Phân tích của mạng index.hu cho hay, các quốc gia muốn chuyển sang sử dụng các loại vaccine khác không chỉ vì độ tin cậy của vaccine Trung Quốc, mà còn vì các nỗ lực “ngoại giao vaccine” hung hãn của nước này.
Ở Indonesia và Thái Lan, chính quyền đã thông báo rằng những ai được chủng ngừa bằng Sinovac, và đặc biệt là các nhân viên y tế, sẽ nhận được AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) hoặc Moderna (Mỹ) cho liều thứ hai hoặc mũi nhắc để tăng cường hiệu quả.
Quyết định này cũng được hỗ trợ bởi một thực tế là ở cả 2 nước, chính quyền lo ngại sẽ xảy ra các đợt bùng phát mới do việc tiêm chủng chậm và vì vaccine Trung Quốc không phải lúc nào cũng có hiệu quả thuyết phục nên họ không muốn gây rủi ro cho sức khỏe người dân.
Việc “trộn lẫn” 2 loại vaccine có thể cung cấp khả năng miễn dịch cao hơn và điều quan trọng nhất là giảm số lượng bệnh nhân nhập viện, một vấn đề nghiêm trọng kể từ khi dịch bắt đầu bùng phát.
Phải chăng vaccine Trung Quốc thực sự không hiệu quả?
Các thử nghiệm lâm sàng trên toàn thế giới với vaccine Sinovac và Sinopharm chỉ ra rằng chúng có hiệu quả từ 50% đến 79% trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng Covid có triệu chứng.
Nghiên cứu cho thấy tiêm chủng Sinovac có hiệu quả 100% ở Brazil và 96-98% ở các nhân viên y tế Indonesia. Nhưng theo một nghiên cứu được công bố ở Thái Lan trong tuần này, các kháng thể xuất hiện bởi Sinovac cứ sau 40 ngày lại giảm một nửa, khiến hiệu quả của vaccine suy giảm.
Cho đến nay, không có dữ liệu công khai nào cho thấy hiệu quả của vaccine Trung Quốc chống lại các đột biến của SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các nghiên cứu sơ bộ cho thấy rằng vaccine sử dụng virus bất hoạt - như các sản phẩm của Sinopharm hoặc Sinovac - có khả năng bảo vệ chống lại biến thể Delta ít hơn 20% so với virus Vũ Hán ban đầu.
Bất chấp những ý kiến cho rằng những loại vaccine này không đáng tin cậy, các chuyên gia tiếp tục nhấn mạnh, điều này không có nghĩa là vaccine Trung Quốc là vô dụng, vì tiêm chủng giúp những ai bị nhiễm Covid-19 giảm thiểu khả năng bị nặng ở mức nguy hiểm đến tính mạng.
Tất cả những điều này ảnh hưởng như thế nào đến chính sách “ngoại giao vaccine” của Trung Quốc?
Một trong những lực đẩy chính của chiến lược ngoại giao tiêm chủng của Trung Quốc là khu vực Châu Á, nơi hơn 30 quốc gia đã mua hoặc nhận vaccine từ Trung Quốc dưới dạng “quà tặng”.
Chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc, TS. Ian Chong, cho biết sự sốt sắng của Bắc Kinh trong việc bán vaccine là nhằm mục đích thay đổi suy nghĩ ban đầu - rằng dịch bệnh có nguồn gốc từ Vũ Hán - và cho thấy rằng Trung Quốc đã có thể ngăn chặn đại dịch và điều trị thành công bằng vaccine của riêng mình.
Khi các quốc gia giàu có độc quyền đặt hàng các loại vaccine khác (chủ yếu của Phương Tây) từ rất sớm, nhiều nước ở Châu Á, đặc biệt là các nước nghèo hơn, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lẳng lặng chấp nhận vaccine của Trung Quốc.
Theo TS. Chong, lối suy nghĩ phổ biến là “có còn hơn không”, ngay cả khi vào thời điểm đó, các chỉ số hiệu quả của vaccine Trung Quốc cũng không thuyết phục lắm.
Quyết định chuyển sang các loại vaccine khác của Thái Lan và Indonesia có thể phá vỡ bức tranh thành công, làm tan tành bong bóng hiệu quả của vaccine Trung Quốc và thực chất đặt ra câu hỏi về khả năng công nghệ y tế của nước này.
Nghiên cứu quá chóng váng và việc vaccine được tạo ra trong thời gian quá ngắn vốn dĩ đã là những yếu tố gây thiếu tin tưởng, hơn thế nữa, sự xuất hiện của các đột biến mới và khó khăn ngày càng tăng trong việc xử lý chúng có thể làm xói mòn thêm niềm tin đặt vào vaccine.