SÀI GÒN, NHỮNG NGÀY ĐÓ

Thứ tư - 15/12/2021 19:09

(NCTG) “Té ra má nằm ngay dưới sân. Họ dựng cái lều bạt, hướng ngay cổng nhìn vào. Mình đứng chờ bảo vệ ra lấy đồ thì nghe một người mặc áo bảo hộ y tế nói điện thoại với ai đó, “đang làm giấy báo tử”. Rồi một người khác hỏi chiếc xe đứng bên ngoài cổng, “xe đó chở mấy cái hòm”. Tối đó xem clip thấy họ quay cảnh người nhà đứng ngoài đường quỳ lạy hướng vào bệnh viện đó” - Phan Thúy Hà ghi lại những cảnh đời xót xa trong cơn bão Covid-19.

SÀI GÒN, NHỮNG NGÀY ĐÓ

Tháng 8/2021 có những ngày báo đăng tin trong một thành phố có trên 300 người tử vong vì nhiễm Covid-19.

Qua tin nhắn và gọi điện, tôi ghi sơ qua lời kể của ba người bạn có người thân đã ra đi trong những ngày đó.


1.
Má mình làm tạp vụ trong chung cư, lúc đó nhà nước có chỉ thị 16, má ở trỏng, vừa ở vừa làm, rồi mấy ngày sau bị nhiễm.

Lúc đó má sợ, má đòi dề nhà để có người chăm sóc, một phần nữa là lỡ có gì còn thấy mặt con cháu này kia, nhưng dề đâu có được.

Rồi nghe đâu trong chỗ làm họ bảo có xe cấp cứu đưa đi cách ly, má xỉu ngang luôn. Lúc đó ở nhà không ai biết được tin má, mình phải gọi điện qua người này người kia mới biết được má đã được đưa vào bệnh viện bên Quận Tư.

Rồi mình gọi cho má, giọng má thều thào, nói được chút xíu. Má nói má đói quá.

Sáng hôm sau mình đưa đồ ăn cho má. Đến cổng, thấy lạ, bệnh viện mà sao có nhân viên nhà quàn. Má bệnh nặng, mình cứ nghĩ ở trên lầu, đang lo không biết ở phòng nào, lầu nào. Té ra má nằm ngay dưới sân. Họ dựng cái lều bạt, hướng ngay cổng nhìn vào. Người nằm ở đó rất nhiều, có người nằm trên ghế bố, có cả người nằm ở ngoài sân. Mình đứng ngoài nhìn vào thấy má. Mình đứng chờ bảo vệ ra lấy đồ thì nghe một người mặc áo bảo hộ y tế nói điện thoại với ai đó, “đang làm giấy báo tử”. Rồi một người khác hỏi chiếc xe đứng bên ngoài cổng, “xe đó chở mấy cái hòm”. Xe cấp cứu, xe chở hòm vô ra hoài dậy.

Mình khỏe mà cũng ớn lạnh, má nằm đây, thấy cảnh đó chắc sợ lắm.
 
Kim Kiên (người đang quỳ) vái lạy mẹ trong lúc khâm liệm - Ảnh: Facebook của nhân vật
Kim Kiên đang vái lạy mẹ lúc khâm liệm trước cổng bệnh viện​

Mình dặn dò má được vài câu qua điện thoại rồi về. Tối đó xem clip thấy họ quay cảnh người nhà đứng ngoài đường quỳ lạy hướng vào bệnh viện đó. Mới biết là lúc đó trong bệnh viện có người mất, người nhà lên quỳ lạy lần cuối.

Má nói thèm nho, ăn gì cho có chất chua. Hôm sau mới mua được vào cho má.

Mình đưa đồ ăn được cho má ba lần. Lần thứ ba, gọi điện thì giọng má thều thào, chỉ nói được một câu là mệt. Sau đó chỉ có tiếng thở.

Bác sĩ nói má có thể đi bất cứ lúc nào.

12 giờ trưa hôm sau (7/8) họ gọi về báo má mất rồi, lên làm thủ tục. Má mất lúc 7 giờ sáng.

Các anh chị mình người thì bị giăng dây, người thì cũng bị nhiễm Covid.

Mình mặc áo bảo hộ rồi vô nhận xác. Má nằm ngoài sân, giữa trời nắng, đằng sau cái nhà bạt mà F0 đang nằm. Lúc còn thở má mặc một cái áo và cái tã. Khi mất được quấn thêm cho một cái bọc. Bên cạnh hai xác quấn bọc như vậy.

Suốt buổi chiều đó mình và các anh chị gọi tìm các nhà quàn nhưng không nơi nào nhận. Buộc lòng để má nằm ở ngoài trời một đêm nữa. Phơi nắng một ngày, rồi lại phơi sương. Mình không biết tại sao họ không cho má vào trong hành lang, hoặc che cho một cái dù lỡ đêm mưa.

Ngày hôm sau mình liên hệ được với một nhóm thiện nguyện. Họ giúp miễn phí việc mai táng. Trong lúc chờ nhà quàn đến liệm, mình đứng ở sân và chứng kiến rất nhiều người mất. Liệm người này vừa xong bắt đầu liệm người khác. Cứ dậy hoài. Xe cấp cứu tới đưa vô mấy người rồi cũng đưa ra mấy người luôn.
 
(Kim Kiên)

2.
Mẹ cô ấy vẫn có được một người thân đưa tiễn, được khâm liệm. Vợ tôi có thể phải bó trong nilon, cho vô xe chở đi thiêu. Tôi xem trên báo, các trang mạng, thấy như vậy ở bệnh viện vợ tôi điều trị. Người ta như thế nào thì đoán vợ mình như thế. 

Vợ tôi 46 tuổi, hai đứa con chúng tôi còn nhỏ dại, đang học cấp một. Cả gia đình tôi bị nhiễm, tôi tưởng người mất là tôi vì tôi bị nhiều bệnh nền, cả bệnh phổi nữa, vợ tôi khỏe mạnh, không bị bệnh gì từ trước tới nay. Cô ấy phụ việc cho một quán ăn, tôi là lao động tự do, chúng tôi tá túc trong một căn nhà trọ.
 
pth3

Tôi phát hiện ra mình nhiễm từ ngày 2/9, sau đó mấy ngày thì vợ tôi bị. Chúng tôi cũng xông, súc miệng, thực hiện đúng như được hướng dẫn, tôi và các con ổn dần nhưng vợ tôi có biểu hiện khó thở. Tôi lên mạng cầu cứu. Ngày 13/9 vợ tôi được các anh bên Quân y đến đưa đi bệnh viện. (Tôi biết các anh bên Quân y vì các anh đến nhà tét lại cho cha con tôi, biết vợ tôi mất, sau đó các anh mang quà đến thăm hỏi, khi đó các anh mặc quân phục, không mặc đồ bảo hộ).

Vợ tôi vô bệnh viện, mỗi ngày tôi vẫn gọi vào. Nghe tiếng vợ alo là tôi yên tâm, tắt máy. Đến ngày thứ 5 điện thoại hết pin, tôi chỉ còn cách gọi vào số tổng đài hỏi tin về người nhà. Việc gọi và nhắn tin lúc được lúc không. Tôi được biết tình trạng vợ nguy kịch.

4 giờ chiều ngày 25/9 tôi gọi, họ nói vợ tôi vẫn sống. Trưa ngày hôm sau có người gọi về báo vợ tôi đã đi vào lúc 1 giờ rưỡi chiều hôm qua (25/9). Năm ngày sau, một anh đến, anh mặc bộ đồ bảo hộ Covid màu xanh, đi xe máy, đèo sau xe là cái giỏ nhựa bự, anh bảo tôi ký vào ba tờ giấy nhận bàn giao tro cốt. Lúc đó tôi đang mặc quần đùi, cởi trần. Anh lấy hũ tro trong giỏ nhựa trao cho tôi, hũ tro ghi tên vợ tôi.
 
(Lê An)

3.
Ba mẹ mình bị nhiễm Covid, chủ trọ giục ba mẹ dọn đi. Nhưng ba mẹ biết đi đâu. Ba mẹ không biết đường sá. Ba mình bị ung thư, tháng ba vừa rồi ba mẹ từ Đắc Lắc xuống thuê phòng trọ chữa bệnh cho ba. Chủ trọ vừa gắt với ba mẹ vừa liên tục gọi điện réo chị gái. Chị gái mình và con nhỏ bị nhiễm, cũng đang đi cách ly, không thể tìm chỗ trọ cho ba mẹ.

Ba mẹ xin đi nhập viện nhưng không được. Ba dìu mẹ đến bệnh viện gần đó rồi lại dìu mẹ về lại phòng trọ. Lúc đó đang giữa tháng tám. Đồ ăn không có, suốt nhiều ngày trước đó ba mẹ chỉ nấu cháo trắng ăn. Mẹ mình người Ê Đê, mẹ hiền lắm, mẹ cam chịu. Đến ngày thứ tư mẹ bị ói, tiêu chảy, rồi bị té. Chị gái mình gọi điện nhờ y tế phường đến đưa ba mẹ đi cách ly ở bệnh viện dã chiến.

Vào bệnh viện buổi chiều thì tối đó mẹ trở nặng, người ta đẩy mẹ đi. Ba chạy theo mà người ta không cho. Ba không nói được, vì ba bị ung thư thanh quản, đã cắt hoàn toàn thanh quản. Hôm sau ba đi tìm mẹ. Vào từng phòng tìm mẹ mà không thấy. Ba viết giấy hỏi nhờ bác sĩ mẹ ở đâu.

Khi vào viện mẹ mình quên cầm theo điện thoại. Rồi mẹ mượn được điện thoại của ai đó gọi về cho mình. Mẹ nói mẹ đang ở phòng cấp cứu, mua sữa, tã cho mẹ, rồi mẹ khóc. Lúc sau mình gọi lại cho số điện thoại đó, thì người ta bảo kiếm số khác mà gọi.
 
pth4

Mình nhờ người mua sữa, băng gạc, nước muối, nước sát khuẩn, đóng thùng gửi vào cho ba kèm theo một bức thư ghi lại những lời mình muốn nhắn nhủ với ba. Nghĩ rằng ba đọc được dòng chữ con gửi sẽ cố gắng ăn uống. Nhưng ba chẳng nhận được đồ mình gửi. 

Hai ngày hôm sau bệnh viện gọi điện báo cho chị gái là mẹ đã mất.

Ba vẫn viết giấy đưa cho bác sĩ nhờ tìm mẹ. “Cô đâu rồi chú nhớ cô chú mất liên lạc với cô lâu quá”. Họ nói, mẹ khỏe, đã ra viện rồi. Nhưng ba vẫn cứ đi tìm. Suốt 18 ngày như thế.

Ngày ba ra viện, bác sĩ mới cho ba biết mẹ mất rồi. Ba ngồi im, chảy nước mắt, ba không khóc được. 

Khi liên hệ với chị gái báo ba được ra viện, bác sĩ kể lại với chị rằng, mỗi lần đọc dòng chữ chú viết mà xót xa. Cả đời ba có nói nhớ mẹ đâu. Ba phải nhớ mẹ lắm mới viết như thế.
 
(Thảo)

(*) Phan Thúy Hà đã xuất bản các tác phẩm “Qua khỏi dốc là nhà”, “Đừng kể tên tôi”, “Tôi là con gái của cha tôi”, “Gia đình” và “Những trích đoạn của các anh”. Có thể liên hệ với tác giả để đặt sách.

Phan Thúy Hà (ghi)


 
 Từ khóa: Covid-19
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn