Minh họa: Internet
Thỉnh thoảng, tôi lại ra công viên đó, ngồi xuống với họ, uống cùng nhau bịch trà đá, ngó Sài Gòn lên đèn. Tôi cảm ơn họ, vì họ đã tin tưởng tôi như tôi tin tưởng họ - những con nghiện, những người lao động tình dục giữa thành phố này.
Phần 1: Chị P.
Đang ngồi cắt dựng phần âm thanh cho mấy đoạn phim tự truyện, H. chạy vào, vỗ vai tôi.
- Chị, chị! Chị P. bị bắt chung với con T. rồi. Họ đưa đi lên trại đó chị.
- Ui cha, rồi sao giờ ta?
- Thì chưa biết bao giờ nó thả nữa.
- Mình có đi thăm chị P. được không em?
- Không đâu chị ơi, phải là gia đình mới đi thăm được. Chứ chị P. thì sống ngoài công viên lâu rồi, gia đình chỉ có biết gì đâu.
H. lại ra ngoài. Tôi ngồi bần thần trước bàn dựng âm thanh. Chị P. là một người tham gia trong cộng đồng làm phim tự truyện của chương trình chúng tôi đang làm. Chị là người ít ấn tượng nhất trong nhóm với vẻ còm cõi, nhỏ thó, mặt già đanh, lúc nào cũng lừ đừ, hỏi chuyện không trả lời. Bao giờ cũng vậy, khi hỗ trợ viên trò chuyện, gợi ý cho câu chuyện của chị thì chị luôn nói theo cùng một ý: “
Tôi là người nghiện xì ke, tôi bị HIV, và tôi rất ân hận vì điều đó. Tôi chỉ muốn làm sao cho hết bịnh để làm lại cuộc đời mình”.
Cứ như vậy, chị hỗ trợ viên nhiệt tình của Trung tâm truyền thông sức khỏe cũng đành chịu, trong khi thách thức của dự án đặt ra là những người tham gia phải chia sẻ về cuộc sống của họ, cùng những hiểu biết về bệnh tật và cách phòng chữa bệnh theo như họ biết. Tôi quyết định tham gia vào trường hợp này.
Vừa thấy tôi, chị quăng ánh mắt lờ đờ rồi cụp mắt xuống, nhìn xuống bàn chân gân guốc của mình, dựa sát vào tường như thủ thế. Tôi đứng dậy, pha một hai ly cà phê, đưa cho chị một ly.
- Chị P. uống đi.
- Cảm ơn.
Chị lạnh lùng cầm lấy ly cà phê, để sang một bên.
- Có nhiêu tui kể hết rồi đó. Cuộc đời tui chỉ có vậy thôi à.
- Không. Em qua đây là để em kể chuyện đời em cho chị nghe.
Chị thoáng ngạc nhiên, và từ đó, chị thỉnh thoảng liếc nhìn tôi thay vì nhìn xuống đất.
- Em tên Phương. Chị biết rồi đó, em phiên dịch cho lớp này, và cũng là hỗ trợ viên như mấy anh chị khác. Em cũng biết chị có H, vì chương trình của mình làm với bệnh nhân H+ mà. Em biết điều này rất khó khăn với chị, nhưng ai cũng có bệnh, không bệnh này thì bệnh kia, ở giai đoạn này hay giai đoạn khác mà thôi. Em cũng có bệnh, em bị viêm gan siêu vi B. Chị biết bịnh này chớ?
- Ờ… cũng nghe nói chớ không rõ lắm.
- Bệnh này cũng lây truyền qua ba đường chính như HIV thôi. Em cũng không biết là em lây từ bạn trai của mình trước đây, hay do mẹ em truyền cho em nữa. Nhưng em không thắc mắc về điều đó, với em bây giờ, việc chính là em phải trị bệnh cho mình, và không để lây truyền cho người khác.
- Nhưng SIDA thì không chữa được đâu.
- Nhưng mình còn sống lâu hay nhanh là do mình thôi chị, phải giữ gìn sức khỏe chị ạ. Còn cụ thể hơn thì mình phải nói chuyện thêm với mấy chị bên y tế nè.
Chị P. bắt đầu có vẻ thoải mái hơn, cầm ly cà phê lên uống và nhìn tôi.
- Chán lắm em ơi. Chơi xì ke rồi là nghiện. Giờ quan trọng là phải có tiền để chích mỗi ngày 2 lượt. Tiền đâu mà lo chuyện thuốc thang.
- Mỗi ngày chị phải chích ít nhất 2 liều hả?
- Ừ. Có tiền thì hai liều, không đủ thì một liều chia làm đôi.
- Mỗi liều thì bao nhiêu tiền hả chị?
- Một trăm ngàn, cộng với mười ngàn xe ôm chở qua quận 4 nữa, với mười ngàn kim tiêm, nước pha nữa là một trăm hai mươi ngàn. Một ngày chị có thể không ăn, nhưng phải có đủ một trăm hai mươi ngàn.
