TỰ DO BÁO CHÍ Ở PHẦN LAN

Thứ hai - 05/12/2016 03:55

(NCTG) Tại Phần Lan, quốc gia nhiều năm liền dẫn đầu trong bảng xếp hạng những nước có nền báo chí tự do nhất, một bê bối truyền thông và chính trị đang ám ảnh ngay trước lễ kỷ niệm lập quốc.

Thủ tướng Juha Sipillä đang bị coi là can thiệp vào sự độc lập của truyền thông - Ảnh: Iltalehti.fi

Thủ tướng Juha Sipillä đang bị coi là can thiệp vào sự độc lập của truyền thông - Ảnh: Iltalehti.fi

Chỉ còn mấy ngày nữa thôi là nước Cộng hòa Phần Lan tròn 99 tuổi. Cũng như mọi năm, những ngày này hàng triệu người dân đang hồi hộp chờ đón dạ tiệc mừng Quốc khánh được truyền hình trực tiếp qua nhiều kênh truyền hình và là chương trình được nhiều người xem nhất hàng năm.
 
Nhưng năm nay, bất ngờ một scandal liên quan đến Thủ tướng Juha Sipillä và Giám đốc điều hành Cơ quan Phát thanh và Truyền hình Phần Lan (YLE) đang bao phủ bầu không khí chính trị nước này. 
 
Sự việc bắt đầu từ việc cách đây khoảng hai tuần, khi truyền hình nhà nước YLE đưa tin về một công ty cơ khí do những họ hàng Thủ tướng Juha Sipilä làm chủ nhận được hợp đồng cung cấp thiết bị trị giá 500.000 Euro cho một công ty khai thác khoáng sản của nhà nước.
 
Sau khi tin này được phát đi và đăng tải trên mạng của YLE, có rất nhiều ý kiến bình luận và đặt vấn đề: liệu vị thủ tướng của họ có tí liên quan gì đến bản hợp đồng đó không? Juha Sipilä đã phủ nhận sự liên quan của mình và cho rằng truyền thông đã đưa tin không công bằng, khiến ông cũng như họ hàng không giữ được bình tĩnh. 
 
Giới truyền thông Phần Lan cho rằng Thủ tướng Juha Sipilä đã can thiệp vào công việc của truyền thông khi gửi email cho Tổng biên tập (TBT) của YLE là Atte Jääskeläinen và phóng viên (PV) của hãng là Salla Vuorikoski, bày tỏ sự không hài lòng của ông về bản tin của YLE.
 
Hôm thứ Năm tuần trước, PV Vuorikoski đã công bố trao đổi email giữa cô và của Thủ tướng Sipilä trên facebook của mình, đồng thời dẫn lại lời của Sipilä viết rằng “tin của YLE đã thiên vị và thậm chí không cần một sự phản biện”. Sau đó, phóng viên này còn nói thêm là cô quyết định công khai các email này khi không có sự đồng ý của Ban biên tập YLE.
 
Thủ tướng Sipilä còn liên quan đến một số thảo luận qua email với TBT Jääskeläinen về việc Sipilä từ chối cuộc phỏng vấn trực tiếp đã lên kế hoạch với một chương trình của YLE mà ông đã nhận lời. Sau các thảo luận đó với Sipilä, người ta ít thấy TBT Jääskeläinen xuất hiện trong các sự kiện của YLE làm dấy lên nghi ngờ rằng ông chịu sức ép từ email của Sipilä.
 
Phóng viên thực hiện chương trình bị từ chối của Sipilä đã yêu cầu sếp YLE phải trả lời phỏng vấn trực tiếp, dù đang công tác ở Copenhagen, để thế vào cuộc phỏng vấn. Sau cuộc phỏng vấn này người ta mới vỡ lẽ là Sipilä đã gửi một loạt email cho TBT của YLE liên quan đến tin trên.
 
Lãnh đạo và các nghị sĩ thuộc các đảng đối lập đã chỉ trích Thủ tướng Sipilä cũng như TBT của YLE quanh vụ việc này và đề nghị làm rõ. Chủ tịch Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo đề nghị công khai những email mà Sipilä đã gửi cho Giám đốc YLE trong thời gian gần đây.
 
Báo “Helsingin Sanomat”, nhật báo lớn nhất của Phần Lan cũng vừa tiết lộ rằng mùa xuân vừa rồi, Thủ tướng Sipilä cũng gửi một số email cho YLE khiến Ban điều hành YLE hạn chế việc đưa tin có liên quan tới công ty của họ hàng ông ta. Một số PV, BTV có uy tín của YLE cũng tiết lộ họ bị ngăn cản không được để cập đến tin “nhạy cảm” này trong chương trình của họ và chỉ trích TBT YLE.
 
Nhìn chung, giới truyền thông Phần Lan cho rằng Thủ tướng Sipilä đã can thiệp tới sự tự do hoạt động của báo chí. TBT YLE mới đây đã thừa nhận rằng YLE đã quá thổi phồng khả năng lãnh đạo của Juha Sipilä từ khi ông trở thành thủ tướng.
 
YLE là Cơ quan Phát thanh và Truyền hình Nhà nước Phần Lan được thành lập năm 1926, hoạt động độc lập với chính phủ, do Nghị viện Phần Lan quản lý. Ủy ban Hành chính gồm 21 thành viên đều là Nghị sĩ của Nghị viện.
 
Trong nhiều năm liền, Phần Lan luôn dẫn đầu trong danh sách tự do báo chí trên thế giới và truyền thông nước này được coi là hoạt động độc lập nhất. Năm 2013 nữ thủ tướng đầu tiên của Phần Lan - bà Anne Jäättenmäki (nay là nghị sĩ của Nghị viện EU) đã phải từ chức sau hơn hai tháng tại nhiệm vì bị giới truyền thông phát giác có liên quan tới việc sử dụng thông tin bí mật của nhà nước trong việc tranh cử.
 
Không biết scandal chưa có hồi kết này có làm lung lay chiếc ghế của Juha Sipilä - vị thủ tướng từng được thế giới biết đến với việc từng ngồi trong toilet máy bay - hay không?
 

Võ Xuân Quế, từ Helsinki


 
 Từ khóa: tự do báo chí
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn