NHỮNG CÂU CHUYỆN HỒ GƯƠM (1)

Thứ tư - 12/12/2012 01:46

(NCTG) Người biểu tình gọi đó là những ngày ”Chủ nhật tươi hồng“, còn tôi gọi hôm đó là “Ngày Chủ Nhật Đen”.


Biểu tình yêu nước tại Hà Nội ngày 21-8-2011 - Ảnh tư liệu

21-8-2011.

Sáng nay mưa thu. Tôi đội ô khảo sát một vòng Hồ Gươm, thấy mình giống người xem kịch đến sân khấu trước giờ biểu diễn, thấy phông màn đạo cụ diễn viên còn đang tíu tít hồi hộp trước giờ G. Sân khấu lớn Hồ Gươm chuẩn bị cho người Hà Nội diễn một vở kịch lớn. “Nhưng kịch bản đã được duyệt rồi - Và đoạn kết con đường không tránh khỏi” (1) - câu thơ trong bài thơ “Hamlet” của Boris Pasternak vang lên.

Tôi đi theo sau đám diễn viên quần chúng áo xanh đồng phục, đi qua những sân khấu nhỏ đạo cụ phục trang rộn rã cờ quạt, đi qua những bịt bùng xe cảnh sát, những lố nhố quán cà phê lố nhố đàn ông chẳng cần giấu nhiều chùm sao trên ve áo. Và nhạc. Và nhảy nhót. Và vỗ tay reo hò đám hậu duệ hồng vệ binh. Sắp đến ngày Quốc khánh. Đâu đâu cũng rực rỡ cờ hoa.

Tôi đi trong mưa, câu thơ Trần Dần nhỏ từng giọt lạnh: “Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà - chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ”. Tôi dừng lại quán cà phê đầu đường Bảo Khánh đông nghịt đàn ông mặt mày căng thẳng, gọi ly cà phê take away. Có tiếng chuông điện thoại réo rắt. Nửa đám đàn ông trong quán vội vã kéo nhau đi.

Bắt đầu rồi! Tôi nhảy vội lên taxi, nghe vọng đến tiếng hô vang từ phía bên kia Bờ Hồ. “Hoàng Sa - Trường Sa - Việt Nam”. Ngăn đường, ngăn cả khách bộ hành. Cậu lái taxi văng tục thả tôi xuống đầu đường Nguyễn Xí.

Đám khán giả bất đắc dĩ ngao ngán quành lối khác hoặc sợ hãi phóng vụt qua. Còn trơ lại những diễn viên chính với “hàng nghìn ống nhòm đang điều chỉnh chĩa vào tôi” (2). Tôi dễ dàng vượt qua hàng rào an ninh phố sách lậu bằng một lời nói dối thật lòng. Tôi thấy mỗi tôi bước trên lòng đường bữa nay rộng thênh.


Giải tán biểu tình ngày 21-8-2011- Ảnh tư liệu

Một chiếc xe buýt phóng đến. Xe bắt người biểu tình! Một cánh tay cố vươn ra khỏi cửa sổ, vung nắm đấm lên trời cùng tiếng thét giận giữ. Gương mặt người thanh niên, chủ nhân của nắm đấm, trẻ măng, quất vào tôi cái nhìn nảy lửa. Choáng váng. Như bất ngờ ăn một nắm đấm giữa mặt. Trái tim nhảy nhót loạn nhịp. Tôi dừng lại, nhìn hút theo chiếc xe bắt người. Không kịp mất rồi.

Nắm chặt ly cà phê vừa đi vừa chạy. Bậc thềm Bưu điện Bờ Hồ khán giả khoanh tay hoang mang nhợt nhạt. Bên kia đường đang diễn ra hoạt cảnh cuối. Ba, bốn hay năm người đàn ông vây lấy một cậu thư sinh áo phông đỏ. Cậu cố bám vào một gốc cây nhỏ oằn xuống. Chiếc túi vải sinh viên khoác vai văng ra. Khi tôi tràn được lên sân khấu cũng là lúc màn hạ. Chiếc xe buýt cuối cùng chở đi người diễn viên cuối cùng. Rùng mình ớn lạnh.

Thập thõm bước trên vỉa hè rộng, như mất hồn, tôi nghe tiếng nhạc từ nãy im bặt nhường cho tiếng loa cảnh sát giờ lại rộn rã cất lên từ phía sân khấu tượng đài Lý Thái Tổ. “Mùa xuân này về trên quê ta, khắp đất trời biển rộng bao la”. Đi thêm vài phút, lại một sân khấu nữa xoay lưng vào tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Chàng ca sĩ áo trắng nhảy nhót hò hét cổ vũ đám khán giả áo xanh lèo tèo: “Nào, các bạn ơi, các bạn có muốn tôi hát nữa không? Xin hãy vỗ tay cho tôi, các bạn ơi…”.

Tôi dừng lại trước cửa đền Ngọc Sơn, nhận lời mời chụp ảnh với điều kiện, phải chụp cho tôi hậu cảnh sân khấu độc diễn của đám hậu duệ Hồng Vệ Binh. Mười phút sau, ngắm tấm ảnh, tôi giật thót, thấy hằn trên gương mặt mình nét cười dã thú.

Tôi xé nhỏ tấm ảnh, thả bụi giấy trĩu nặng xuống Hồ Gươm dấu yêu.

Xem tiếp Phần 2 của bài viết.

Ghi chú:

(*) Trích trong tập “Thơ Boris Pasternak” (Thanh Thảo, Phạm Vĩnh Cư, Việt Thương và Thụy Kha dịch, Sở Văn hóa và Thông tin Phú Khánh, 1987).

Bùi Mai Hạnh, từ Úc


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn