(NCTG) “Nếu như ngay cả Nemtsov còn bị bắn ở chân tường điện Kremlin thì họ có thể làm bất cứ thứ gì với thân chủ của chúng tôi. Chả ai thấy được” - vị luật sư đại diện quyền lợi của gia đình hai người lính dù chết trận đã tóm tắt quan điểm của họ cho tác giả bản phúc trình này biết”.
Hai địch thủ chính trị
Lời khai của binh nhì Khokhlov
Ngày 16-8, phía Ukraine lại công bố thêm một băng video <1> lời khai của một quân nhân Nga: lính hợp đồng, binh nhì Khokhlov Petr Sergeyevich, sinh 1995, thuộc Tiểu đoàn bộ binh cơ giới số1, Lữ đoàn bộ binh cơ giới độc lập số 9 quân đội Nga (làng Novyi, vùng Nizhny Novgorod), quân đoàn 20 (làng Mulino) quân khu miền Tây.
Trong lời khai của mình, anh ta khẳng định là đơn vị quân đội của anh ta tổ chức các cuộc chuyển quân và khí tài quân sự của quân đội Nga sang lãnh thổ Ukraine để tham gia vào các hoạt động quân sự chống lại quân đội Ukraine. Trong số các vũ khí khí tài quân sự đưa sang Donbas có cả hệ thống tên lửa phóng loạt BM-21 “Grad”, xe chiến đấu bộ binh BMP-2, xe chở quân BTR-80.
Trước khi đưa xe pháo sang Donbas, theo lời của Khokhlov, các mã hiệu của nhà máy chế tạo được tháo đi, các quân hiệu được sơn phủ và biển số xe bị tháo ra. Phải làm thế để không ai nhận ra được các khí tài đó thuộc về quân đội Nga. Khokhlov khẳng định đã trực tiếp tham gia chuyển giao khí tài đã qua xử lý (14 xe chiến đấu bộ binh) cho quân ly khai ở biên giới với Ukraine.
Khokhlov cũng khai là ngày 8-8 anh ta đã tự động rời bỏ đơn vị cùng với đồng đội là Ruslan Garafiev chạy sang vùng Lugansk. Theo lời anh ta thì họ định gia nhập đội quân ly khai với hy vọng được được trả tiền nhiều hơn so với lương hợp đồng của quân nhân Nga. Tuy nhiên ngày 27-8 Khokhlov đã bị các quân nhân Ukraine bắt ở làng Novosvetlovka và giao cho Cơ quan An ninh Ukraine.
Lính dù Kozlov
Vào tháng 9-2014 người ta bắt đầu nghe nói đến anh lính dù Nhikolai Kozlov <2>. Anh đã chiến đấu ở Donbas và bị thương mất một chân. Câu chuyện về chàng trai này được chú của anh, ông Sergey Kozlov, đưa công khai lên mạng xã hội.
Theo số liệu của Ban Chấp hành Quân sự làng Ozersk thì Nhikolai Kozlov, 21 tuổi, nghề thợ máy, đến tháng 6-2013 đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại Lữ đoàn cận vệ dù đánh bộ độc lập số 31, từ 1-8-2013 tiếp tục phục vụ tại chính đơn vị đó theo chế độ hợp đồng.
Kozlov đã tham gia các chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Ukraine ngay từ những ngày đầu của cuộc khủng hoảng. Tháng 3-2014, cùng với các quân nhân Nga khác anh đã tham gia khống chế các cơ sở ở Crimea. Điểm quan trọng cần nhấn mạnh là toàn bộ các nhiệm vụ quân sự ở Crimea được quân nhân Nga Kozlov thực hiện trong quân phục của Cảnh sát Ukraine.
Điều này được xác nhận bằng bức ảnh mà bố anh đã công bố trên mạng xã hội VKontakte vào tháng 5-2014. Theo lời của chú anh ta thì bức ảnh này được chụp ở Xô-viết Tối cao Crimea, mà Kozlov đã cùng đồng đội khống chế dưới bộ dạng các chiến sĩ Bộ Nội vụ Ukraine.
Sau thắng lợi của chiến dịch anh được trở về thành phố quê hương Ulyanovsk, được thưởng Huy chương “Vì sự lấy lại Crimea” và cưới vợ. Người ta cử Kozlov sang Donbas vào tháng 8-2014 khi quân đội Nga bắt đầu mở rộng các chiến dịch quân sự để chống trả các cuộc tấn công của quân đội Ukraine vào các vị trí của quân ly khai. Kozlov tham gia chiến đấu ở đó được hai tuần.
Theo như lời người thân kể lại, anh đã thực hiện các nhiệm vụ quân sự nhằm đè bẹp các trận địa pháo của lực lượng quân đội Ukraine.
Theo lời kể của ông Sergey Kozlov, toán lính của cháu ông đã bị phục kích khi cố gắng giải cứu các đồng đội bị bắt làm tù binh. Ngày 24-8 cả toán bị trúng pháo kích từ các xe chiến đấu bọc thép, và Kozlov bị trúng đạn đứt một chân. Sau đó anh ta được đưa qua biên giới, nằm điều trị trong bệnh viện ở Rostov và sau đó được đưa về Moscow.
Quân nhân dưới dạng lính tình nguyện
Sau cuộc phản công tháng 8-2014 của quân ly khai và những đơn vị quân đội Nga, ở Minsk đã diễn ra cuộc đàm phán hòa bình với sự tham gia của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Theo kết quả tham vấn thì các bên đã thỏa thuận được việc ngưng bắn và đã tạm đóng băng cuộc khủng hoảng trên lãnh thổ Ukraine trong một khoảng thời gian.
Giai đoạn các cuộc giao tranh trở nên ác liệt hơn bắt đầu vào cuối năm 2014. Ngay từ tháng 1-2015 quân Nga lại tích cực tham gia vào việc chống lại quân đội Ukraine và hỗ trợ những cuộc tấn công của quân ly khai vào vị trí chiến lược quan trọng ở gần điểm dân cư Debaltsevo.
Lần này thì trước khi được đưa vào vùng chiến sự, các quân nhân Nga đã đồng loạt đưa đơn xin rời ngũ.
Chuyện này đã được thông tin trên báo “Kommersant” <3> ngày 19-2-2015. Phóng viên báo đã phỏng vấn bốn người lính hợp đồng quân đội Nga và họ khẳng định là ngay từ khi được huấn luyện chiến đấu, Ban Chỉ huy đã không hề giấu giếm ý định là sẽ đưa họ sang chiến đấu ở Ukraine.
Ngay trước ngày chuyển quân đến vùng chiến sự, các binh lính đã đồng loạt viết đơn xin rời ngũ để nếu có trường hợp bị bắt làm tù binh hay bị hy sinh thì sẽ được xác định như là lính tình nguyện, chú không phải là lính chuyên nghiệp.
Ngoài ra, những người lính còn cho biết là khác với lần can thiệp trước, lần này quân Nga vượt qua biên giới không đi thành đoàn đông người nữa mà thành từng nhóm nhỏ ba người một.
Thú nhận của trung tá Okanev
Từ ngày 13-2-2015, Ban Chỉ huy Lữ đoàn độc lập pháo - tên lửa trên bộ số 536, số hiệu 10544, đóng ở vùng Murmansk đã có ý định điều quân là các chiến sĩ hợp đồng sang miền Đông Ukraine để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu.
Thông tin này được biết đến là do trên mạng đăng công khai đoạn băng ghi âm <4> phát biểu của Phó Chính ủy đơn vị quân đội số 10544, trung tá Vyacheslav Okanhev trước toàn thể quân nhân do một chiến sĩ bí mật ghi âm lại.
Buổi nói chuyện này diễn ra ngay trước ngày điều động các quân nhân hợp đồng vùng Murmansk ở ngay vị trị đóng quân của quân đội Nga gần biên giới với Ukraine.
“Có thể sẽ có hoàn cảnh mà người ta điều các anh sang biên giới Ukraine, lúc ấy ở đó ngay tại chỗ có thể sẽ có cả các nhiệm vụ chiến đấu và khi đó các anh sẽ phải thực hiện các mệnh lệnh quân sự. Tôi không loại trừ khả năng là sẽ vượt qua biên giới sang lãnh thổ của vùng Donetsk và Lugansk để có thể hỗ trợ trực tiếp cho họ” - trung tá quân đội Nga Okanev giải thích.
“Đúng, chẳng có ai tuyên bố chính thức chiến tranh với ai cả. Nhưng chúng ta phải giúp đỡ họ theo đúng nghĩa” - vị sĩ quan nhấn mạnh trong phát biểu của mình. Okanev còn giải thích là “vì về chính thức thì không có tuyên bố chiến tranh” nên không thể đảm bảo là sẽ trả tiền trong trường hợp quân nhân Nga bị hy sinh hay bị thương.
Trong bài phỏng vấn của báo Gazeta.ru ngày 13-2-2015, trung tá Vyacheslav Okanhev đã khẳng định tính xác thực của đoạn băng ghi âm này.
Xác nhận của lính tình nguyện Sapozhnikov
Ngày 31-3-2015 người ta đã công bố lời xác nhận của một người đã tham gia chiến trận ở Donbas tên là Dmitriy Sapozhnikov, người đã công khai xác nhận <5> là có sự tham gia của quân đội Nga trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Sapozhnikov là công dân Nga đã sang chiến đấu trên lãnh thổ Ukraine như một người tình nguyện. Theo lời anh ta thì anh thực thi nhiệm vụ chỉ huy lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của nước cộng hòa tự xưng DNR.
Và như vậy, khi mô tả cuộc rút lui khỏi vòng vây ở làng Logvinovo, Sapozhnikov đã nói đến sự tiếp viện đến từ Nga.
“Cứu viện cho chúng tôi là những đoàn xe tăng của chúng ta. Từ phía cộng hòa LNR các xe tăng và các đơn vị chiến đấu Nga tiến tới. Đó là quân đội Nga, những người Buryat. Nhờ có họ, nhờ có vũ khí hạng nặng mà chiếm được Debaltsevo” - Sapozhnikov thú nhận.
Anh ta cũng chỉ ra rằng các quân nhân Nga đã được thông báo trước về việc sẽ được điều sang chiến đấu ở vùng chiến sự trên lãnh thổ Ukraine: “Tôi gặp ở đây toàn là lính hợp đồng Nga. Gần Debaltsevo là đơn vị của người Buryat, toàn là người Buryat. Họ cũng nói chuyện và ai cũng hiểu rõ là họ đi đâu, nhưng về chính thức chỉ được nói: chúng tôi đang tập trận. Nghe nói họ được chuyển đến vào ban đêm bằng tầu hỏa”.
Ngoài ra, Sapozhnikov còn khẳng định là những chiến dịch quân sự chính trên lãnh thổ Ukraine đều do các tướng lính quân đội Nga chỉ huy. “Những chiến dịch lớn, nhất là có quy mô rộng lớn kiểu như “chảo lửa” đều do quân nhân Nga, tướng Nga chỉ huy. Họ vạch ra các kế hoạch cũng với các chỉ huy của chúng tôi.
Tôi cũng phải thường xuyên ở Ban Chỉ huy, đến báo cáo thông tin gì đó. Điều hành ở đó rất là đơn giản. Họ cứ cùng nhau nghĩ ra cái gì đó, tạo ra cái gì đó và chúng tôi thì đi thực hiện” - anh lính nhấn mạnh.
Xác nhận của anh lính tăng người Buryat
Sự có mặt của quân đội Nga trên lãnh thổ Ukraine được thêm một người trực tiếp tham gia khẳng định. Đó là Dorji Batomukuev, lính hợp đồng Lữ đoàn tăng độc lập số 5 (vùng Ulan-Ude), số hiệu đơn vị 46108, số cá nhân 200220, thẻ quân nhân 2609999. Anh ta đã kể cho nữ phóng viên báo “Novaya Gazeta” <6> về sự tham gia ở chiến sự Donbas khi đang nằm điều trị ở Trung tâm điều trị bỏng của bệnh viện trung tâm vùng Donhetsk.
Batomukuev, theo lời anh ta, bị thương ngày 19-2-2015 gần Debaltsevo, khi quân đội Ukraine tổ chức phá vây rút khỏi “chảo lửa”. Lữ đoàn tăng quân đội Nga mà anh ta phục vụ được điều ra trận chống lại người Ukraine để yểm trợ cho các vị trí của quân ly khai.
Người lính này thú nhận là hôm trước khi chuyển quân sang Ukraine đã cùng đồng đội tiến hành các biện pháp ngụy trang để che giấu những gì thuộc về quân đội Nga. “Chúng tôi sơn lại xe tăng ngay từ khi còn ở Ulan-Ude. Sơn cả biển số, ai mà trên xe có huy hiệu cận vệ cũng sơn phủ lên hết. Các quân hiệu thì tháo ra lúc ở đây, ngay khi mới đến doanh trại. Hộ chiếu cũng để lại đơn vị,
thẻ quân nhân thì để lại ở doanh trại”.
“Họ nói là chúng tôi sẽ đi tập trận, nhưng chúng tôi thừa hiểu là sẽ đi đâu rồi. Tất cả chúng tôi đều biết là sẽ đi đâu”, Batomukuev kể lại. “Tôi cũng đã chuẩn bị cho mình cả về tinh thần và tâm lý là sẽ phải sang Ukraine”.
“Putin là người ranh ma. “Không có quân đội ở đây” - ông ta nói với cả thế giới. Còn chính ông ta thì nói với chúng tôi: nhanh nhanh lên nào” - người lính Nga tổng kết câu chuyện của mình.
Nguồn tin của Boris Nemtsov
Đầu tháng 2-2015, một số công dân đại diện quyền lợi của thân nhân những người lính Nga chết trận ở Donbas có đến gặp Boris Nemtsov. Họ đề nghị ông giúp đỡ yêu cầu Bộ Quốc phòng Nga phải thanh toán cho gia đình họ. Trong cuộc trò chuyện, khi đề cập đến những người lính là thân nhân của họ, những người này đã giúp cho Nemtsov hình dung được tiến trình quân đội Nga xâm nhập lãnh thổ Ukraine.