Và chị bắt đầu kể, đụng đâu kể đó. Năm mười bảy tuổi, chị ra khỏi nhà đi bụi đời. Gia đình chị không biết chị là lesbian. Chị nói: tui khoái con gái thôi, hổng có thích con trai. Và vậy đó, chị luôn thấy không ai hiểu chị. Và đi bụi đời, làm gái, chích ma túy, buôn ma túy lẻ, vào trại, ra trại, chích tiếp và sống ngoài công viên cho đến bây giờ.
Mấy năm trước, trong một chương trình của trung tâm Chân trời mới, chị đã xét nghiệm và biết mình nhiễm H (*). Chị nói: “
Ờ thì cũng buồn chớ, nhưng mà chích thì cũng biết chắc là mình nhiễm rồi. Vậy nên có bao giờ đi khám làm gì cho phiền!”. Hôm sau, chị cầm tới xấp ảnh, khoe với tôi. Những tấm ảnh cũ, vẫn tóc cắt ngắn như con trai, trông chị mập và đầy sức sống hơn bây giờ.
- Nè, hồi năm 2000 nha, cái này nữa nà, hồi đó chị mập hông, đâu có như giờ.
Tôi cất những tấm ảnh để scan làm tư liệu cho bộ phim chung. Hôm sau nữa, chúng tôi hẹn chị ở công viên để ghi hình. Chị lúng túng cầm cành hồng tôi tặng vì hôm đó là ngày 20-10. Chị cười ngượng nghịu, nhét bông hồng vô cái ba lô đã cũ đựng tấm bạt ngủ và mấy bộ quần áo. Chị dắt chúng tôi quanh công viên, chỉ chỗ chị lượm rác kiếm sống, chỉ chỗ chị ngủ mỗi đêm, kể chuyện mỗi đợt truy quét.
Nhiệm vụ gợi mở cho chị kể chuyện của tôi đã hoàn thành nên tôi cũng ít nói chuyện với chị. Hôm ghi hình cho câu chuyện của chị L., một thành viên khác trong chương trình, chị L. hỏi tôi.
- Chớ em bị bịnh gì hả?
- Bịnh gì đâu, khỏe ru à!
- Thì con P. pê đê nó nói mày bịnh mà!
- À, thì bịnh gan, nhưng mà hổng có chết liền đâu mà lo, còn uống thuốc tốn tiền chán, bà chị ơi!
- Hèn gì. Hồi đêm tao đang ngồi nha, tự dưng thấy con P. nó ra giữa công viên đứng tế sống vậy á. Nó lẩm bẩm lầm bầm gì đó. Tao nói: chơ mày tế sống ai vậy? Hay cầu số đề mày? Nó nói: tui cầu cho cô Phương cổ hết bịnh. Thấy cổ hiền vậy mà sao cổ bịnh gì đó, giống như SIDA đó. Lạy trời cho cổ sống.
- Ui trời, vậy á!
Tôi kể cho vài người nghe, người ta nói mấy mụ đó bịa chuyện cho mày thương mấy bả mà cho tiền á. Nhưng tôi thì tin, bởi tôi nghĩ đơn giản là chẳng có gì không đáng tin trong chuyện này cả. Nguyên tắc làm việc của chúng tôi là không cho họ bất cứ khoản tiền nào từ túi cá nhân của mình cả, và họ cũng hiểu nguyên tắc đó. Số tiền họ nhận được là tiền từ chương trình, chi trả tương đương một ngày công lao động của họ mà thôi.
Sau hôm nhỏ H. đập vai, báo tin chị P. bị bắt được một ngày, tôi gặp người giới thiệu chị P. với chương trình. Tôi nhờ chị can thiệp với bên công an trật tự xã hội và quản lý trại cai nghiện cho tôi được thăm chị P. vì có lẽ thân nhân của chị sẽ không đến.
- Con P. hả, nó được thả rồi! Lần nào bắt đụng nó mà không thả. Chị quản lý nói tỉnh queo.
- Ủa, họ không tìm được bằng chứng chỉ bán ma túy hả?
- Vấn đề không phải là bằng chứng mà là ở chỗ không có ai bảo lãnh cho nó cai nghiện hết em ơi.
- Còn T.? T. được ra chưa?
- Không. T. còn bị giữ. Nhà nó giàu mà, có cái tiệm rửa xe. Nó mà cai nghiện là có má nó nuôi à!
À, thì ra là vậy. Biết chị về lại công viên nhưng mãi tới gần một tháng sau, tôi mới ra thăm chị. Tôi không hỏi chuyện chị lạy giữa công viên, cũng không hỏi chị chuyện bị bắt. Tôi mua hai ly cà phê, ngồi đó với chị, ngó người ta qua lại góc ngã tư, ngó khách sạn New World sáng sủa với những người phục vụ quần áo tinh tươm, ngó Sài Gòn lên đèn và ồn ào lướt qua chỗ hai chúng tôi đang ngồi.
(*) Tức HIV, H+ là HIV dương tính.