TÍN HIỆU KHẢ QUAN CHO KHÔNG GIAN XÃ HỘI DÂN SỰ Ở VIỆT NAM

Thứ sáu - 21/08/2015 16:58

(NCTG) “Kinh nghiệm thực tế cho thấy, hoạt động của NGO/CSO đã giúp gia tăng tiến trình có sự tham gia, tính tự chủ, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các bên liên quan trong việc thực thi các chính sách có ảnh hưởng đến người dân”.

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp hoạt động của các liên minh NGO/CSO và truyền thông diễn ra tại Hà Nội vào tháng 7-2015

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp hoạt động của các liên minh NGO/CSO và truyền thông diễn ra tại Hà Nội vào tháng 7-2015

Kể từ sau khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới (1986), đặc biệt là từ khi Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới, các tổ chức xã hội dân sự (XHDS) cũng ngày càng phát triển và khẳng định được vai trò không nhỏ của mình trong sự đóng góp vào phát triển chung của đất nước.
 
Vai trò của truyền thông đối với XHDS

Trên thực tế, mặc dù các tổ chức XHDS ở Việt Nam đã và đang có sự đóng góp không nhỏ vào đời sống xã hội, nhưng phần lớn công chúng còn thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết mơ hồ về sự tồn tại cũng như vai trò của các tổ chức này.

Hiện nay, nhiều người vẫn không rõ vai trò và chức năng của các tổ chức XHDS. Lý do chủ yếu là vì các tổ chức này ít được thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
 
Mặt khác, các tổ chức XHDS cũng chưa thật chú trọng đến việc xây dựng và quảng bá hình ảnh của họ đối với công chúng. Hầu hết thiếu kinh nghiệm để tiếp cận báo chí một cách bài bản và đưa ra thông điệp một cách chiến lược, cũng như vận động xã hội ủng hộ cho sứ mạng của mình.

Thêm vào đó, báo chí khi đưa tin về các tổ chức XHDS cũng chưa thực sự sâu sắc và thiếu sức hấp dẫn.

Bởi vậy, vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để các tổ chức XHDS Việt Nam được nhiều người biết đến hơn, thấu hiểu và ủng hộ hơn để họ đóng góp được nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước.

Một điều đáng mừng là những hạn chế về mặt truyền thông nói trên đã và đang được các tổ chức XHDS nhận ra và khắc phục.

Trong một hội thảo tổ chức vào hạ tuần tháng 7-2015 tại Hà Nội nhằm chia sẻ kinh nghiệm và liên kết giữa các NGO (tổ chức phi chính phủ) và CSO (tổ chức dân sự), ông Adam Bruke (thuộc Oxfarm and OPM), một chuyên gia giàu kinh nghiệm về NGO và CSO đã nhấn mạnh: “Cái chúng ta cần làm là phải chú trọng hơn nữa về mặt truyền thông. Chỉ có qua kênh truyền thông báo chí thì mọi người mới biết đến chúng ta”.
 
Ông Adam Bruke cũng chia sẻ kinh nghiệm truyền thông với những phương pháp cụ thể: “Hiện nay, với đa phần dân chúng Việt Nam có mức thu nhập còn thấp, đặc biệt là các nhóm dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, điện thoại thông minh mà mạng Internet với họ còn chưa phổ biến thì những phương tiện truyền thông đại chúng có tính truyền thống như đài, báo in, tivi là những kênh rất quan trọng van hiệu quả. Hãy chú ý đến các phương tiện này”.
 
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay Việt Nam có khoảng 19.000 nhà báo làm việc tại hơn 800 cơ quan báo chí, truyền hình. Báo chí ở Việt Nam có tầm ảnh hưởng đối với việc tạo ra dư luận nói riêng và sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước nói chung.

Bởi vậy, các tổ chức XHDS cần sử dụng báo chí như là kênh thông tin có hiệu quả để đưa thông điệp đến với công chúng. Các tổ chức XHDS cũng cần sử dụng kênh báo chí để cung cấp thông tin cho Chính phủ biết về vai trò và hoạt động của họ để thông qua đó, chính quyền hiểu rõ hơn về vai trò của các tổ chức này.
 
Hội thảo “Vai trò của tổ chức xã hội dân sự trong vận động phát triển chính sách phòng chống tác hại thuốc lá và rượu bia ở Việt Nam” do Liên minh Y tế Vì dân (EBHPD) tổ chức tại Hà Nội vào giữa tháng 7-2015
Hội thảo “Vai trò của tổ chức xã hội dân sự trong vận động phát triển chính sách phòng chống tác hại thuốc lá và rượu bia ở Việt Nam” do Liên minh Y tế Vì dân (EBHPD) tổ chức tại Hà Nội vào giữa tháng 7-2015

Thời gian vừa qua, việc xuất hiện một số liên kết giữa các NGO/CSO tạo thành các liên minh là tín hiệu rất đáng khả quan. Các tổ chức liên minh này cũng rất quan tâm đào tạo, phát triển cán bộ truyền thông, cho thấy họ đã ý thức được vai trò quan trọng của truyền thông đối với sự mạng của mình.

NGOs/CSOs ở Việt Nam cần làm gì?

Hiện nay, sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ và dân sự có vai trò đáng kể trong việc vận động, đóng góp cũng như phản biện khiến các chính sách thực sự phù hợp và đi vào cuộc sống hơn. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, hoạt động của NGO/CSO đã giúp gia tăng tiến trình có sự tham gia, tính tự chủ, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các bên liên quan trong việc thực thi các chính sách có ảnh hưởng đến người dân.

Chính NGO/CSO đang đóng vai trò cầu nối trong sự tham gia của người dân vào các quyết định liên quan của chính quyền các cấp cũng như giúp cải thiện cơ chế chia sẻ, tiếp cận thông tin giữa người dân, chính quyền và các bên liên quan.

Bên cạnh đó, NGO/CSO còn là tổ chức hỗ trợ giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật và phát hiện, chỉ ra các vấn đề quan trọng, nguyên nhân của chúng để từ đó có phản hồi, hành động giúp giảm thiểu các vi phạm trong việc thực các chính sách, chương trình liên quan đến người dân.

Nhưng để hoàn thành các vai trò của mình, NGO/CSO cần phải có các hoạt động và chiến lược mang tính dài hơi lẫn cụ thể.

Một số phương pháp hoạt động như thực hiện các nghiên cứu dựa trên bằng chứng ở thực địa (evidence-based research) để phát hiện các kết quả, các vấn đề quan trọng cung cấp cho đối thoại chính sách hay xây dựng năng lực, nâng cao sự hiểu biết, đánh động tình cảm và thay đổi thái độ của cộng đồng, chính quyền và các bên liên quan đối với các vấn đề, chính sách đang tỏ ra ngày càng hiệu quả.

Ngoài ra, hình thức liên minh, hợp tác giữa các NGO/CSO với nhau để có tiếng nói và vị thế lớn hơn cũng là phương pháp hiệu quả và được tính đến trong chiến lược lâu dài. Hạn chế của các NGO/CSO trước đây là thường làm việc đơn lẻ, độc lập. Chính vì thế mà thiếu đi tiếng nói hoặc tiếng nói không được lắng nghe vì ở vị thế yếu.

Nếu họ có thể liên minh lại với các bên liên quan và người dân, và mạng lưới hóa trong hành động thì có thể tăng cường tiếng nói, vị thế và hiệu quả hơn trong truyền thông các vấn đề quan ngại đến các nhà hoạch định chính sách.

Đồng thời, vấn đề đang được đặt ra với các NGO/CSO ở Việt Nam lúc này là cần phát triển các mối quan hệ với các cộng đồng địa phương và hỗ trợ họ trong việc xây dựng hay củng cố các cộng đồng thống nhất vững mạnh để họ có thể trở thành một đối tác, một bên liên quan có vị thế đúng nghĩa.

Bên cạnh đó, các NGO/CSO cần phát triển, xây dựng mối quan hệ với các cơ quan, thực thể thực thi luật pháp cũng như các bên liên quan khác để có thể thực thi tốt vai trò cầu nối của mình.

Hiện nay, có lẽ vấn đề khó khăn mà NGO/CSO ở Việt Nam phải đối mặt chính là điều kiện về tài chính. Nguồn tài chính từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ thường chỉ đủ để triển khai những dự án mang tính giai đoạn và đơn lẻ, thiếu tính dài hơn để đưa đến sự thay đổi trong nhận thức cộng đồng và chưa thực sự bền vững.
 
Một khóa tập huấn về kỹ năng tiếp cận thông tin cho các cán bộ CSO, truyền thông xã hội và báo chí do báo “Pháp luật TP. HCM” và Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC) tổ chức diễn ra vào đầu tháng 8-2015 tại Hà Nội
Một khóa tập huấn về kỹ năng tiếp cận thông tin cho các cán bộ CSO, truyền thông xã hội và báo chí do báo “Pháp luật TP. HCM” và Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC) tổ chức diễn ra vào đầu tháng 8-2015 tại Hà Nội

Song điều đáng lạc quan là nếu như trước kia, khó khăn mà các NGO/CSO ở Việt Nam gặp phải là về tính pháp lý, cụ thể ở nhiều nơi, NGO/CSO vẫn chưa thể đại diện, thay mặt về mặt pháp luật cho người dân, cộng đồng thì đến nay, không gian cho các NGO/CSO ở Việt Nam ngày càng được mở rộng.

Chính quyền trong một mức độ nào đó đã ý thức được vai trò, tiếng nói và tầm quan trọng của các NGO/CSO qua việc đóng góp của các tổ chức này vào sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung.

Do vậy, để hoàn thành sứ mạng của mình, phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của chính các NGO/CSO ở Việt Nam hiện nay.

Bài và ảnh: Mã Thần Ninh, từ Hà Nội - Ngày 6-8-2015


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn