EU VÀ “ÁN LỆ MIRANDA”

Thứ bảy - 30/05/2015 03:37

(NCTG) Mốc thời gian 2-6-2014 (cách đây tròn một năm) là thời điểm mà các nước thành viên Liên hiệp Châu Âu phải thực hiện chỉ thị của EU về “quyền được biết về quyền của mình” đối với các nghi can, bị cáo trong thủ tục hình sự. Tuy nhiên còn một vài nước - trong đó có Romania - sẽ còn phải làm rất nhiều để cải thiện tình hình.

“Anh có quyền im lặng. Mọi điều anh nói sẽ trở thành bằng chứng chống lại anh trước tòa” - không phải khi nào những quyền cơ bản này của người bị bắt giữ cũng được tuân thủ

“Anh có quyền im lặng. Mọi điều anh nói sẽ trở thành bằng chứng chống lại anh trước tòa” - không phải khi nào những quyền cơ bản này của người bị bắt giữ cũng được tuân thủ

Được biết, kết quả thực hiện chỉ thị của EU sẽ được các quốc gia báo cáo, đệ trình lên Ủy ban Châu Âu cho tới thời hạn 2-6-2015 tới.

Tròn nửa thế kỷ trước, thông qua “án lệ Miranda”, Tòa án Tối cao Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã khẳng định chỉ có thể thấm vấn, hỏi cung một nghi can hay bị cáo sau khi đã thông báo với đương sự về các quyền của họ, trong đó có quyền được im lặng và được có luật sư bào chữa. Nếu điều đó không diễn ra, mọi lời khai sẽ không được sử dụng làm bằng cứ trong phiên xử.

“Thông báo về các quyền”

Nguyên tắc nói trên được phản ánh trong một chỉ thị mới của EU, đưa ra năm 2003, về “quyền được thông báo” của các nghi can, nghi phạm trong thủ tục hình sự.

Chỉ thị này quy định các cơ quan chức năng phải cung cấp (bằng văn bản) “thông báo về các quyền” cho các nghi can, bị cáo bị giam giữ, trong đó, có những quyền cơ bản như quyền được có luật sư bào chữa, quyền được tìm hiểu sự buộc tội, hay quyền được im lặng, v.v...

Thông báo nói trên cần phải được diễn đạt một cách dễ hiểu, và cần chuyển trực tiếp tới đương sự sao cho đương sự chắc chắn có thể đọc và giữ lại. Theo chỉ thị của EU, tất cả các nước thành viên Liên hiệp Châu Âu cần tuân thủ chỉ thị với thời hạn 2-6-2014.

Còn nhiều thiếu sót

Tuy nhiên, không phải quốc gia EU nào cũng tuân thủ đầy đủ chỉ thị nói trên. Một trường hợp tương đối “cá biệt” là Romania, nơi sự “thông báo về các quyền” chưa được thực hiện sau thời điểm 2-6-2014, theo đánh giá của Hiệp hội Bảo vệ Nhân quyền tại Romania, một tổ chức nhân quyền và dân quyền của xứ này.

Hiệp hội thừa nhận rằng trên tinh thần của chỉ thị EU, Bộ luật Tố tụng Hình sự của Romania đã được bổ sung thêm một điều khoản mới (khoản 17 điều 209), theo đó cần trao thông báo bằng văn bản cho những người bị bắt giữ được biết về những quyền của họ.

Tuy nhiên, điều này còn chưa được thực hiện dưới hình thức thống nhất. Trong thực tế, các đương sự phải ký một tuyên bố, theo đó họ đã biết những điều khoản tại điều 83 của Bộ luật Tố tụng Hình sự mà thông thường họ chỉ được nghe đọc, hoặc thấy trên tờ giấy mà họ phải ký nhận, tùy theo ý muốn của nhân viên công lực.

Như vậy, theo Hiệp hội Bảo vệ Nhân quyền Romania, hiện trạng này có thể phạm luật nếu nó không đảm bảo việc thông báo các quyền của nghi can, bị cáo một cách đầy đủ.

Vô tội cũng “khai báo”

Một nghiên cứu diễn ra tại Hoa Kỳ đã khảo sát những trường hợp của các bị cáo được chứng tỏ vô tội căn cứ thử nghiệm di truyền (DNA). Một kết luận được rút ra: khoảng 30% bị cáo về sau được chứng tỏ vô tội, trước đấy đã “khai nhận” tội trạng, tức là đã “thú nhận” những điều mà họ không làm.

Không phải bao giờ cũng dễ hiểu là một kẻ vô can tại sao lại “nhận tội”, và cũng không rõ là nếu không có thử nghiệm DNA thì trong số trên có bao nhiêu phần trăm bị kết án tù giam hoặc tử hình. Tuy nhiên, qua ví dụ ấy, cũng dễ thấy là quyền được im lặng - và việc các bị cáo được biết các quyền của họ - có vai trò quan trọng như thế nào!

Một vấn đề khác cũng được đặt ra, ấy là, không chỉ phải nói đến những quyền đó, mà còn phải đảm bảo làm sao để chúng có thể được thực hiện một cách hữu hiệu trong thực tế, để tránh những oan sai, lạm quyền trong các hoạt động điều tra và tư pháp.

Một thông báo bằng văn bản về các quyền của nghi can, bị cáo - mà họ có thể giữ bên người và sử dụng khi cần - có thể giúp họ tự tin hơn trong việc tự bảo vệ mình. Và chớ khai xằng rằng “tôi vừa giết ông hàng xóm”, cho dù ông này vẫn... sống sờ sờ, như trong vụ án nổi tiếng của anh em nhà Boorn ở Mỹ vào đầu thế kỷ 19.

Trần Lê, theo liberties.eu


 
 Từ khóa: án lệ Miranda
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn