh lược hải dương” (jinglue haiyang), tạm dịch là “quản lý chiến lược vùng biển”, đây là một khía cạnh đặc biệt trong chiến lược cường quốc biển của Trung Quốc trong dài hạn. Theo Ryan Martinson, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Hải chiến Mỹ tại Newport, Rhode Island, với khái niệm này, chính phủ Trung Quốc “sử dụng các công cụ chính trị, công nghệ và ngoại giao để tham gia vào hoạt động quản lý ở mức độ cao và toàn diện các lợi ích và an ninh quốc gia trong lĩnh vực biển, và áp dụng các biện pháp quyết liệt để đẩy nhanh việc phát triển và khai thác biển, tăng cường quản lý toàn diện vùng biển, và bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia trên tất cả các phương diện” (4).
Đây có thể là điều đáng quan tâm đối với các quốc gia có chung biên giới trên biển với Trung Quốc, nhất là tại Biển Đông, khi mà hạm đội Nam Hải đang ngày càng trở thành con át chủ bài để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng về vùng biển phía Nam, bất chấp sự phản đối của các quốc gia có tranh chấp. Brahma Chellaney, giáo sư ngành Nghiên cứu Chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, tại New Delhi, Ấn Độ, trong bài viết đăng trên www.project-syndicate.org đã nhắc đến “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc - mạng lưới cảng biển nối liền bờ biển phía Đông của Trung Quốc với Trung Đông nhằm tăng cường ảnh hưởng chiến lược và khả năng tiếp cận biển của nước này.
Cùng với đó, ông nêu lên mối lo ngại về cụm từ hoa mỹ mà các nhà chiến lược của Trung Quốc nghĩ ra: “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và sáng kiến Con đường tơ lụa trên biển của thế kỷ XXI”, mà theo ông, nó được thiết kế mang tính chiến lược với mục đích biến Trung Quốc thành trung tâm của một trật tự mới ở châu Á và khu vực Ấn Độ Dương; bằng cách thiết lập sự khống chế dọc theo các huyết mạch thương mại trọng yếu, cũng như kích động các cuộc tranh chấp lãnh thổ trên đất liền và trên biển với một số nước láng giềng, Trung Quốc đang cố gắng vẽ lại bản đồ địa chính trị của Châu Á”.
Từ răn đe quân sự đến tái trấn an, từ “kinh lược hải dương”, “chuỗi ngọc trai” đến “Con đường tơ lụa trên biển”, Trung Quốc đang định viết sẵn lịch sử cho tương lai Châu Á bằng những tính toán của mình tại các vùng biển trong tầm ảnh hưởng, trong đó có Biển Đông, Brahma Chellaney gọi chiến lược này là “găng tay lụa cho nắm đấm sắt của Trung Quốc”.
Sẽ có thêm điều gì xảy ra để viết tiếp lịch sử giải quyết xung đột biển đảo trên Biển Đông? Liệu những tranh chấp này có dừng lại bởi những thỏa thuận và cách thức giải quyết tương tự như các nước ven vùng Biển Bắc, Địa Trung Hải hay khu vực vịnh Caribe đã làm, tôn trọng luật pháp quốc tế và hướng tới mục tiêu hòa bình, ổn định của khu vực? Liệu Việt Nam và Philippines có hóa giải được “lời nguyền địa lý” khi nằm ngay cạnh người khổng lồ Trung Hoa đang thức giấc?
Và liệu Biển Đông với vai trò to lớn trong lưu thông hàng hải quốc tế, trong tương lai các bên có thể gác lại tranh chấp, cùng chia sẻ lợi ích và tôn trọng nguyên tắc mare liberum (biển tự do) được cha đẻ của luật quốc tế Grotius đấu tranh sau sự kiện tàu Santa Catarina ngoài khơi Changi (Singapore ngày nay) năm 1603 và sau này được gói gọn lại trong UNCLOS 1982 như một tiền lệ pháp mà các quốc gia ven biển cần tuân thủ? (5) Đó là những câu hỏi lớn vẫn chưa thể có lời giải đáp.
Nhưng cũng luôn cần khẳng định một điều rằng, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông là việc làm kiên trì và đòi hỏi thời gian dài, trong bối cảnh tình hình Biển Đông có ảnh hưởng lớn đến an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, là vùng nước chịu sự ảnh hưởng của sự cạnh tranh lợi ích chiến lược giữa các cường quốc, nổi bật nhất là Nga, Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ, với một bên là các quốc gia ven Biển Đông Nam Á.
Đấu tranh thông qua đàm phán hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo vệ vững chắc từng tấc đất, tấc biển của Tổ quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa là nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi thế hệ người Việt Nam, để lá cờ đỏ sao vàng tiếp tục tung bay giữa biển trời, khẳng định chủ quyền Tổ quốc mà cha ông đã dày công thiết lập, vun đắp và bảo vệ (*).
Ghi chú:
(1) Global Security, Military, The South China Sea; http://www.globalsecurity.org/military/world/war/south-china-sea.htm
(2) Vietnamnet, Vietnam Weekly News, Vietnamese Ministry of Information and Communications, “Maritime Security in Southeast Asia: Finding a reasonable solution”, by Thach Ha-from Jakarta, Indonesia, September 5, 2012, 06:00; http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/87176/an-ninh-bien-dong-nam-a--di-tim-giai-phap-hop-ly.html
(3) Dự án Đại sự ký Biển Đông/Historiography of South China Sea Project, posted on January 6, 2015; https://daisukybiendong.wordpress.com/
(4) Ryan Martinson, “Jinglue Haiyang: The Naval Implications of Xi Jinping’s New Strategic Concept”, China Brief, Volume 15, Issue, 1, January 9, 2015.
(5) Navin Rajagobal, “Roots of international law in 1603 incident off Changi”, The Straits Times, February 23, 2015.
(*) Tiêu đề nguyên thủy của bài viết là “Chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, những thách thức pháp lý gắn với những tác động của vấn đề tranh chấp đến an ninh khu vực Đông Nam Á và quốc tế”, đã được trình bày tại Hội thảo “Tuổi trẻ Việt Nam tại Hungary hướng về biển đảo quê hương” (Budapest, 24-4-2015). Trần Đình Tuấn, tác giả bản tham luận là sinh viên năm thứ 3 ngành Quan hệ Quốc tế, Viện Quan hệ Quốc tế, Khoa Khoa học Xã hội, Đại học Kinh tế và Quản trị Nhà nước Corvinus (Budapest).