Trong bài trả lời phỏng vấn tờ “Der Spiegel”, vị bộ trưởng nhấn mạnh một số ý như sau:
- Hiệp ước Dublin đã hết thời, nhưng cần duy trì nó đến khi nào chưa có được hệ thống mới.
- Trong hệ thống mới, Liên Âu phải xác định trước là trong một khoảng thời gian nhất định, EU có thể tiếp nhận bao nhiêu người tỵ nạn.
- Đối với những người còn lại, cũng không được bỏ mặc họ trong hiểm nguy. Cần đảm bảo rằng họ có thể sống được an toàn trong một vùng nào đó ở quê hương họ.
- Cần làm sao để tại các quốc gia thành viên Liên Âu, người tỵ nạn được đối xử “gần” như nhau.
- Hàng rào không phải giải pháp, nhưng Liên Âu cần có biên giới bên ngoài vững mạnh.
- Liên quan tới hàng rào mà Hungary dựng lên tại biên giới với các nước láng giềng, Bộ trưởng Nội vụ Đức tuyên bố: ông không muốn sống tại một Châu Âu lại có những rào cản, và có thể phê bình cung cách của Hung từ nhiều khía cạnh.
Tuy nhiên, trái với các nước khác, Hungary đã cho đăng ký người tỵ nạn đúng với quy định của EU, và quan tâm việc bảo vệ biên giới bên ngoài của Liên Âu.
- Nhận xét về những sự việc xảy ra ở biên giới Röszke, ông Thomas de Maiziere cho rằng Chính phủ Hung cần đảm bảo cho tất cả mọi người phải được đối xử phù hợp nhân phẩm con người, và không được áp dụng bạo lực với người tỵ nạn. “Không thể chấp nhận cách ứng xử khác!”.
Phản ứng trước những ý tưởng của vị Bộ trưởng Nội vụ, Chủ tịch Đảng Xã hội Dân chủ Đức (SPD), Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel đã trả lời Kênh Truyền hình Quốc gia ARD rằng giải pháp dựa trên việc hạn chế con số người tỵ nạn là đi ngược lại Hiến pháp Đức.
Theo ông Sigmar Gabriel, điều này còn “hoàn toàn trái ngược với những gì mà Thủ tướng Angela Merkel đã nhấn mạnh một cách xác đáng: tất cả những ai sang Đức và xin quy chế tỵ nạn đều phải được xem xét một cách hợp lý”.
Trong một diễn biến có liên quan, thống kê của Viện Nghiên cứu Công luận YouGov cho thấy, đa số cư dân Đức đồng tình với việc tái lập tạm thời chế độ kiểm tra biên giới, nhưng họ không tin rằng đây là biện pháp hữu hiệu để hạn chế số người tỵ nạn sang Đức.