Người phụ nữ “tay không” dắt xe đạp trở về từ ủy ban xã, sau chị, người đàn ông mặc áo vàng đang than phiền với một cán bộ xóm lý do tại sao người ta nhắn họ đến ủy ban nhận quà nhưng tới nơi lại không có trong danh sách. Người đàn ông đi chân đất, anh đi bộ hơn hai cây số từ nhà ra ủy ban xã. Cả hai đều đến từ sáng sớm và tới gần buổi trưa thì lủi thủi quay về.
Sáng nay một đoàn cứu trợ về làng. Danh sách nhận quà lần này là những nhà “ở trên cao”, tức là những nhà không bị ngập lụt, không bị nước vào. Lý do đưa ra là những nhà bị lụt được nhận quà nhiều lần rồi.
Ở làng, hoàn cảnh nào gọi tên ra cũng đáng được ưu tiên. Nhà chị Liên - mẹ đơn thân nuôi bốn đứa con, một đứa vừa bị tai nạn đang nằm viện chờ mổ não; nhà ông Hà - cha già hơn tám mươi tuổi nuôi đứa con bị bệnh Down; bà Nhin - ba đứa con bị mù; bà Ngạc - hơn tám mươi tuổi vẫn đang sống trong cảnh đói ăn, đói quá phải đi xin, mỗi ngày xin được vài ba nghìn đồng; ông Bàng - hai ông bà già bệnh nặng nằm một chỗ; o Vân - sống một mình, bệnh tật ốm yếu; o Sắc ông Hộ, bà Hội, bà Hồng... Có những hoàn cảnh nghe kể xong ta bất lực tới mức thầm mong cho họ sớm được thoát khỏi kiếp người.
“Phong trào” cứu trợ miền Trung diễn ra quá nhanh chóng và cấp tập khiến cho những người làm công việc tìm đúng địa chỉ trở nên bối rối. Lũ lụt là chuyện xảy ra thường xuyên ở các làng quê nơi này nhưng đây là lần đầu tiên người dân nhận được sự sẻ chia một cách đáng kể và trực tiếp. Các đoàn ào ào đến, hẹn trước hoặc không hẹn trước, trong chốc lát đó người sở tại không thể đưa ra một danh sách được lòng tất cả bà con.
Để rồi, giữa những ngày lũ lụt, đi đâu, ngồi với nhau, cứ hai người dân trở lên là đề tài cứu trợ lại được bàn tán sôi nổi. Tình người trỗi dậy và tính người cũng trỗi lên.
Nhà chị Vân ở Gia Phố - Hố Hô xả lũ, nước dâng tới nửa nhà, thóc gạo đỗ lạc và những đồ vật có giá trị hỏng hết, cha con mẹ con vội vàng kéo nhau chạy đi, cho đến hôm nay, sau khi lũ rút đã nửa tháng, vẫn chưa dọn dẹp xong những ngổn ngang lũ để lại, quanh nhà vẫn xộc tanh mùi bùn, mùi lũ. Hậu quả là vậy nhưng chị không được nhận quà, vì hộ khẩu gia đình thuộc diện thị trấn.
Người ta kể rằng ở thị trấn có người đi ôtô đến nhận quà cứu trợ. Hình ảnh phản cảm, vô duyên đó đã ít nhiều làm tổn thương tấm lòng của người trao quà và những người dân thực sự cùng cực khổ sở xung quanh họ.
Một chiếc xe có dòng chữ cứu trợ miền Trung qua ngõ, bà mẹ trẻ ôm con chạy ra. Hỏi chuyện thì biết rằng mẹ con họ không có trong danh sách được cứu trợ, thấy có người tốt thì chạy theo với hy vọng nhìn mẹ con nghèo khổ họ thương tình dừng lại cho chút quà. Xe nào đến cũng chạy theo và lần nào cũng sụt sùi khóc quay vào nhà.
Buổi chiều trước ngày ra Hà Nội mình ra đứng trước cánh đồng. Cánh đồng đục một màu nước lũ. Một người đàn bà vác cuốc ra đồng. Nước bắt đầu rút khỏi ruộng. Bà ra cuốc đất ngăn cho nước đừng chảy hết. Ruộng bà đại hạn từ tháng Tư.
Mùa lũ đi qua, để lại những lớp phù sa màu mỡ. Nhưng người dân biết trồng trọt gì để có thu hoạch khi mà chưa qua hạn hán thì lũ lụt đã tràn về? Nước rút hết thì ruộng trở lại như ngày đại hạn.
Một dạo người dân cứ bỏ làng mà đi như một xu hướng không gì cưỡng nổi. Những khu vườn hoang, những nền nhà cỏ mọc rầm rì, những giếng nước trong veo rêu phủ. Tiếng trẻ reo vắng dần. Làng chỉ người già nhìn nhau.
Nhưng rồi người ta nhận ra, rời khỏi làng để tìm kiếm một cuộc sống dễ thở hơn cũng không dễ dàng gì. Người đi trước làm bài học cho người đang ở lại. Những đứa con thất bại lần lượt trở về.
Mình xa làng gần hai mươi năm. Lần về quê nào cũng theo cha đi hết nhà nọ tới nhà kia, nghe cha kể chuyện xảy ra những ngày mình không ở nhà. Hình như cha mong mình về để chia sẻ.
Những háo hức được về quê không còn nữa từ ngày cha mất, thay vào đó là cảm giác buồn bã, trống rỗng. Mỗi lần về, ra mộ thắp hương cho người đã khuất, thầm thì những câu chuyện cũ, rồi thăm qua loa vài người hàng xóm, rồi ra đường cái bắt xe, mang theo nỗi buồn trĩu nặng và những điều rất khó giãi bày.