Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) mới đây cho hay, so với các số liệu nửa năm trước, số trẻ em đã tăng gấp ba. Tháng 6 năm ngoái, 73% số người tỵ nạn “cập bến” Châu Âu là đàn ông, và số trẻ em chỉ chiếm 10%.
Tỷ lệ phụ nữ và trẻ em có phần tăng hơn một chút trong thời gian sau đó: theo thống kê của UNHCR được Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI) công bố vào cuối tháng 10-2015, trong số những người tỵ nạn đến Châu Âu, có 18% là phụ nữ và 13% trẻ em.
Việc đàn ông chiếm tỷ lệ cao trong số người tỵ nạn tới Châu Âu đã là nguồn gốc của một hiểu nhầm - thậm chí bịa đặt ác ý - theo đó những người này cũng không phải ra đi với mục đích tỵ nạn, thậm chí họ là những người khỏe mạnh, trong đó có nhiều chiến binh khủng bố.
Lúc đó, những tổ chức có trách nhiệm - như AI - đã phải
đưa ra lời lý giải cho hiện tượng đó, rằng trong thực tế, nhiều gia đình bỏ chạy cả nhà từ vùng có chiến tranh tới một nơi an toàn. Sau đó phụ nữ và trẻ em, những người yếu hơn sẽ tạm ở lại và chỉ có đàn ông mới đi tiếp.
Bởi lẽ, đàn ông khỏe mạnh hơn và cơ hội sống sót nhiều hơn, nhất là khi vượt biển. Thường thì họ muốn chuẩn bị các phương án an toàn hơn cho gia đình mình (ví dụ chờ đợi để được di cư an toàn và hợp pháp nhờ việc đoàn tụ gia đình và các phương án tương tự).
Thêm vào đó, giá tiền phải trả cho bọn buôn người rất cao và thường thì mỗi gia đình chỉ có thể “cử” một người “lên đường”. Hơn nữa, vượt biển bằng thuyền vào Châu Âu thật sự là mạo hiểm và không chỉ nguy hiểm ở trên tàu mà nhiều khi nguy hiểm còn đến từ những kẻ tổ chức dẫn đường.
Bạo lực và hiếp dâm là điều không hề xa lạ với những kẻ buôn người, nhiều phụ nữ đã bị hãm hiếp trên đường tỵ nạn, vì vậy hành trình đối với phụ nữ đó là một rủi ro lớn. Vì vậy,
hoàn toàn hợp lý khi họ chọn người khỏe mạnh hơn để có thể tỵ nạn thành công và giúp đỡ gia đình từ xa.
Đó là còn chưa kể tới chuyện nhiều thanh niên, đàn ông trong độ tuổi quân dịch còn phải lẩn trốn để tránh mộ lính, hoặc chết chóc.
Tuy nhiên, với thời gian, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em ngày một cao hơn. Hiện tại, 36% số người tỵ nạn đến các đảo của Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ là trẻ em, thậm chí con số này có thể cao hơn vì nhiều người không nói tuổi thật của họ với chính quyền khi chưa tới được nước mà họ dự định.
Sự gia tăng của con số phụ nữ và trẻ em trên đường tỵ nạn có nghĩa là “
trong số những người tỵ nạn, ngày càng nhiều người gặp hiểm nguy trên đường vượt biển Xích Đạo, đặc biệt trorng mùa đông, và do đó họ càng cần sự bảo vệ trên đất liền”, theo một quan chức UNICEF.
“
Cần củng cố hệ thống hỗ trợ, bảo vệ và y tế tại mọi điểm trên chặng đường mà người tỵ nạn hay đi, để phụ nữ và trẻ em khỏi bị lạm dụng, hoặc bị rơi vào cảnh không được trợ giúp”, Trưởng đại diện UNICEF tại khu vực Trung, Đông Âu và Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) Marie-Pierre Poirier nhấn mạnh.
Không thể biết con số chính xác trẻ vị thành niên không đi cùng người lớn hoặc bị tách khỏi gia đình trên hành trình tỵ nạn, tuy nhiên theo UNICEF, tại Thụy Điển có 35.400 trẻ em (đa phần người Afghanistan), còn ở Đức thì có 60.000 (chủ yếu đến từ Syria, Afghanistan và Iraq) đang chờ được tỵ nạn.