Theo như họ nói, có hai đợt mà quân lính Nga bị chết trận ở miền Đông nhiều nhất. Làn sóng thứ nhất mà những quan tài được đưa về Nga là vào mùa hè năm 2014, khi mà quân Ukraine đang tấn công. Cuộc tấn công đã bị chặn đứng khi mà các đơn vị quân đội Nga tham gia trực tiếp. Mặc dù đã chống trả được quân đội Ukraine nhưng quân đội Nga cũng bị tổn thất.
Số lượng đang kể những người lính bị chết trận được ghi nhận, ví dụ như, ở trận chiến tại thành phố Izlovaisk. Theo đánh giá khiêm tốn nhất thì có không ít hơn 150 chiếc quan tài đã trở về Nga với mã hiệu “Hàng-200”.
Đã không thể giấu được thông tin này và các nhà báo đã rọi sáng thêm vào tình hình diễn ra lúc đó. Thế nhưng nhiều người đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy không chỉ quan chức chính quyền, mà cả gia đình các chiến sĩ chết trận đã chống lại những cuộc điều tra độc lập.
Theo nguồn tin của Nemtsov, điều đó được giải thích là do người nhà của họ đã nhận được tiền bồi thường khoảng 3 triệu rúp mỗi người. Đồng thời họ đã ký các cam kết không được để lộ thông tin vì bị dọa sẽ bị truy tố hình sự.
Làn sóng thứ hai của các quan tài đưa về Nga là vào tháng 1 và đầu tháng 2-2015. Theo số liệu của chúng tôi, vào khoảng thời gian này có đến 70 binh linh Nga bị chết trận ở miền Đông Ukraine. Có ít nhất là 17 người lính dù Nga (người TP Ivanovo) đã chết trận trên lãnh thổ Ukraine (mảnh giấy ghi lại điều này với bút tích của Boris Nemtsov đã đến tay của người viết bản phúc trình này).
Việc nhiều lính Nga bị chết là do khủng hoảng và giao tranh gia tăng, nhất là ở vùng Debaltsevo. Khác với năm trước, lần này những người lính Nga trước khi bị điều sang Donbas đã phải chính thức rời ngũ khỏi lực lượng vũ trang Nga theo yêu cầu của chỉ huy.
Như vậy, người ta đã cố tình che giấu việc có quân đội của chúng ta tham gia chiến đấu, thay vào đó là những người tình nguyện. Họ hứa miệng với binh lính là trong trường hợp bị thương hay chết trận thì người thân của họ vẫn sẽ nhận được tiền bồi thường, tương đương với số tiền mà họ đã trả hồi mùa hè 2014.
Trên thực tế, những người thân đã không nhận được bất kỳ khoản bồi thường nào. Cũng không thể nào yêu cầu đòi tiền bồi thường, vì về chính thức trên giấy tờ thì lính chết trận đó đã không còn là binh lính nữa rồi.
Những thân nhân bắt đầu bày tỏ sự bất bình và đi tìm những luật sư có thể giúp họ bảo vệ quyền của mình (chính vì thế mà thông tin đã đến được với Nemtsov). Khi đó, họ sợ tuyên bố công khai sẽ là vi phạm các cam kết giữ bí mật.
Như nguồn tin của Nemtsov cho biết, một vụ kiện ầm ỹ đối với bà mẹ đông con Svetlana Davydova bị kết tội là phản bội Tổ quốc cho Ukraine, chính là để hù dọa người thân của các binh lính chết trận đang có ý định liên hệ với báo chí.
Ít nhất là không hiếm khi người ta nhắc lại vụ án này cho gia đình các binh lính chết trận để răn đe và đe dọa sẽ truy tố hình sự họ, trong trường hợp người thân hé lộ thông tin về hoàn cảnh chết trận của binh lính.
Mặc dù việc bồi thường vẫn không được thực hiện, các gia đình binh sĩ Nga tử trận vẫn từ chối không dám công bố công khai. Hơn nữa, cái chết của Boris Nemtsov lại càng làm cho họ quyết tâm từ chối những yêu cầu với chính quyền Nga. Nguyên nhân là nỗi sợ hãi bị truy tố hình sự và sự lo lắng cho mạng sống của mình.
“Nếu như ngay cả Nemtsov còn bị bắn ở chân tường điện Kremlin thì họ có thể làm bất cứ thứ gì với thân chủ của chúng tôi. Chả ai thấy được” - vị luật sư đại diện quyền lợi của gia đình hai người lính dù chết trận đã tóm tắt quan điểm của họ cho tác giả bản phúc trình này biết.
Đào Ngọc Trung chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Nga - Còn tiếp
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...