MƯỜI BỊA ĐẶT TỆ HẠI VỀ NGƯỜI TỴ NẠN Ả RẬP

Thứ bảy - 19/09/2015 15:09

(NCTG) “Trong hoàn cảnh hiện nay, ngoài việc dành quan tâm, mỗi người khi đọc, xem các thông tin và hình ảnh về vấn đề người tỵ nạn, nên dành thời gian tìm hiểu kỹ, nhất là khi quyết định chia sẻ tiếp”.

Không chỉ phải đối đầu với hiểm nguy và sự đói khát trên đường vượt biển, người tỵ nạn còn phải chịu đựng những định kiến và thông tin ác ý lan truyền trên mạng - Ảnh: Christophe Archambault (AFP)

Không chỉ phải đối đầu với hiểm nguy và sự đói khát trên đường vượt biển, người tỵ nạn còn phải chịu đựng những định kiến và thông tin ác ý lan truyền trên mạng - Ảnh: Christophe Archambault (AFP)

Tin tức về người tỵ nạn đang tràn ngập mặt báo cũng như các phương tiện truyền thông đại chúng, không những thế vấn đề tỵ nạn còn là đề tài nóng, gây nhiều tranh cãi trên các mạng xã hội.

Những thông tin này thường rất cảm tính, hay bị bóp méo, bị xuyên tạc và rất nhiều người không tìm hiểu kỹ trước khi chia sẻ tiếp (share) trên các mạng xã hội, gây nên sự sợ hãi, lo lắng thái quá trước làn sóng người tỵ nạn.

Đài Truyền hình Quốc gia Czech đã chọn dịch mười nội dung nổi cộm nhất. Thiết nghĩ, trong hoàn cảnh hiện nay, ngoài việc dành quan tâm, mỗi người khi đọc, xem nên dành thời gian tìm hiểu kỹ, nhất là khi quyết định chia sẻ tiếp.

Bản lược dịch do Nguyễn Cường thực hiện từ nguyên bản tiếng Czech. Trân trọng giới thiệu! (NCTG)
 
Một tấm ảnh bị gán cho người tỵ nạn Bắc Phi một cách bịa đặt
Một tấm ảnh bị gán cho người tỵ nạn Bắc Phi một cách bịa đặt

1. Người tỵ nạn toàn là khủng bố hoặc thuộc những tổ chức ủng hộ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (Islamic State)

Hoàn toàn không có bất cứ một khả năng nào để kiểm chứng thông tin này, và logic thì không tồn tại bất cứ một thống kê nào khẳng định được rằng phần lớn người tỵ nạn xuất phát từ các quốc gia có tổ chức Nhà nước Hồi giáo hoạt động.

Ngoài đa số người tỵ nạn chạy từ Syria do nội chiến, còn có cả người Kosovo, Eritrea, Serbia, Pakistan hay Bangladesh.

2. Người tỵ nạn rất giàu, họ có tiền để trả cho việc dẫn đường và họ sử dụng điện thoại thông minh
 
Qua các cuộc hỏi chuyện người tỵ nạn, chúng tôi được biết, để có thể trả cho việc dẫn dường, những người chạy trốn phải dùng số tiền quyên góp của cả gia đình, thậm chí họ phải bán nhà cửa hoặc các cơ sở kinh doanh của mình. Cũng có người được trợ giúp từ bà con họ hàng đang sống ở các nước Âu Châu, Mỹ hay Canada.

Điện thoại thông minh đối với người trốn chạy là thiết bị trợ giúp quan trọng nhất. Không chỉ giúp họ giữ liên lạc với nhau mà nhiều khi nó còn giúp họ trong việc thông dịch để có thể hiểu các hướng dẫn của cảnh sát và những tự nguyện viên.

Thiếu điện thoại di động khó có thể thực hiện được những chuyến đi như thế này. Có nhiều trường hợp điện thoại hết pin và các thành viên trong gia đình đã thất lạc nhau. Những thiết bị liên lạc này chính là vật dụng cần nhất để họ vượt qua thời gian đi đường”, nữ nhà báo Magdalena Sodomka, người từng đi theo một đoàn tỵ nạn từ Serbia sang Áo cho biết như vậy.

3. Tỵ nạn gì mà toàn là đàn ông, toàn những người khỏe mạnh? Chứng tỏ đây chỉ là tỵ nạn kinh tế
 
Trong các phóng sự, tin tức, hình ảnh của cảnh sát hoặc các cơ quan chính quyền chứng tỏ trong số những người tỵ nạn không chỉ là đàn ông mà còn có cả rất nhiều phụ nữ và trẻ em. Theo thống kê thì tỷ lệ nam giới chiếm đa số nhưng phụ nữ và trẻ em cũng không ít.

Thí dụ: năm 2014 có 34.329 người tỵ nạn vượt biển bằng thuyền vào Ý, trong đó có 10.268 là phụ nữ và trẻ em. Đến cuối tháng 6 năm nay, con số này là 67.500 người.

Trong thực tế, một phần là do nhiều gia đình bỏ chạy cả nhà từ vùng có chiến tranh tới một nơi an toàn. Sau đó phụ nữ và trẻ em, những người yếu hơn sẽ tạm ở lại và chỉ có đàn ông khỏe mạnh mới đi tiếp.

Vượt biển bằng thuyền vào Châu Âu thật sự là mạo hiểm và không chỉ nguy hiểm ở trên tàu mà nhiều khi nguy hiểm còn đến từ những kẻ tổ chức dẫn đường. Chi phí cho một chuyến đi như vậy rất tốn kém và nhiều gia đình không có đủ tiền để lo cho quá một người lên đường.

4. Trong các trại tỵ nạn ở Châu Âu, họ được hưởng chế độ như đi nghỉ phép và được chọn thức ăn theo khẩu vị truyền thống của mình

Thực tế trong các trại tỵ nạn ở Cộng hòa Czech thì như thế nào?

Nhiều người tỵ nạn trong trại Bela pod Bezd cũng than phiền về việc ăn uống tại các trạm tạm giữ. Tại Zastavka (Brno), người tỵ nạn có thực đơn từ trước dành cho cả tuần. Thí dụ, Chủ nhật ngày 2-8 vừa qua, món ăn chính là thịt bò hầm, ba hôm trước đó họ được ăn cá.

Điều kiện ở Zastavka nói chung cũng rất khiêm tốn. Một phòng có bốn người, hai người ngủ trên tấm đệm. Phòng có bàn, ghế và tủ hết sức đơn giản.

Tại trại cách ly như ở Bela và Zastavka, theo tin của iDnes cho biết, khi kiểm tra nếu phát hiện người tỵ nạn có mang theo tiền, cảnh sát sẽ tạm giữ. Với các đồ vật quý, điện thoại di động cũng vậy. Số tiền này được bổ sung thêm vào các khoản chi cho trả ăn uống và tạm trú.

Với người lớn, khoản này là 250 Curon (10 USD), với trẻ em thì thấp hơn. Sau thời gian cách ly, nếu còn tiền, trước khi ra khỏi trại, người tỵ nạn sẽ được nhận lại.

Trong các cơ sở tạm trú những người đệ đơn xin tỵ nạn cũng sẽ góp thêm chi phí ăn ở. Tất nhiên chỉ trong trường hợp họ có khả năng về tài chính để nâng mức sống tối thiểu cho cá nhân.

Khi được chấp nhận sự bảo hộ quốc tế, người tỵ nạn có quyền tham gia vào chương trình hội nhập của nhà nước và đệ đơn xin tạm trú tại các trung tâm hội nhập. Chi phí ăn ở tại đây người này sẽ phải thanh toán, thời hạn dài nhất là 18 tháng, trong thời gian đó họ được quyền học tiếng và tìm chỗ ở độc lập cũng như tìm việc làm.

5. Người tỵ nạn tấn công và chiếm tàu du lịch ở Ý

Một bức ảnh nữa được lưu truyền và bịa đặt rằng người tỵ nạn Châu Phi đang cố gắng tiến chiếm con tàu du lịch ở bến cảng Ý. Thực tế, việc này xảy ra cách đây đã hơn 10 năm, từ ngày 7-8-1991 khi con tàu du lịch Vlora (Ý) bị khoảng 20 nghìn người tỵ nạn tấn công tại bến cảng Drach (Albania).

Vị thuyền trưởng đã phải chấp nhận đưa tàu về Ý và sau khi về tới Ý, đa số những người tham gia chiếm đoạt con tàu đã bị trả lại về Albania.

6. Trong khi phải đi góp tiền cho người tỵ nạn, thì chúng ta phải bòn mót từng xu bằng cách nhặt nhạnh những nắp chai nhựa để nuôi con mình

Một điều bịa đặt quá đáng. Hãy hình dung để có 100 nghìn Curon (4.000 USD) người ta phải gom được hơn 14.000 kg nắp chai, tương đương với hơn 7 triệu nắp chai. Như vậy, để có 1 Curon cần phải có hơn 70 cái nắp.

Các bạn hãy hình dung để thấy điều này vô lý ra sao.

7. Ở Anh, Mohammad là tên con trai thường thấy nhất (ám chỉ nước Anh cũng đang bị “Hồi giáo hóa”)

Thông tin này được trang web BabyCentre phát tán và được dẫn rằng họ đã thống kê từ 56 nghìn lượt người truy cập. Tuy nhiên, theo số liệu của Ủy ban Dân số Anh Quốc thì Oliver mới là tên con trai hay được chọn đặt nhất.

Năm 2013 tại Anh quốc có 6949 bé trai được đặt tên là Oliver. Tên Muhammad đứng thứ 15 với 3.499 em, chiếm tỷ lệ khoảng 1% số bé trai ra đời.

8. Người tỵ nạn từ chối không chịu nhận thức ăn và nước uống

Trong một đoạn video quay ở thị trấn Bicske (Hungary) đúng là có cảnh người tỵ nạn phản đối và vứt trả lại thức ăn và nước uống được cung cấp bởi cảnh sát Hung. Có điều cần phải bổ sung thêm về hoàn cảnh xảy ra sự việc.

Thực tế khi đó những người tỵ nạn nghĩ và tin họ được đưa sang Đức hoặc ít ra là người ta đã tin khi được nhà ga ở Budapest khẳng định như vậy. Hàng trăm người vì thế đã chen nhau lên tàu, cuối cùng tàu không đi sang Đức mà chở họ vào trại tỵ nạn.

Khi những người này phát hiện ra rằng con tàu đó không đưa họ sang Đức mà chỉ đến vùng Bicske, họ tức giận vì cho rằng bị lừa, một số người còn tuyên bố sẽ tuyệt thực để phản đối.

Cuối cùng, khi được giải thích, một số người tỵ nạn đã tiếp nhận đồ ăn, nước uống và sự giúp đỡ của cảnh sát Hung. Nhiều người trong số này đã đi bộ về Budapest và từ đó đi tiếp sang Áo.

Các tình nguyện viên, nhân viên các tổ chức nhân đạo và phi lợi nhuận, kể cả các tổ chức tôn giáo đã cung cấp cho người tỵ nạn thức ăn, chăn đắp, nước uống và các đồ dùng vệ sinh cá nhân.

Đa số người tỵ nạn rất lịch sự. Họ bày tỏ sự biết ơn và rất thân thiện với chúng tôi” - chị Diana Tuyết-Lan, một nhân viên tình nguyện của Tổ chức Diecezni Charity Brno cho hay.

9. Số vụ cưỡng hiếp do người tỵ nạn gây ra ở Thụy Điển nhiều khủng khiếp

Điều bịa đặt cũ rích này - nhằm đổ tội cho những người theo đạo Hồi - đã có từ trước, người ta nói rằng số vụ cưỡng hiếp ở Thụy Điển đa số do dân tỵ nạn gây ra.

Thực tế thì những tuyên bố này nhằm tấn công vào chính sách khá cởi mở của Thụy Điển đối với người tỵ nạn và số vụ cưỡng hiếp ở Thụy Điển trong thực tế cũng khá cao. Luật pháp Thụy Điển cấm việc thực hiện thống kê dựa trên cơ sở sắc tộc.
 
10. Cậu bé Aylan Kurdi không hề bị chết, ảnh cậu nằm bên bãi biển là bịa đặt

Trên một số trang mạng còn lưu truyền tin cho rằng ảnh cậu bé Aylan chết ở bờ biển là tự chế. Người ta còn nghi ngờ sự thật của bức ảnh và khẳng định trong hình không phải em mà chỉ là hình nộm.

Nhiều người còn viết comment rằng nhìn thấy thân hình cử động và được sắp đặt để thực hiện chụp ảnh. Thực tế là trên các bức ảnh không chỉ có Aylan. Trong số những nạn nhân của vụ đắm tàu, còn có cả Galup, anh của Aylan.

Nguyễn Cường chuyển ngữ, từ Praha


 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn