Đức: TĂNG VỌT NHỮNG HÀNH VI PHẠM TỘI NHẰM VÀO NGƯỜI XIN TỴ NẠN
Thứ sáu - 29/01/2016 17:53
(NCTG) Theo thông tin từ Cục Hình sự Liên bang Đức (BKA), nếu so với năm 2014 thì trong năm ngoái, con số những hành vi phạm tội và tấn công bạo lực nhằm vào người xin tỵ nạn tăng gấp năm lần, trong khi con số những hành vi phạm tội do người xin tỵ nạn gây ra chỉ tăng chút đỉnh.
Từ cuối hè năm ngoái, người Đức bắt đầu để tâm tới người xin tỵ nạn và những thống kê liên quan đến trình độ học vấn và tỷ lệ phạm tội của họ
Cụ thể, những hành vi phá phách và kích động hằn thù, cũng như những vụ tấn công bạo lực nhằm vào người xin tỵ nạn trong năm ngoái tăng vọt, từ 199 năm 2014 lên tới 1.005. Trong đó, riêng con số những vụ tấn công bạo lực là 173 (năm 2014 là 28 vụ), và đặc biệt, những vụ phóng hỏa tăng mạnh từ 6 vụ (năm 2014) lên 92 vụ (năm ngoái).
Trong đó, theo BKA, tính theo mức độ tăng vọt của người xin tỵ nạn tại Đức trong năm ngoái, thì con số những hành vi phạm tội do họ gây ra chỉ tăng chút đỉnh. Những số liệu chính xác và cụ thể chưa được BKA thông báo, nhưng Bộ Nội vụ Liên bang chuẩn bị công bố một thống kê về tình trạng phạm tội của người ngoại quốc ở Đức.
Mục đích của tờ trình kể trên, là để công luận có thể có sự nhìn nhận khách quan hơn trong cuộc tranh luận gay gắt nổ ra từ đầu năm nay, liên quan tới những cuộc tấn công và quấy rối tình dục, cũng như những vụ cướp bóc, bạo lực xảy ra ở Köln và một số thành phố khác ở Đức đêm Giao thừa, mà các nghi can đa phần là người xin tỵ nạn.
Trước mắt, Cục Hình sự Liên bang cho hay, chừng hai phần ba số các hành vi phạm tội do người xin tỵ nạn gây ra tại Đức là trộm cắp, cướp bóc tài sản, và tỷ lệ các vụ bạo lực tình dục chưa đến 1%. Ngoài ra, các nhân viên điều tra đã tìm hiểu 244 thông tin - và điều tra trong 19 trường hợp - liên quan tới việc có thể có những phần tử khủng bố hoặc tội phạm chiến tranh trà trộn trong số những người xin tỵ nạn.
Là cơ quan cảnh sát có thẩm quyền điều tra rộng nhất tại Đức, BKA có rất nhiều kinh nghiệm trong việc phòng chống tội phạm. Theo trải nghiệm của họ, người xin tỵ nạn đến từ Syria và Iraq (chiếm đa số trong cộng đồng người xin tỵ nạn ở Đức) hầu như không khiến cảnh sát phải bận tâm, nhìn chung họ không có gì nổi bật xét trên góc độ hình sự học.
“Có vấn đề” nhất đối với cảnh sát Đức là nhóm Bắc Phi, đến từ khu vực Maghreb, đặc biệt là nhóm trẻ vị thành niên không có người lớn đi kèm. Theo các nhân chứng và nạn nhân, các thủ phạm sách nhiễu tình dục đêm Giao thừa ở Köln đa phần cũng là những thanh, thiếu niên Bắc Phi.
(NCTG) “Lần đầu tiên tôi thấy hơi thở của mình, sự hiện diện của mình trong cái công việc nhỏ bé đó mà không nghĩ tới bất kỳ điều gì khác. Thật là vi...
(NCTG) Tình hình dịch bệnh cũng không thuận lợi cho các cặp đang yêu: theo một khảo sát được thực hiện với ứng dụng nghiên cứu thị trường Opinio, hầu...