Chiều tối thứ Hai 14-9, cuộc họp của các Bộ trưởng Nội vụ Châu Âu tại Brussels đã đạt được những thỏa thuận cơ bản về việc phân bổ tị nạn mặc dầu các chi tiết cụ thể phải chờ qua tháng 10 mới công bố.
Tờ “Tin nóng” (Het Laatste Nieuws) hôm nay, 15-9 chạy tít “Bỉ vẫn giữ biên giới mở” khi dẫn lời Thủ tướng Charles Michel (người hiện có số phiếu tín nhiệm cao nhất ở Bỉ) trong khi tình hình các nước lân cận đang có những động thái tăng cường kiểm soát biên giới.
“Nó chưa phải là vấn đề lúc này, nhưng chúng tôi sẽ cảnh giác” - ông nói. Tiếp đó, một nguồn tin của chính phủ cho biết “ba phần tư kinh tế của chúng ta phụ thuộc vào việc tự do giao thông biên giới, vì thế quyết định này không phải là quyết định ẩu”.
Người Bỉ cũng đang cố gắng kiểm soát tình hình, không để sự lo sợ xâm chiếm sau khi Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker kêu gọi: “Giờ không phải là lúc sợ hãi, mà là lúc cần hành động can đảm và quyết tâm”.
Ông cũng nói thêm: “Chúng ta đừng quên rằng Châu Âu là một lục địa mà hầu như tất cả mọi người một lúc nào đó cũng từng là dân tỵ nạn! Lịch sử của chúng ta đã được viết bởi hàng triệu người Âu đã từng tỵ nạn vì các lý do tôn giáo, chính trị, chiến tranh, độc tài và đàn áp”.
Tiếp đó, Chủ tịch Jean-Claude Juncker đưa ra một so sánh, theo đó số người tỵ nạn Syria tới Châu Âu hiện chỉ chiếm 0,11% dân số Châu Âu, trong khi, chẳng hạn, nước láng giềng Syria là Lebanon đã tiếp nhận con số người tỵ nạn từ Syria bằng hơn một phần tư dân số mình!
Trong một diễn biến khác, hôm qua cũng tại cuộc họp ở Brussels, đảng N-VA theo xu hướng dân tộc cực đoan đưa ra đề nghị rằng nên có một quy chế xã hội riêng biệt cho những người được chấp nhận tị nạn. Bà Sarah Smeyers (đảng N-VA) phát biểu với tờ “Ngày thứ Bảy” (De Zevende Dag):
“Nếu không có biện pháp ngay bây giờ, thì hệ thống bảo hiểm sẽ bị áp lực”. Bà cũng nói thêm: “Anh phải chọn thôi: hoặc xây tường quanh hệ thống bảo hiểm xã hội, hoặc xây tường quanh đất nước. Và chúng ta không muốn cái lựa chọn thứ hai này!”.
Quan điểm này ngay lập tức bị phản bác. Theo bà Nahima (thuộc đảng CD&V, đồng thời là đại biểu Quốc hội) thì cái gợi ý này thật là “vừa đáng trách về mặt đạo đức, vừa không khả thi về mặt luật pháp”. “Nếu như họ được chấp nhận tị nạn, không được xem họ như công dân hạng hai”.
Còn bà Marianne Thyssen (thành viên Ủy ban Châu Âu) thì thấy rằng đề nghị này của đảng N-VA “thật vớ vẩn”. Đại biểu Quốc hội Patrick Dewael nhấn mạnh: “Chúng tôi không bao giờ chủ trương cái kiểu hạng A hạng B như thế”.
Trong khi đó, Chủ tịch Đảng Xã hội, cựu thủ tướng Bỉ Elio Di Rupo nhắc lại rằng trong Đảng Xã hội không có chỗ cho những kẻ có tư tưởng phân biệt chủng tộc và tuyên truyền tư tưởng này. “Từ nhiều thế kỷ nay chúng ta đã xây dựng một đất nước cởi mở, đoàn kết, bao dung. Chúng ta nên giữ như vậy” - ông kết luận.
Theo nhiều nguồn tin, việc đóng hoặc thắt chặt kiểm soát biên giới chỉ là biện pháp tạm thời để mọi việc có trật tự hơn trong hoàn cảnh đặc biệt này. Xây thêm những “bức tường Berlin” nữa để rồi lại mất công đập đi ư? Không, Châu Âu sẽ không lùi về cái thời ảm đạm đó.