Bê bối “treo đầu bò, bán thịt ngựa”: ROMANIA TRONG TẦM NGẮM CỦA EU

Thứ hai - 18/02/2013 22:30

Hơn một tuần qua, nền công nghiệp thực phẩm và công luận Châu Âu dậy sóng vì vụ bê bối tầm cỡ quốc tế, khi thịt ngựa giả thịt bò đã được cung cấp cho nhiều công ty chế biến rồi đến tay người tiêu dùng thông qua các tập đoàn chuyên bán đồ ăn đông lạnh.


Lộ trình giả định (theo những thông tin sơ bộ) của thịt bò giả trong bê bối thực phẩm tầm cỡ Châu Âu - Ảnh: “Le Figaro”


Nhắc lại một số diễn biến gần đây, chính quyền Pháp đã cáo buộc công ty chế biến thực phẩm Spanghero ở miền Tây Nam nước Pháp trong thời gian nửa năm qua đã bán 750 tấn thịt ngựa cho các đối tác, nhưng lại ghi trên hóa đơn chứng từ là thịt bò. Trong số đó, 550 tấn đã được sử dụng để chế biến chừng 4,5 triệu hộp thức ăn nấu sẵn dán nhãn Comigel, một hãng chế biến thuộc sở hữu Pháp nhưng có trụ sở tại Luxembourg.

Comigel đã cung cấp đồ ăn đông lạnh cho 13 nước ở Châu Âu thông qua 28 tập đoàn chuyên bán loại đồ ăn này, trong đó có Findus là hãng nổi tiếng của Thụy Điển chuyên bán sỉ các sản phẩm thực phẩm đông lạnh cho các hệ siêu thị ở rất nhiều quốc gia Châu Âu. Bê bốt “ngựa giả bò” đã bị phát hiện trong sản phẩm của Findus mà chi nhánh Pháp của tập đoàn này tiêu thụ tại Anh - Findus tuyên bố bên cạnh người tiêu dùng thì họ cũng là nạn nhân vì họ không hề biết sự tình.

Trước mắt, từ gần 1 tuần nay, hãng Spanghero đã bị tạm thời rút giấy phép hoạt động và bị buộc tội lừa đảo người tiêu dùng. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo tập đoàn này từ đầu đến cuối vẫn cho rằng mình vô tội, và rằng sự lừa đảo đã diễn ra ở nơi khác. Quả thực, theo điều tra sơ bộ của chính quyền, trong trường hợp của Findus, trước khi tới tay công ty Spanghero thì thịt được nhập để chế biến thực phẩm đông lạnh đã đi theo một con đường dài, xuất phát từ Romania và hai trung gian chuyên chở của Hà Lan và Síp.

Romania và “nghi án” về lò mổ gian dối

Rất nhanh chóng, Spanghero đã cho biết họ sẽ đệ đơn kiện các lò mổ Romania vì theo họ, thịt ngựa giả bò có nguồn gốc từ đó, tuy rằng trước mắt chưa có bằng cứ gì thật thuyết phục, bởi lẽ trên cương vị thành viên Liên hiệp Châu Âu, thịt được dán nhãn chung chung là “Châu Âu” khi tung ra thị trường. Nhiều chuyên gia trong công nghiệp thực phẩm của Romania cũng nhanh chóng lên tiếng bác bỏ cáo buộc trên.

Chủ tịch Nghiệp đoàn các nhân viên trong ngành Công nghiệp Thực phẩm Romania, ông Dragoş Frumosu tuyên bố: các sản phẩm thịt khi xuất khẩu được phía Romania kiểm tra thường xuyên, nhưng khi nhập hàng phía nhà nhập khẩu Pháp cũng có bổn phận kiểm tra chất lượng hàng. Ông Frumosu cho rằng việc đánh tráo nhãn hàng cũng có thể được thực hiện sau đó bởi bên nhập hàng.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Romania, ông Daniel Constantin cũng bán tin bán nghi về chuyện thịt bò giả được nhập từ nước ông khi chưa có một cơ quan chức năng nào kết luận điều đó, mà đây mới chỉ là khẳng định của hãng Spanghero đang bị kết tội. Ông bộ trưởng nói thêm: các cơ quan chức năng Romania đã kiểm tra hai lò mổ bị cáo buộc ở nước này, và một trong hai lò mổ đó không hề xuất khẩu thịt bò sang thị trường Châu Âu.

Ngoài ra, hai hãng này đều có giấy phép để hoạt động lò mổ ngựa. Vị bộ trưởng cho biết thêm, thông qua các trung gian, hai hãng của Romania có xuất khẩu thịt ngựa sang EU, nhưng không phải là cho các doanh nghiệp đang dính dáng tới bê bối này của Pháp. Ngoài ra, trước khi được “xuất ngoại”, thịt ngựa phải trải qua 4 cuộc kiểm tra về an toàn thực phẩm tại Romania và như thế, khả năng dán nhãn sai (để biến thành thịt bò) là không đáng kể.

Ông Sorin Minea, Chủ tịch Hội Romalimenta tập hợp các doanh nghiệp trong công nghiệp thực phẩm Romania thì cho rằng, phía Pháp phải biết họ chế biến thịt gì vì thịt bò có vị, màu sắc và thành phần khắc hẳn thịt ngựa. Theo lời ông, ở Romania có ba lò mổ xuất khẩu thịt ngựa sang EU theo đặt hàng của các hãng Ý và Pháp - ông cho rằng vì lý do tài chính, phía Pháp đã đặt thịt ngựa thay cho thịt bò vì nó rẻ hơn. (Theo những tính toán, khoản lời do sự đánh tráo này lên tới 550 ngàn Euro).

Giữa chừng, Tổng thống Traian Basescu lưu ý rằng Romania có thể phải đối mặt với việc hạn chế xuất khẩu và có thể đánh mất sự xác tín “trong nhiều năm”, nếu chứng tỏ được rằng các lò mổ của nước này phải chịu trách nhiệm trong bê bối lớn này.

Tại sao Đông Âu?

Song song với nghi án về lò mổ gian dối ở Romania, một nghi vấn khác về sự hiện diện của mafia Đông Âu sau bê bối thực phẩm này cũng đã được báo chí Anh đưa ra. Tờ “Người quan sát” (The Observer) của Anh viện dẫn các chuyên gia trong công nghiệp chế biến thịt và cho rằng các nhóm tội phạm có tổ chức của Ý và Ba Lan có vai trò trong thương vụ này. Xét về mặt lâu dài, chắc chắn lòng tin của Tây Âu đối với các sản phẩm nông nghiệp - đặc biệt là thực phẩm - đến từ các nước thuộc vùng Đông Âu sẽ giảm sút đáng kể.


Một cửa hàng bán thịt ngựa tại Pháp - Ảnh: Charles Platiau (Reuters)


Câu hỏi được đặt ra là tại sao người tiêu dùng và công luận Tây Âu nói chung lại có ác cảm với Đông Âu đến nỗi khi chưa có bằng chứng cụ thể cũng đã có thể tin ngay vào những lời cáo buộc trong vụ này? Lý do được nêu ra không ngoài chuyện giá cả: các hãng chế biến thịt luôn gây áp lực cho các nhà cung cấp để nhận được thịt với giá cả rẻ nhất, và thịt rẻ ở đây thường được cho là thịt nhập từ hai nước Đông Âu là Romania hoặc Ba Lan.

Một doanh nghiệp Ireland chuyên cung cấp thịt cho các xưởng chế biến cho hay, nếu mua thịt từ Đông Âu, mỗi một xe tải thịt như vậy có thể “tiết kiệm” được 5-10 ngàn Euro. Như vậy, cho dù chưa cần phải gian dối đi nữa thì Đông Âu đã là nơi cung cấp thịt với giá rẻ cho các tập đoàn thực phẩm lớn ở Châu Âu. Một lý do nữa, khá đặc thù của Romania là mới đây, nước này cấm lưu thông xe ngựa kéo trên các tuyến đường quốc lộ, nên hàng triệu con ngựa đã bị đưa vào lò mổ - đây có thể là tiền đề cho thương vụ “ngựa giả bò” nói trên..

Tuy nhiên, có lẽ vấn đề chính ở đây vẫn là, con đường để thịt ngựa hay bò từ Đông Âu tới những tập đoàn chế biến Châu Âu thường vòng vèo và rất khó kiểm định từng khâu. Bản thân các nước Đông và Nam Âu vẫn bị coi là còn chậm phát triển và nhiều khi không tuân thủ đầy đủ theo luật định các bổn phận về an toàn thực phẩm, đảm bảo chất lượng, v.v... - cho nên nếu các công đoạn của quá trình chế biến sản phẩm diễn ra tại quá nhiều nơi, thông qua quá nhiều bước trung gian, thì khả năng giả mạo sẽ tăng.

Do đó, một số ý kiến đã được đề xuất, đề nghị minh bạch hóa những dích dắc trong việc vận chuyển và chế biến các sản phẩm trong công nghiệp thực phẩm, để chính quyền có thể dễ dàng nhận diện và tìm ra thủ phạm những khi có vấn đề. Một giải pháp khả dĩ được đưa ra: cần thâu tóm các công đoạn sản xuất về các quốc gia bản địa, đặt chúng dưới sự kiểm nghiệm nghiêm khắc để đảm bảo xuất xứ của sản phẩm, đồng thời, tăng công ăn việc làm cho người lao động bản xứ.

Những bài học của bê bối “treo đầu bò, bán thịt ngựa”

Để trấn an dư luận trong bê bối này, báo chí Đông Âu - bên cạnh việc nhấn mạnh tính vô can của nước họ - còn nhắc tới việc thịt ngựa thực ra là một loại thịt giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe con người và đối với một số sản phẩm thực phẩm, một số món đặc sản, thì nó còn là nguyên liệu quý. Ăn thịt ngựa chỉ hại nếu trước khi vào lò mổ, ngựa đã bị dùng một số loại thuốc như kháng sinh, kích thích và giảm viêm nhiễm - nếu thời gian chờ đợi bắt buộc chưa trôi qua thì sẽ gây hại cho sức khỏe con người.

Như vậy, vấn đề ở đây không hẳn và không chỉ là an toàn thực phẩm, cho dù an toàn vệ sinh thực phẩm ở mức tuyệt đối luôn là yếu tố và đòi hỏi được các cơ quan chức trách để tâm. Bài học đặt ra trước hết là sự khủng hoảng về lòng tin của người tiêu dùng tại một thị trường được coi là nghiêm khắc bậc nhất thế giới trên góc độ sức khỏe người dân, khi những gì họ bỏ tiền mua không có nội dung đúng như được ghi trên nhãn, mác.

Cũng chủ quan nên đã từ lâu nay, các cơ quan kiểm định thực phẩm của Anh và Ireland đã không tiến hành kiểm tra, dẫn đến việc người dân hai xứ này có thể đã phải ăn thịt ngựa thay cho thịt bò trong nhiều sản phẩm, đông lạnh. Điều này đặc biệt khó xử ở Vương quốc Anh, xứ sở của ngựa đua, nơi mà theo các truyền thống việcăn thịt ngựa bị coi là cấm kỵ. Do đó, khủng hoảng đang xảy ra còn liên quan tới vấn đề đạo đức trong kinh doanh, và cũng là bài học cho cơ quan chức năng.

Giải pháp then chốt được đưa ra trong vụ này, có thể là sự kiểm tra chặt chẽ và thường xuyên chất lượng sản phẩm, bên cạnh việc đề rõ xuất xứ. Thống kê do một tổ chức bảo vệ người tiêu dùng châu Âu đưa ra mới đây cho thấy 90% số người được hỏi không vừa ý với việc các sản phẩm chỉ đề chung chung là “sản xuất tại Châu Âu”, bởi lẽ họ muốn biết rõ đó là hàng của nước nào để cân nhắc về mặt chất lượng và độ an toàn.

Tình hình này có thể được cải thiện từ tháng 12 năm 2014, khi một quyết định của Ủy ban Châu Âu được đi vào thực thi, quy định việc ghi rõ ràng nơi xuất xứ của 5 loại thịt và tất cả các loại sữa.

Cũng liên quan tới vấn đề này, khái niệm người tiêu dùng có ý thức được chú trọng, cổ vũ việc người dân cần có sự quan tâm hơn nữa đến những gì mình bỏ tiền ra mua. Một thăm dò cho thấy mới chỉ 25-30% người tiêu dùng để ý tới những thông tin về sản phẩm - trong số đó, dân Pháp và Thụy Điển được coi là khá kỹ tính. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khùng hoảng tài chính toàn cầu hiện tại, một bộ phận không nhỏ cư dân đành chấp nhận chọn những mặt hàng rẻ nhất, đồng nghĩa với nguy cơ phải đối mặt với hàng giả, như trong trường hợp thịt ngựa giả bò kể trên.

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Hoàng Nguyễn, từ Budapest


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn