Một cái tin “sốc” như vậy đã được đưa trên Kênh truyền hình NgaРенТВ, dựa theo nguồn tin của báo “Nedrihaliv Hôm nay” (Недригайлів Сьогодні) số ra ngày 22-5-2015. Cứ như phía Nga loan báo thì các phương tiện truyền thông Ukraine đang kêu gọi chặt bỏ cây bạch dương - biểu tượng của Nga - và thay vào đó là cây Kalina yêu nước.
“Mới đây thì cây bạch dương đã không còn được người Ukraina quý trọng vì nó vốn được coi là biểu tượng dân gian của người Nga. Nếu xét thêm việc Nga đang xâm lược thì chúng ta chỉ thêm căm thù loại cây ấy” - hãng truyền hình Nga trích dẫn từ báo chí Ukraine.
“Tác giả bài báo đã khẳng định là bạch dương cần phải được tiêu diệt, ít ra là quanh các khu trụ sở cơ quan chính quyền. Còn những chỗ nào trước kia có cây bạch dương thì cũng cần phải thay thế bằng “cây thuần túy Ukraina” - Kalina” .
“Cùng với những bụi cúc vàng và các băng-rôn trên các tòa nhà trụ sở cơ quan thì sẽ tạo một bức tranh màu sắc sinh động” - bản tin cho hay. “Được biết ở trụ sở Xô-viết thôn Chernoslobodskyi người ta đã chặt hết bạch dương và trồng thông thay vào đó” - truyền thông Nga khẳng định dựa theo tin của báo obozrevatel.com.
Sự thể ra sao, cần đọc bài gốc trên báo politnavigator.net (Ukraine):
“ĐẢ ĐẢO BẠCH DƯƠNG NGA
Mới đây ở gần trụ sở Xô-viết thôn Chernoslobodskyi đã xuất hiện một hàng cây thông mới. Ngay cạnh “Nhà Trắng”, người ta mới trồng 20 cây thông do các nhà hảo tâm tài trợ cho người đứng đầu thôn, ông Grigoryi Sendetskyi. Trực tiếp trồng cây là chính những cán bộ của Xô-viết thôn, người của Trung tâm Giới thiệu Việc làm và chính ông Sergey Dudchenko.
Dạo trước, tại chính chỗ này là những cây bạch dương, nhưng chúng đã bị khô héo và người ta quyết định thay đi. Vâng, chắc là chúng héo cũng đúng lúc. Vì mới đây thì cây bạch dương đã không còn được người Ukraine quý trọng vì nó vốn được coi là biểu tượng dân gian của người Nga. Nếu xét thêm việc Nga đang xâm lược thì chúng ta chỉ thêm căm thù cây ấy. Thế nên thôi để trồng cây thông còn hơn.
Còn ở các Xô-viết thôn nào mà còn bạch dương thì tôi đề nghị cũng nên thay chúng bằng biểu tượng của Ukraine là cây Kalina. Cùng với những bụi cúc vàng và các băng-rôn trên các tòa nhà trụ sở cơ quan thì sẽ tạo một bức tranh màu sắc sinh động”.
Chỉ cần bóp méo bài báo đi một tý, lờ đi việc các cây bạch dương đã bị khô héo (mà bạch dương đâu phải là loại cây lâu năm), thế là truyền thông Nga có được tin giật gân để gây chia rẽ thêm hai dân tộc với nhau.
Đào Ngọc Trung, từ TP. HCM