V4 ĐỒNG TÂM CHỐNG LẠI CHÍNH SÁCH TỴ NẠN CỦA ANGELA MERKEL

Thứ tư - 17/02/2016 15:31

(NCTG) Các nước thuộc khối cộng sản cũ ở Trung Âu ủng hộ hoàn toàn với các biện pháp ở cấp EU với mục tiêu bảo vệ hiệu quả hơn nữa biên giới phía ngoài của Liên Âu. Đồng thời, nhóm này lặp lại một lần nữa thái độ tiêu cực, bài bác đối với hạn ngạch của Liên Âu trong vấn đề phân bổ người tỵ nạn.

Từ phải sang: thủ tướng bốn nước Ba Lan, Hungary, Sloviakia và Cộng hòa Czech tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm V4. Praha, ngày 15-2-2016 - Ảnh: Filip Singer (MTI)

Từ phải sang: thủ tướng bốn nước Ba Lan, Hungary, Sloviakia và Cộng hòa Czech tại hội nghị thượng đỉnh của nhóm V4. Praha, ngày 15-2-2016 - Ảnh: Filip Singer (MTI)

Khủng hoảng tỵ nạn không có giải pháp nào khác ngoài “giải pháp Liên minh” - các nước thuộc nhóm V4 (Visegrád 4) cùng hai khách mời là Macedonia và Bulgaria đã thống nhất với nhau như vậy tại cuộc họp diễn ra hôm thứ Hai 15-2 tại thủ đô Praha, Cộng hòa Czech, theo đó, việc tôn trọng thỏa thuận giữa EU và Hy Lạp là việc bắt buộc.

Các chính khách tham dự cuộc họp đều thống nhất về việc cần hỗ trợ hai nước là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, họ cho rằng cần phải có phương án dự trù B: xây dựng đường biên giới phía Nam của Schengen, bắt đầu từ Hungary. Trong các cuộc họp trước, nhóm V4 đã từng nói đến việc tăng cường bảo vệ biên giới giữa Bulgaria, Macedonia và Hy Lạp. 

Theo như thủ tướng Slovakia Robert Fico thì phương án B cần được thực hiện ngay, nếu trong vòng vài tháng tới vẫn không có sự thay đổi về số lượng người tỵ nạn tới Châu Âu. “Tôi nghĩ rằng, trong tháng Tư phải thực sự có sự thay đổi”, ông nói. 

Ông Fico tuyên bố, giá trị các nước thành viên V4 trong khuôn khổ các cuộc tranh luận của Châu Âu về việc đi tìm giải pháp cho vấn nạn di cư hiện nay nằm ở chỗ, họ đã chỉ ra những rủi ro về an ninh mà các chính trị gia Châu Âu khác không nhìn thấy. “Tôi có cảm giác rằng, nhiều chính khách EU không có suy nghĩ thực tế”. Cũng theo ông Fico, các nước V4 vì vậy phải trở thành trụ cột quan trọng trong hội nghị thượng đỉnh EU sắp tới. 

Thủ tướng Ba Lan Beata Szydłová nhấn mạnh rằng, đề án B không hề có ý chống lại bất cứ nước thành viên EU nào, nhưng nhóm V4 chỉ muốn kiểm soát tình tình tỵ di cư hiện nay mà thôi. Bà cũng hi vọng là muộn nhất, thới tháng 3 này, trong cuộc họp của Hội đồng châu Âu sẽ thống nhất được những giải pháp hiệu quả. 

Các nước tham dự cũng cảnh báo rằng, nếu không có những biện pháp cụ thể và việc kiểm soát biên giới phía ngoài Châu Âu không được tăng cường và làn sóng di cư hiện tại không được chặn đứng, thì tình hình sẽ vượt ngoài tầm kiểm soát, gây bất ổn và mất an ninh trong khu vực. Theo tuyên bố từ cuộc họp:

Một quá trình như vậy chỉ làm suy yếu các trụ cột cơ bản của việc hội nhập Châu Âu, đặc biệt là khối Schengen và việc tự do di chuyển. Thất bại trong lĩnh vực này có thể gây thách thức đến những nền tảng cơ bản của Liên Âu và gây những thiệt hại nhất định về kinh tế, xã hội và biểu tượng”.

Vì vậy, nhóm V4 kêu gọi Liên Âu nhanh chóng hành động. Mục tiêu chính theo V4 là giữ vững khối Schengen bằng việc bảo vệ biên giới phía ngoài của Châu Âu. Đồng thời cần giải quyết khủng hoảng tại Syria - nguyên nhân chính của làn sóng di cư - và tệ nạn đưa người bất hợp pháp.

Trước khi các nước V4 nhóm họp, Ngoại trưởng Luxemburg Jean Asselborn cảnh báo V4 chớ đối mặt với khủng hoảng tỵ nạn bằng “Liên bang của một nhóm ly khai” (khỏi Liên Âu). Các phương án của V4 nhằm vào việc đóng cửa biên giới Balkans đều bị Thủ tướng Đức Angela Merkel bác bỏ. Việc xây dựng hàng rào ở Macedonia và không quan tâm tới tình hình khó khăn của Hy Lạp, theo bà, là hành động không mang tính Châu Âu.

Các nước V4 đã từng bị chỉ trích nhiều vì thái đội quá cứng nhắc trong vấn đề người tỵ nạn. Thủ tướng Slovakia Fico bác bỏ chỉ trích trên và cho rằng V4 đã tham gia một cách tích cực vào việc giúp đỡ những nước gặp khó khăn với vấn đề người tỵ nạn, thông qua các trợ giúp về tại chính và nhân lực.
 
Thủ tướng Bulgaria Boyko Borissov đã trấn an Thủ tướng Đức Angel Merkel vào hôm Chủ nhật rằng, Bulgaria và Macedonia không muốn vùng Balkans trở thành rào cản giữa EU và làn sóng di dân. Ông Borissov cho bà Merkel biết trước về thái độ của họ và nhấn mạnh rằng Bulgaria cần bày tỏ sự liên đới với Hy Lạp: nước này phản đối việc xây dựng hàng rào giữa Macedonia và Hy Lạp.

Thủ tướng Czech Bohuslav Sobotka và Tổng thống Macedonia Ďorg Ivanov đã trao đổi về vấn đề di cư hiện tại và được biết là cho đến nay, sự trợ giúp của Liên Âu dành cho Macedonia là con số không. Theo ông Sobotka, EU nên tăng cường hỗ trợ Bulgaria và Macedonia trong việc bảo vệ biên giới nước họ. V4 cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ cho các nước phía Tây Balkans, trong đó có việc ủng hộ nỗ lực gia nhập Liên Âu của Macedonia. 
 
Thủ tướng Đức phản đối ý định khóa biên giới Hy Lạp - Macedonia - Ảnh: Kai Pfaffenbach (Reuters)
Thủ tướng Đức phản đối ý định khóa biên giới Hy Lạp - Macedonia - Ảnh: Kai Pfaffenbach (Reuters)

Truyền thông Đức đưa ra một nhận định thống nhất là cuộc nhóm họp của V4 chỉ nhằm chống lại chính sách tỵ nạn của chính phủ do bà Merkel đứng đầu. Tuần báo “General Anzeiger” viết: “Bốn chống lại Merkel. Cùng đứng lên chống lại chính sách tỵ nạn của Đức”. 

Tờ “Die Welt” bình luận: “Tất cả các nước có vị trí quan trọng tại Đông Âu dùng nhóm V4 để chống lại chính sách tỵ nạn của bà thủ tướng. Tin xấu cho bà Merkel là các nước Châu Âu khác cũng có thể liên kết với nhóm V4 để chống lại Đức trong cuộc họp thượng đỉnh sắp tới”.

Tờ “Sme” chỉ trích việc xây dựng “tường rào” ở biên giới. “Ra vẻ rằng, nếu EU không thể dừng làn sóng di cư hiện nay lại, thì nhóm V4 sẽ nhận trách nhiệm vong ân này về mình, là một sự vênh vang vô lý”. Các nước V4 theo như tờ báo, không thể thêm gì vào việc giải quyết khủng hoảng tỵ nạn hiện nay, bởi lẽ việc xây dựng biên giới sao lưu không nhận được sự ủng hộ mang tính chính trị từ các thành viên khác của EU.

Họ cũng bình luận thêm rằng, nhóm V4 không phải là một sức mạnh có thể kéo các nước vùng Balkans ra khỏi các vấn nạn liên quan tới khủng hoảng tỵ nạn trong trường hợp Đức đóng cửa biên giới. Tuy nhiên, V4 đưa ra phản biện là các giải pháp của EU rất chậm, thường chỉ mang tính gián tiếp hoặc thậm chí là bị thất bại ngay từ khi mới đưa ra.

Riêng bà Merkel cho rằng, vào thứ Năm và thứ Sáu này, các chính khách Châu Âu sẽ phải đối mặt với những vấn đề cực kỳ quan trọng. Thủ tướng Đức phát biểu trong một cuộc họp báo tại Berlin: “Liệu chúng ta có đủ khả năng để chiến đấu với nguyên nhân của cuộc tỵ nạn hiện nay và tăng cường bảo vệ biên giới ngoài EU trong phạm vi can thiệp EU-Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên thỏa thuận di cư giữa Liên Âu và Thổ Nhĩ Kỳ hay không?”.

Có thể tiếp tục con đường này nữa hay không? Hay chúng ta phải từ bỏ và đóng cửa biên giới Hy Lạp - Macedonia - Bulgaria mặc cho những hậu quả có thể xảy ra cho Hy Lạp, cho toàn EU và cuối cùng là cho cả khối Schengen?”, bà Merkel đạt câu hỏi. “Thứ Năm và thứ Sáu này tôi sẽ dùng hết sức lực của mình để chứng minh rằng, thỏa thuận giữa EU và Thỗ Nhĩ Kỳ là con đường đúng đắn mà chúng ta có thể tiếp tục”, bà nói thêm.

Ngô Thúy Vân tổng hợp, từ Praha (Cộng hòa Czech)


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn