Đáng buồn hơn nữa là số người bỏ mạng trên biển khơi cũng đạt kỷ lục: 4.960 người, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, và con số trong thực tế chắc chắn còn cao hơn vì không ai có thể thống kê được bao nhiêu “thuyền nhân” đã liều mình trên những con thuyền có sức chứa nhỏ hơn nhiều.
Hiện tại, có 176 ngàn người đang xin tỵ nạn ở Ý. Đa số người vượt biển tới Ý là đến từ Nigeria: có 36 ngàn người xuất thân từ đất nước đông dân nhất của châu lục đen (176 triệu) và có phân nửa cư dân theo Ki-tô giáo. 20 ngàn đến từ Eritrea, xứ sở cũng có chừng 50% cư dân theo Ki-tô giáo, và 12 ngàn đến từ Guinea, nơi chủ yếu là người Hồi giáo.
Làn sóng di dân tới Ý lại bùng lên kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ thỏa thuận với Liên Âu về việc xử lý người di dân bất hợp pháp vào EU, và các nước ở khu vực Balkans - sau khi Hungary cho dựng hàng rào ở biên giới phía Nam với Serbia - đã cho chặn các tuyến đường tới Tây Âu, mà người di dân có thể dễ dàng đi trong năm ngoái.
Tuy nhiên, thỏa thuận trị giá 3 tỷ Euro giữa EU và Ankara rất có thể sẽ bị vô hiệu hóa sau khi, ngày càng có vẻ là những cuộc thương thuyết về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên Âu sẽ bị “bỏ đó”. Bị buộc tội “bê-tông hóa quyền lực”, Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan chỉ trích EU, NATO và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, và “dọa” rằng thay vì gia nhập Liên Âu, nước này sẽ tìm đồng minh ở Phương Đông.
Trong một diễn biến có liên quan, Thứ trưởng phụ trách vấn đề hội nhập Châu Âu trực thuộc Bộ Tư pháp Ukraine, ông Sergiy Petukhov cho rằng nước này có thể tự nguyện nhận “suất” tỵ nạn theo hạn ngạch của một số nước Châu Âu, đổi lại, Liên Âu cần ghi nhận biểu hiện mang tính đoàn kết đó và chấp nhận miễn thị thực vào EU cho công dân Ukraine.
Trước đây, nhiều chính khách Ukraine đã đề xuất, nước này có thể nhận vài trăm ngàn người di dân đang muốn vào Châu Âu và thu xếp để họ sinh sống ở vùng Chernobyl, nơi vẫn còn nhiễm phóng xạ (ảnh hưởng của thảm họa năm 1986), nhưng đã có thể cho cư dân sinh sống (ngoại trừ khu vực gần lò phản ứng hạt nhân).
Cũng trong hồ sơ tỵ nạn, Đức và Cộng hòa Czech thỏa thuận sẽ hỗ trợ người tỵ nạn ở Jordan để họ “bớt hứng” sang Châu Âu. Trong cuộc họp báo chung, Cố vấn Thủ tướng Czech, ông Vladimír Spidla và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Michael Roth bày tỏ niềm tin, rằng sự ủng hộ trực tiếp ngay tại Cận Đông cho người tỵ nạn có thể là một bước tiến dẫn tới giải pháp xử lý khủng hoảng di dân.
Thứ trưởng Michael Roth nhấn mạnh, Praha và Berlin không muốn chống lại người tỵ nạn, mà muốn chống lại những nguyên nhân khiến họ lên đường hàng loạt sang Châu Âu. Trong những năm qua, tiếp nhận người tỵ nạn nhiều nhất không phải là Liên Âu, mà là những nước như Jordan, Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ, do đó các thành viên EU cần cố gắng giúp đỡ các quốc gia đó bình ổn tình hình, ông Michael Roth phát biểu.