Getafe Club de Fútbol là một CLB được thành lập năm 1983, có sân vận động riêng mang tên Coliseum Alfonso Pérez với sức chứa 16.300 khán giả. Điều thú vị là thủ môn đội bóng này là một cầu thủ Hungary, anh Megyeri Balázs.
Câu chuyện về bố con người tỵ nạn đã đến tai ông Miguel Angel Galan, người đứng đầu trung tâm đào tạo HLV mang tên CENAFE và đang phấn đấu để giành cương vị Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha, và ông quyết định đảm bảo công ăn việc làm và sinh kế cho vị cựu HLV người Syria này.
Ông Galan đã thông qua một cầu thủ gốc Marocco của CLB Getafe để nối quan hệ với ông Al-Ghadab. Trước mắt, vị Mạnh Thường Quân này cho bố con ông Al-Ghadab sử dụng một nhà vườn, và giúp đỡ để có thể đưa vợ và hai con ông (đang ở Thổ Nhĩ Kỳ) sang Tây Ban Nha đoàn tụ.
Được biết, các chi phí điện, nước, sưởi... tại ngôi nhà vườn trên đều do ông Galan trả, và ông cũng đã làm việc với chính quyền địa phương và nhận được lời hứa là chính quyền sẽ giúp gia đình Syria gây dựng cuộc sống mới ở Châu Âu.
Cha con ông Al-Ghadab đã rời München vào chiều thứ Ba, và qua Paris để rồi từ đó sang Tây Ban Nha, nơi 18 ngàn người Syria được tiếp nhận. Dường như trong đó có một gia đình thật may mắn, cho dù họ phải trải qua
một trong những trường hợp nhục nhã nhất của tấn thảm kịch tỵ nạn.
Từng là một cầu thủ, HLV đội Al-Fotuwa thi đấu ở giải hạng nhất của Syria, Al-Ghadab do tham gia biểu tình phản đối chính quyền nên đã bị cầm tù và hành hạ. Năm 2012, ông và gia đình chạy nạn sang Thổ Nhĩ Kỳ để trốn nội chiến và tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Ước mong đến được Châu Âu để lập nghiệp, gia đình ông Al-Ghadab đã cho một con sang Đức, rồi ông và con trai bảy tuổi đi sau. Sau hơn 10 ngày mệt nhọc từ Thổ Nhĩ Kỳ qua Hy Lạp, Macedonia, cha con ông đến được biên giới Hungary - Serbia và bị ngáng ngã khi đang chạy cảnh sát.
Trả lời phỏng vấn tờ “Daily Mail” (Anh), ông Al-Ghadab cho biết chỉ về sau, khi xem lại băng ghi hình, ông mới biết mình bị một nữ phóng viên ngáng, chứ khi ở hiện trường ông chỉ còn thấy mình ngã lăn quay ra đất, chứ không hề biết người ngáng là cảnh sát hay ai khác.
Cả ông và con trai đều bị bầm tím sau cú ngã đó. “
Cháu nó sợ đến chết, khóc váng lên, và tôi thì run rẩy vì điều đó”, ông Al-Ghadab kể lại và cho biết thêm, con ông về sau bị nôn thốc nôn tháo vì sốc.
Ông Al-Ghadab cũng cho hay, khi ở Serbia con trai ông cũng từng bị một cảnh sát ngáng ngã, nhưng không đến nỗi thô bạo như László Petra đã làm. Do đó, khi chạy trốn cảnh sát Hung, vị cựu HLV đã phải ôm con vì lo cho con.
“
Làm sao mà tôi có thể tha thứ cho cô ta?”, ông Al-Ghadab nói về người đã ngáng hai cha con ông. “
Không hề có ai có ý tấn công các nhà báo, họ rất tốt với người tỵ nạn”, ông nhận xét về việc László Petra
nói rằng, do sợ bị người tỵ nạn tấn công nên cô đã giơ chân để “tự vệ”.
Sau cú ngã “lịch sử” ở biên giới Hung - Serbia và những khổ ải trên đường tìm mảnh đất mới nương thân, hy vọng ông bố Syria sẽ trở thành cư dân có ích tại đây, và xóa bớt được phần nào những định kiến về người tỵ nạn Hồi giáo!