(NCTG) “Những tuyên bố công khai của Putin đã là những ký nhận thực tế trong việc sáp nhập Crimea và đánh dấu trách nhiệm cá nhân của ông ta trong sự kiện đó. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Crimea và sáp nhập bán đảo đó vào Nga, các nhà lãnh đạo Nga đã cố tình xâm phạm ba Hiệp ước quốc tế mà Nga đã ký kết trước đó”.
Boris Nemtsov, chính khách phản chiến nổi tiếng nhất của nước Nga trong xung đột Ukraine
Chương 3: Họ chiếm Crimea như thế nào?
Ngày 4-3-2014, tại cuộc gặp gỡ với các phóng viên, để trả lời câu hỏi của phóng viên hãng tin Bloomberg là những người mặc đồ quân sự giống như đồ Nga đang khống chế những đơn vị quân đội Ukraine ở Crimea là ai, Vladimir Putin đã nói: “Đó là những lực lượng tự vệ địa phương”. Và ông ta còn giải thích thêm tại sao họ lại có quân phục Nga: “Các anh hãy nhìn trong cái không gian hậu Xô-viết ấy, đầy những bộ quân phục giống thế… Cứ đến mấy cửa hàng chỗ chúng tôi là các anh có thể mua được bất kỳ những bộ quân phục nào” <1>.
Tuy nhiên chỉ tháng rưỡi sau, ngày 17-4-2014, trong buổi “trả lời trực tuyến toàn dân”, chính Vladimir Putin đã hé mở cánh cửa của “cửa hàng” mà từ đó, những toán “người xanh”, trang phục và vũ trang giống như lực lượng đặc biệt tinh nhuệ bước ra: “Tôi cũng chả giấu giếm (mà thực ra là trước đó đã giấu giếm – chú thích của tác giả) là nhiệm vụ của họ là phải đảm bảo điều kiện để người dân Crimea được tự do bày tỏ ý nguyện… và vì thế sau lưng lực lượng tự vệ Crimea là những người lính của chúng ta” <2>.
Còn chuyện ai, từ khi nào đứng “sau lưng của người dân Crimea tự do bày tỏ ý nguyện” thì sau này đã được chính những người lính Nga nêu lên trong các phỏng vấn cho trang web “Meduza” <3>.
Oleg Teryushin (23 tuổi, trung sĩ thuộc Lữ đoàn cận vệ nhảy dù độc lập số 31 vùng Ulyanov, được huy động toàn bộ sang Crimea):
“Chúng tôi là nhóm đầu tiên đến bán đảo Crimea, từ ngày 24-2 [năm 2014]. Hai ngày trước đó chúng tôi được báo động tập trung tại doanh trại. Người ta chia chúng tôi thành các tiểu đoàn chiến thuật và cho lên máy bay đến Anapa. Từ Anapa chúng tôi đi xe vận tải quân sự Kamaz đến Novorossisk, sau đó đi lên chiếc tàu đổ bộ lớn đến Sevastopol.[…]
Ngay khi bước chân lên bờ, chúng tôi được lệnh bỏ hết các cờ hiệu quốc gia cùng các quân hiệu và phù hiệu quân đội. Người ta phát cho chúng tôi mũ trùm mặt, kính đen, miếng che đầu gối, khuỷu tay. […] Tôi cho là chúng tôi là một trong những nhóm đầu tiên mà được gọi là “những người lịch sự”.
Chúng tôi chỉ ở Sevastopol có vài ngày. Nhiệm vụ chính của chúng tôi đóng quân tại đó và sẵn sàng hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào.
Ngay sau đó Lữ đoàn chúng tôi chuyển sang làng Perevalnoe, chúng tôi chia nhau đóng trại ở ngay cạnh đó. Trong doanh trại chủ yếu là các lính dù vùng Ulyanov - khoảng hai ngàn người. Cần phải có từng đó người để phô trương sức mạnh quân đội Nga”.
Aleksey Karuna (20 tuổi, trong thời gian 2013-2014 là lính nghĩa vụ trong các phi đội hàng không của Hạm đội Biển Đen, được thưởng huy chương “Vì lấy lại Crimea”) nhớ lại:
“Tôi lần đâu tiên nghe nói về kế hoạch sáp nhập lại Crimea vào khoảng đầu tháng 2 [năm 2014]. Trong khoảng thời gian đó quân đội của ta bắt đầu tích cực vào Crimea.
Quân ta lập các chốt và tổ chức đi tuần để ở đây, phỉ phui, không xảy ra Maidan. Trước hôm bỏ phiếu trưng cầu dân ý người ta có cảnh báo là có thể sẽ có báo động và cần phải sẵn sàng chiến đấu. Thế nhưng mọi việc xảy ra cực kỳ yên tĩnh, vì ở cái mảnh đất nhỏ nhoi đó mà người Nga đổ từng ấy lính tráng quân đội! Riêng hạm đội Biển Đen thôi - 15 ngàn người. Thêm khoảng 20 ngàn lính trên bộ nữa. Cộng thêm lính đặc nhiệm đang ém trong thành phố. Nếu ai có ý đồ chống cự thì chỉ cần búng tay một cái” (nguyên văn: vứt cái mũ - ND).
Một bằng chứng chính thức, tuy không hẳn là trực tiếp, chứng tỏ có một chiến dịch quân sự đặc biệt đã được lên kế hoạch trước, là việc Bộ Quốc phòng Nga công bố vào mùa xuân năm 2014 (đầu tiên là công bố bí mật - thông tin về việc này lúc thì được đăng trên mạng Internet lúc thì lại xóa đi) về Huy chương “Vì sự lấy lại Crimea” <4>.
Quân nhân lính thủy đánh bộ, sĩ quan chỉ huy Hạm đội Biển Đen Hải quân Nga và lính các quân đoàn miền Trung và miền Nam (Nga) đầu tiên được nhận Huy chương này từ chính tay Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu từ ngày 24-3-2014. Chính cộng tác viên báo chí của Quân đoàn miền Trung Yaroslav Roshupkin đã chứng tỏ sự hiện diện của Huy chương này khi nói “đúng là có một số binh sĩ được thưởng Huy chương này”. Quả thật ngay sau đó anh ta có nói thêm, là “những sĩ quan đó không đóng quân tại Crimea”, mà chỉ “trợ giúp, thực hiện các liên lạc trên lãnh thổ Nga, vận chuyển và những việc tương tự như vậy thôi” <5>.
Sự dối trá cấp nhà nước về chuyện sáp nhập Crimea kéo dài như thế khoảng 1 năm. Bức màn che “bí mật quân sự” được kéo lên nhanh chóng vào khoảng tháng 1-2015, khi gần đến ngày kỷ niệm liên quan đến “sự trở về tự nguyện của Crimea thành một phần của Nga”.
Còn chuyện sự trở về đó tự nguyện đến mức nào thì trong chương trình “Polit-Ring” của kênh truyền hình Internet “Neiromir-TV” phát ngày 22-1-2015, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng của nước Cộng hòa tự xưng DNR Igor Ghirkin, người mà, theo lời của chính ông ta, đã đến Crimea ngày 21-2-2014: “Tôi không thấy một sự hỗ trợ nào của chính quyền Nhà nước cho các tổ chức ở Simferopol, nơi tôi trực tiếp chứng kiến, gì cả. Các đại biểu (Xô-viết Tối cao nước Cộng hòa tự trị Crimea) được quân ly khai triệu tập đến, thế thì còn nói gì nữa. Họ bị dồn vào phòng, bắt phải công nhận [quyết định tổ chức trưng cầu dân ý về việc Crimea trở thành một phần của Nga]” <6>.
Chúng tôi nhấn mạnh là sự kiện mà Ghirkin (Strelkov) nhắc đến diễn ra vào ngày 27-2-2014, tức là ngay sau đêm 26 rạng ngày 27-2, khi lực lượng đặc biệt của Nga đã chiếm và khống chế hàng loạt các vị trí chiến lược ở Crimea, kể cả Tòa nhà Quốc hội, nơi mà, dưới họng súng tiểu liên, không có giới báo chí chứng kiến, không có truyền hình trực tiếp theo pháp luật, các Đại biểu đã dường như bỏ phiếu tán thành trưng cầu dân ý.
Vị quan chức cao cấp Nga đầu tiên công khai hé lộ chi tiết về chiến dịch ở Crimea là cựu chỉ huy Hạm đội Biển Đen của Nga - Đô đốc Igor Kasatonov. Đây là những gì ông ta đã kể với hãng tin RIA “Novosti” ngày 13-3-2015: “Hạm đội Biển Đen đã lập một đầu cầu, các sĩ quan đều nắm được những gì xảy ra xung quanh, các đơn vị Ukraine đang đóng ở đâu, các kịch bản diễn tiến sự kiện đều được nghiên cứu kỹ trên bản đồ. Tức là Hạm đội Biển Đen đã hoàn thành các nhiệm vụ của mình - đã đưa được “những người lịch sự” đến nơi đến chốn, đã chiếm được Xô-viết Tối cao Crimea” - Ông Kasatonov tuyên bố và giải thích thêm là “những người lịch sự” chính là những lính đặc biệt tinh nhuệ được đưa đến Crimea bằng đường hàng không và đường biển <7>.
Thực tế, ngay sau tuyên bố của Đô đốc Kasatonov cũng xuất hiện cả những công nhận công khai của Vladimir Putin. Trả lời phỏng vấn trong bộ phim tài liệu “Crimea. Đường về Tổ quốc” được Đài Truyền hình Quốc gia “Rossia 1” công chiếu, Tổng thống Nga đã công nhận là tự mình trực tiếp chỉ huy các hoạt động của quân đội Nga tại Crimea <8>. Ông ta nói rõ khi nào, trong hoàn cảnh nào ông ta đã ra lệnh về việc sáp nhập.
Đây là ba trích dẫn thiết yếu nhất của Putin:
“Lúc đó là đêm 22 rạng ngày 23-2, họp xong lúc 7 giờ sáng và tôi cho mọi người về và đi nằm ngủ lúc 7 giờ sáng.
Và lúc chia tay, chả giấu làm gì, lúc chia tay, trước khi mọi người giải tán, tôi nói với các đồng nghiệp - họ có bốn người - là tình hình có thể diễn biến ở Ukraine đến mức mà chúng ta phải bắt đầu công tác giành lại Crimea về thành một phần của Nga”.
“Để có thể khống chế và giải giáp 20 ngàn người có trang bị vũ khí, cần phải có tập hợp nhất định về thành phần quân số và không chỉ về số lượng mà phải cả về chất lượng. Cần phải có các chuyên gia biết làm những việc đó. Vì thế tôi đã ra lệnh và chỉ thị cho Bộ Quốc phòng, cần gì phải giấu nữa, dưới hình thức tăng cường bảo vệ các cơ sở quân sự của chúng ta ở Crimea để đưa sang đó các đơn vị đặc nhiệm của Cục Tình báo và lực lượng lính thủy đánh bộ, lính dù”.
“Ưu thế của chúng ta, anh có biết, là ở đâu không? Ở chỗ chính tôi trực tiếp thực hiện. Không phải là tôi mà làm thì mọi thứ đều đúng, mà là ở chỗ khi công việc do chính người cầm quyền cao nhất của Nhà nước làm, những người thực hiện (bên dưới) dễ làm việc hơn”.
Những tuyên bố công khai đó của Putin đã là những ký nhận thực tế trong việc sáp nhập Crimea và đánh dấu trách nhiệm cá nhân của ông ta trong sự kiện đó. Điều quan trọng cần nhấn mạnh là khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Crimea và sáp nhập bán đảo đó vào Nga, các nhà lãnh đạo Nga đã cố tình xâm phạm ba Hiệp ước quốc tế mà nước ta đã ký kết trước đó:
1. “Bản ghi nhớ Budapest” ký ngày 5-12-1994, trong đó có điều khoản: “4.1. Liên bang Nga, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland và Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ khẳng định với Ukraine về cam kết của mình, phù hợp với các nguyên tắc nêu trong Biên bản kết luận của Hội đồng An ninh và Hợp tác Châu Âu, tôn trọng độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và biên giới hiện tại của Ukraine” <9>.
2. “Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và đối tác giữa Liên bang Nga và Ukraine”, ký tại Kiev ngày 31-5-1997: “Điều 2. Các Bên Tối cao ký Hiệp ước, trên cơ sở các điều khoản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và các cam kết theo Biên bản kết luận của Hội đồng An ninh và Hợp tác Châu Âu tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau và khẳng định đường biên giới hiện tại giữa các bên là không được xâm phạm” <10>.
3. “Hiệp ước giữa Liên bang Nga và Ukraine về đường biên giới quốc gia Nga - Ukraine”, ký ở Kiev ngày 28-1-2003, theo đó Crimea đã và vẫn là phần không thể tách rời của Ukraine <11>.
Đào Ngọc Trung chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Nga - Còn tiếp
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...