Sự kiện trên diễn ra vào cuối tháng 8 vừa rồi, gần như đồng thời với việc người tỵ nạn thứ 10.000 (mười ngàn) nhập cảnh Hoa Kỳ. Được biết, cả nhóm tỵ nạn may mắn được “cập bến” Cộng hòa Czech là đến từ Hy Lạp.
“
Thoạt tiên chính quyền Czech tính tới chuyện nhận 11 người, nhưng do những lý do an ninh nên rốt cục chỉ có 8 người được nhập cảnh”, theo tuyên bố của Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Czech, bà Lucie Nováková.
Như NCTG đã đưa tin, các thành viên EU quyết định vào tháng 4-2015 rằng các nước Châu Âu sẽ nhận người tỵ nạn từ Ý và Hy Lạp là hai quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi làn sóng tỵ nạn, trên cơ sở tự nguyện và tinh thần chia sẻ khó khăn.
Sự phân bổ được xác định tùy theo khả năng của từng nước, và Hội nghị thượng đỉnh các Bộ trưởng Nội vụ EU vào tháng 5-2015 đã ấn định rằng trong vòng hai năm, 120 ngàn người tỵ nạn từ Ý và Hy Lạp sẽ được phân bổ theo hạn ngạch bắt buộc.
Tuy nhiên, dự án này đã bị
một số quốc gia, trong đó nổi bật là Hungary phản ứng gay gắt. EU đã phải bàn thảo một đề xuất, theo đó quốc gia thành viên nào không chịu nhận người tỵ nạn trong chương trình tái định cư, thì phải trả 250 ngàn Euro/đầu người.
Cho tới nay, Cộng hòa Czech - nước bỏ phiếu chống dự án tái định cư - đã nhận chính thức cả thảy 12 người tỵ nạn, trong tổng số 2.691 người mà quốc gia này bắt buộc phải nhận theo kế hoạch của EU, từ nay tới cuối năm 2017. (Praha chỉ muốn nhận 1.100 người trên cơ sở tự nguyện).
Trong khi chương trình phân bổ theo hạn ngạch của EU diễn ra rất khó nhọc (mạng index.hu của Hungary tính ra, mới chỉ có 3.947 người tỵ nạn được phân bổ từ Ý và Hy Lạp), thì Hoa Kỳ đã nhận người tỵ nạn thứ 10.000 vào cuối tháng 8.
Cho dù Mỹ ở xa nơi chiến sự, nhưng tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Barack Obama vẫn tuyên bố nước này sẽ nhận trong vòng một năm mười ngàn người tỵ nạn Syria, trong số nhiều triệu người Syria phải bỏ xứ ra đi vì chiến tranh và bạo lực.
Kế hoạch tái định cư người tỵ nạn của Obama bị nhiều người chỉ trích, chủ yếu là trong giới chính khách Đảng Cộng hòa, nhưng có bang - như Bắc Karolina - đã lập tức tuyên bố họ không nhận người tỵ nạn Syria. Nguyên nhân là sự lo ngại nguy cơ khủng bố.
Tuy nhiên, giới chức Hoa Kỳ cho hay, quá trình thanh lọc được tiến hành rất kỹ càng và nghiêm ngặt để loại trừ khả năng những kẻ khủng bố có thể nhập cảnh Mỹ trá hình người tỵ nạn. Chủ yếu, dân tỵ nạn Syria định cư ở California hoặc Virginia.
Theo số liệu của Phủ Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc, hiện có chừng 4,8 triệu người Syria đang ở tại các trại tỵ nạn, đại đa số là ở Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Lebanon (Ân xá Quốc tế AI cho hay, tại Lebanon cứ năm người dân thì có một người là tỵ nạn).