(NCTG) CHLB Đức tạm thời tái lập kiểm tra biên giới tại tuyến biên giới Đức - Áo, theo thông báo chính thức của Bộ trưởng Nội vụ Thomas de Maziere. Trong thực tế, từ 5h30 chiều nay, việc kiểm soát giấy tờ đã được tiến hành.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere - Ảnh: Paul Zinken (MTI)
Lý do là vì Đức muốn hạn chế làn sóng tỵ nạn đang tràn tới nước này, và để việc tiếp nhận người tỵ nạn trở nên có trật tự, và đây là điều quan trọng vì lý do an ninh nữa, theo vị bộ trưởng.
Trước mắt, việc kiểm tra biên giới chủ yếu liên quan tới đoạn biên giới giữa bang Bayern (Bavaria) và Áo. Theo Bộ trưởng Thomas de Maziere, quyết định của Đức phù hợp với quy định của Hiệp ước Schengen, theo đó, có thể tái lập kiểm tra biên giới tạm thời trong vòng ba mươi ngày trong tình trạng khẩn cấp, khi trật tự an ninh công cộng bị đe dọa một cách nghiêm trọng.
Ông Thomas de Maziere tuyên bố, theo luật định của EU, nước Đức không có bổn phận phải tiếp nhận một phần đáng kể người tỵ nạn hiện tại, và Hiệp định Dublin vẫn có hiệu lực, theo đó thủ tục tỵ nạn phải được tiến hành tại quốc gia EU đầu tiên mà người tỵ nạn đặt chân tới.
“Không được lợi dụng lòng tốt của người Đức”, ông Thomas de Maziere nói, và cho hay: quyết định này là tín hiệu đối với Châu Âu. Nước Đức vẫn tiếp tục tuân thủ những hiệp định quốc tế liên quan tới việc tiếp nhận người tỵ nạn, cũng như những bổn phận nhân đạo, nhưng cần phân bổ gánh nặng một cách đoàn kết.
Bộ trưởng Nội vụ Đức cũng nói rõ: “Người xin tỵ nạn cần chấp nhận rằng họ không thể tự chọn cho mình nơi họ muốn sống”. Và điều này vẫn đúng nếu Châu Âu tìm ra được giải pháp chung để phân bổ người tỵ nạn theo hạn ngạch (quota).
Nước Đức hiểu rõ rằng quyết định này không giải quyết được mọi vấn đề, và gây ùn tắc trong giao thông, song “chúng tôi cần thời gian và cần tái lập trật tự trên biên giới của chúng tôi”.
Theo vị bộ trưởng, cần thực hiện những biện pháp quan trọng tại những khu vực khủng hoảng để trong tương lai, hạn chế được lượng người tỵ nạn từ đó tìm đường sang Châu Âu. Ông cũng cho biết rằng, việc tái kiểm tra biên giới đã được bàn bạc với phía Áo và phe đối lập.
Sau khi quyết định của phía Đức được công bố, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Kinh tế Đối ngoại Hungary Szijjártó Péter đã có cuộc họp báo tại Dunakeszi và tại đó, ông cho hay Hungary thông hiểu và đoàn kết với Đức.
Ngoại trưởng Hung cũng tuyên bố, Hungary đã đề xuất với Brussels rằng các nước thành viên EU cần cùng nhau bảo vệ biên giới của mình. Trả lời phỏng vấn tờ “Bild” (Đức), Thủ tướng Hung Orbán Viktor cũng có ý kiến tương tự.
Ông cho hay Hungary hoàn toàn hiểu quyết định của Đức và hoàn toàn bày tỏ sự đồng cảm với Đức, Hung hiểu rằng sở dĩ cần tái kiểm tra biên giới để bảo vệ những giá trị căn bản của Đức và Châu Âu. Budapest đương nhiên sẵn sàng cùng hợp tác mọi mặt với Đức.
Thủ tướng Hung tin rằng đây chỉ là bước đi đầu tiên, sau đó càng nhanh càng tốt, Hy Lạp cũng cần bảo vệ biên giới Châu Âu. Để làm được điều đó, cần sự chung tay của cả EU, cần sự hợp tác của mọi quốc gia thành viên và mọi tổ chức, và điều này Hungary cũng đã đề xuất trong hội nghị các ngoại trưởng EU lần gần đây nhất.
Còn theo Thủ tướng Áo Werner Faymann, việc Đức tái lập kiểm tra biên giới và một thông điệp rõ ràng đối với những kẻ buôn người, nhưng không vi phạm quyền của người tỵ nạn. Ông cũng nói thêm rằng, nếu đến từ một quốc gia được coi là an toàn, người tỵ nạn đừng hy vọng viển vông ở Đức.
Trước mắt, Áo chưa “khóa” biên giới với Hungary và như Thủ tướng Áo phát biểu, Vienna chưa biết quyết định của Berlin sẽ có tác động ra sao, nhưng kể từ 6h chiều nay cho tới 6h sáng ngày mai, thứ Hai 14-9, không có tàu hỏa từ Áo sang Đức, theo thông báo của Đường sắt Đức (cho dù phía Đức vẫn có tàu hỏa sang Áo).
Theo tờ “Der Spiegel” (Đức), việc Đức tái lập chế độ kiểm tra biên giới - quyết định bị phe đối lập phản đối dữ dội - có nghĩa là người tỵ nạn không có thị thực và hộ chiếu có hiệu lực sẽ không được nhập cảnh Đức, mà mắc lại ở biên giới Áo - Đức.
Tuy nhiên, theo tờ “Bild” thì điều này không có nghĩa là từ nay Đức không cho người tỵ nạn nhập cảnh, mà chỉ là họ sẽ phải làm thủ tục đăng ký tại biên giới, rồi được đưa tới một trại tỵ nạn. Ở đó, ai xin tỵ nạn sẽ được xét đơn xem có đủ điều kiện tỵ nạn ở Đức hay không.
Nếu câu trả lời là không, căn cứ Hiệp định Dublin, người tỵ nạn sẽ bị trả về quốc gia EU đầu tiên mà họ đã được đăng ký - trong đa số các trường hợp là Hungary. Được biết, Thủ tướng Đức Angela Merkel trong trao đổi qua điện thoại với Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker cũng đã thông báo về quyết định của Berlin.
Về phần mình, Cảnh sát Hungary đã ra chỉ thị báo động tại sáu tỉnh, có nghĩa là trong vòng hai giờ, cảnh sát phải sẵn sàng trực chiến và “xung trận”, theo thông tin của Sở Cảnh sát Quốc gia Hung (ORFK) cung cấp cho Hãng Thông tấn MTI.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...