Vậy là những nỗ lực trong đề xuất của Đức, Thổ và Hy Lạp tại cuộc họp với NATO cũng có chút thành công: một đội đặc nhiệm thường trực của NATO - mang tên Standing NATO Maritime Group 2 - sẽ được điều này đến vùng biển giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, theo thông báo hôm thứ Năm tại Brussels của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Đoàn này, dưới sự chỉ huy của Đức, sẽ cho hạ neo năm con tàu, hiện nay đang đóng ở đảo Síp và có thể sẽ có mặt tại Aege trong vài ngày tới. Nhiệm vụ của hải đội này là canh giữ khu vực, đồng thời thu thập thông tin về những cuộc vượt biên trái phép. Tuy nhiên, theo lời ông Stoltenberg, “điều này không hề liên quan đến việc ngăn chặn thuyền tỵ nạn và bắt họ quay trở lại”.
Đội quân NATO sẽ chuyển các thông tin tới nhà chức trách của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như tới Cơ quan Biên phòng Châu Âu Frontex. Như vậy việc canh phòng vùng bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngừng các tàu trên biển lại. Theo bà Ursula von der Leyen, Bộ trưởng Quốc phòng Đức, Ankara cũng đã tuyên bố nhận tất cả người tỵ nạn tới Thổ Nhĩ Kỳ, kể cả những người được tàu của NATO phát hiện gặp nạn và cứu giúp trên biển.
Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ có thể gửi những thông tin của NATO về đất liền để đối phó với các nhóm buôn người. “Đây là một mạng lưới phi pháp được thiết lập để thu hàng triệu đồng, chúng kiếm tiền rẻ rúng trên thân xác người tỵ nạn và đã để hàng ngàn người chết đuối” - bà Von der Layen nói. Cụ thể, tính từ đầu năm nay, đã có hơn 340 người thiệt mạng ở Địa Trung Hải trên đường từ Thổ tới Châu Âu.
Nhiều người trong số các nạn nhân đã bị bọn buôn người dụ dỗ lên những con thuyền không hề thích hợp và an toàn cho việc đi biển. Một cách tương tự, người đồng cấp của bà Von der Layen, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng nhắc đến những tổ chức buôn bán người trái phép: “Cần phải cho chúng vào tầm ngắm, việc này hứa hẹn một tác động nhân đạo rất lớn”.
Theo bà Von der Leyen, kế hoạch hợp tác này có thể tiến hành ngay. Có thể là ngày 24-2, những con tàu này sẽ tới nơi phải đến tại vùng biển Aege. Tuy nhiên, không chỉ trên biển, mà việc giám sát bọn buôn người cũng cần phải được thực hiện từ trên không. Lý do là vì địa phận quanh biên giới biển của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ rất khó kiểm soát: tại đó có rất nhiều các hòn đảo thuộc Hy Lạp và chỉ cách đất liền của Thổ Nhĩ Kỳ vài cây số.
Quân đội Đức cho rằng việc kiểm soát toàn bề mặt là việc khả quan, và điều này cần cả sự tham gia của máy bay trực thăng bên cạnh tuần canh đêm và các máy móc, thiết bị radar. Tuy nhiên, Đức muốn các quốc gia thành viên khác của khối NATO cho mượn trực thăng vì quân đội Đức hiện không còn trực thăng nào cho nhiệm vụ này nữa.
Kế hoạch kể trên tuy là quân sự nhưng cũng đồng nghĩa với một dấu hiệu mang tính chính trị được gửi tới Thổ Nhĩ Kỳ. Mới tuần trước, trước chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Thủ tướng Angela Merkel, người ta vẫn còn cân nhắc, làm sao Ankara có thể nhận lời hợp tác trong vấn đề khủng hoảng tỵ nạn. Và sự tham dự của Thổ trong dự án này, có thể coi là nhanh chóng và bất ngờ.
Trước cuộc gặp của các Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng thư ký NATO Stoltenberg còn điện đàm với các Bộ trưởng Quốc phòng Đức và Thổ, rồi tại quộc họp Bộ trưởng Quốc phòng Đức vẫn còn nhắc đi nhắc lại các chi tiết liên quan đến Hy Lạp và Thổ. Mặc dù cả hai nước này đều là thành viên của NATO, nhưng đôi bên vẫn ngờ vực nhau từ hơn 40 năm nay và còn tranh cãi về chủ quyền một số đảo tại vùng biển Aege.
Thậm chí, giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ có lúc còn suýt xảy ra đụng độ quân sự. Do đó, các bước ngoại giao đã được ưu tiên trước hết. Hiện giờ, các bên đã thỏa thuận rằng tàu của Hy Lạp chỉ đi tại hải phận Hy Lạp, và cũng như vậy với các tàu của Thổ.
Bên cạnh đó, NATO cũng cần phải xử lý nhanh và ngăn cản để bọn buôn người không dễ dàng hoạt động. Bởi lẽ, cứ hễ những quyết định chính trị về bảo vệ biên giới được đưa ra thảo luận là các băng đảng đưa người bất hợp pháp lại tung tin để gây áp lực cho người tỵ nạn khẩn trương lên đường, như lời Bộ trưởng Von der Leyen: “Chúng tôi biết được điều đó từ kinh nghiệm cay đắng”.
Tuy nhiên, kiểm soát tốt hơn đường biên giới phía Tây của Thổ Nhĩ Kỳ có thể dẫn tới việc lượng người tỵ nạn vào Thổ gia tăng. Những đợt không kích lớn mới đây của Nga tại thành phố Aleppo, Syria đã làm hàng chục ngàn người phải chạy nạn.
Thanh Nhàn tổng hợp theo “Spiegel Online” và “Süddeutsche Zeitung”, từ Đức