Kiểm tra khả năng nhiễm cúm mới bằng đo thân nhiệt - Ảnh: MTI/EPA
Những câu hỏi giản đơn, cần thiết và thú vị về bệnh cúm A/H1N1 - do mạng index.hu tổng hợp - sẽ giúp độc giả Việt Nam có thêm những thông tin xác tín, và tránh được sự hoang mang trước cơn bão thông tin về đại dịch này.
* Cúm có phải căn bệnh nguy hiểm chết người không?
Không, nhưng nó có thể gây tử vong.
* Thú vị. Tôi bị cúm bao lần, mà chả thấy… chết gì cả.
Một đợt cúm thông thường cũng có thể để lại hậu quả nặng nề. Sức đề kháng của cơ thể bệnh nhân yếu đi do phải chống chọi với vi khuẩn (virus), khi ấy, những căn bệnh truyền nhiễm do vi trùng (bacteria) gây ra cũng có cơ hoành hành (như viêm phổi, viêm cơ tim hay viêm màng não).
Đa phần những ca tử vong do cúm ứng với những người trên 65 tuổi, trẻ em dưới 2 tuổi, những người thể trạng ốm yếu hoặc đang có những căn bệnh khác.
* Có bao nhiêu người chết vì cúm?
Trên thế giới, hàng năm có trung bình 3-500 ngàn ca tử vong trong số 3-6 triệu người bị cúm. Theo những thống kê cho đến nay, trong số 1.000 người khỏe mạnh ở độ tuổi trên 65 bị cúm thì có trung bình 3 người tử vong, nhưng nếu họ có thêm 1 bệnh nữa thì xác suất tử vong tăng gấp 10, nếu 2 bệnh thì tăng 20 lần. Tỉ lệ tử vong của các bệnh nhân cúm dưới 65 tuổi chỉ vào khoảng 0,003-0,0015%.
* Và dịch cúm mới thì dễ gây tử vong hơn cúm “bình thường”?
Trước mắt thì chưa có gì khẳng định điều đó. Đa số các bệnh nhân nhiễm khuẩn A/H1N1 đều khỏi mà không có vấn đề gì.
* Thế sao tôi nghe người ta chết như rạ?
Làm gì có chuyện ấy! Trong hơn 1 tháng đầu, có 30 ca tử vong trong số 1.500 người được xác nhận chắc chắn là nhiễm cúm. Và, kể từ lúc bắt đầu xuất hiện hồi tháng 4, cho đến ngày 5-8, virus cúm A/H1N1 gây ra cái chết của 1.154 (tính trên toàn thế giới). Những con số ấy, xét trên tầm thế giới, không thể gọi được là “chết như rạ”.
* Những người thiệt mạng trước đó đều khỏe mạnh?
Không có những số liệu chính xác về điều này. Qua báo chí thì có thể thấy rằng, trong số những nạn nhân của cúm A/H1N1 hiện tại, tỉ lệ thanh niên và trung niên có lớn hơn ở các dịch cúm thông thường. Tuy nhiên, ở họ, cũng có thể phát hiện ra những căn bệnh khác nữa.
* Khi tất cả mọi sự mới bắt đầu, tôi nghe đài bảo rằng riêng ở Mexico đã có 150 người thiệt mạng trong tháng 4. Vậy, làm sao mà sau hơn 1 tháng, lại chỉ có 30 người chết???
Đúng là tính đến cuối tháng 4-2009, có 159 bệnh nhân qua đời vì viêm phổi ở Mexico. Nhưng từ dạo đó, các bác sĩ đã xác nhận được rằng đại đa số họ không nhiễm khuẩn cúm mới.
* Tỉ lệ tử vong của loại cúm mới này là cao hay thấp?
Nếu trong số đó có mẹ hay con bạn, thì nó hết sức cao! Tuy nhiên, xét trên phương diện dịch bệnh thì tình hình không có gì đáng lo ngại lắm. Một ví dụ: trước đây, có 421 người nhiễm cúm gia cầm (chủ yếu lan từ gia cầm sang con người), nhưng trong số đó có tới 257 ca tử vong. Đối với loại cúm mới này, trong những trường hợp bình thường, tỉ lệ tử vong cũng chỉ xấp xỉ 1%.
* Tính toán kiểu gì vậy? 30 ca tử vong trong số 1.500 người nhiễm cúm, chắc chắn không phải là 1%!
Những con số đó không có ý nghĩa gì nhiều. Bạn xem, một dịch cúm bình thường vào mùa thu, quanh bạn ai cũng sốt cao, đau đầu, ốm yếu… những có mấy ai đi khám bác sĩ đâu, chỉ ngồi nhà tự uống thuốc và điều trị thôi. Thành thử, trong đợt cúm mới này, các chuyên gia cũng tính rằng con số bệnh nhân thực sự phải hơn con số chính thức được biết đến tối thiểu là 10 lần.
* Thế loại cúm mới này thì có gì khác?
Những triệu chứng do loại virus A/H1N1 gây ra không khác gì mấy so với của bệnh cúm thông thường: sốt cao (trên 38 độ C), đau đầu, đau cơ khớp, đau họng, cảm giác yếu ớt mệt mỏi, sung huyết đường hô hấp, v.v… Một số trường hợp còn nôn ói, tiêu chảy.
* Nếu nói cúm H1N1 cũng đại loại như các loại cúm thông thường khác thì làm gì đến nỗi người ta phải bắt dân chúng đeo khẩu trang với cả dùng máy đo thân nhiệt?
Vì đây là một loại virus cúm hoàn toàn mới, chưa hình thành sự đề kháng tự nhiên ở bất cứ ai và trước mắt cũng chưa có vaccine ngừa chữa nào. Vì thế, thận trọng là hơn.
* Nhưng nơi tôi sinh sống đã có ai bị nhiễm đâu mà cần đề phòng?
Gần như chắc chắn là bất cứ nơi đâu cũng có thể xuất hiện loại virus A/H1N1 này. Không thể diệt trừ được nó.
* Thế nếu nó đã xuất hiện thì phải phòng chống như thế nào?
Tốt nhất là bạn tránh, đừng để bị nhiễm: tránh những đám đông, rửa tay thường xuyên và chừng mực trong mọi quan hệ gần gũi. Nếu đã bị nhiễm virus, có những loại thuốc kháng khuẩn có thể giúp bạn giảm sốt và ngăn chặn virus A/H1N1 trong cơ thể bạn. Nếu bạn bị những biến chứng, dùng các loại kháng sinh để chữa chạy là tốt nhất.
Vaccine có lẽ sẽ được toàn tất trong một thời gian ngắn, nhưng cũng có khả năng là cho đến khi ấy, virus A/H1N1 lại biến thể sang một chủng mới và giới y học lại phải lao đi tìm vaccine mới.
* Thế thì dễ có đại dịch trên toàn thế giới lắm nhỉ?
Thì có rồi đó: ngày 11-6-2009, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức công bố đại dịch cúm toàn cầu và nâng cấp báo động lến cấp 6 (cấp cao nhất).
* Vậy, liệu loài người có bị tuyệt chủng không?
Không. Đại dịch toàn cầu không có nghĩa là một căn bệnh chết người đang hoành hành. Khái niệm này chỉ có nghĩa là một loại virus lan tràn khắp thế giới và khiến nhiều người nhiễm bệnh.
* Tóm lại, như vậy là có một loại virus mới, nhưng không gây ra hậu quả gì trầm trọng hơn so với những loại cũ. Thế thì tại sao tôi lại phải sợ nó?
Bạn không nhất thiết phải sợ, nhưng các cơ quan y tế thì phải xem xét trên những khía cạnh khác nữa. Đại dịch toàn cầu không nguy hiểm vì “chết như rạ” mà bạn tưởng, mà vấn đề là cần phải tính đến chuyện sẽ có rất nhiều cư dân bị lây cúm. Ngay tại những quốc gia văn minh ở Châu Âu, giới y tế cũng cho rằng 25-35% cư dân có thể bị nhiễm bệnh. Như thế, theo tỉ lệ thì lượng tử vong cũng sẽ tăng, người dân thì phải ngồi nhà vì hoặc bị bệnh, hoặc phải chăm sóc con cái, thân nhân bị bệnh.
* Nhưng nếu có thể chữa và có thể vượt qua được căn bệnh cúm mới này, thì có gì là nghiêm trọng đâu?
Như đã nói ở trên, nếu đột ngột có một lượng người quá lớn không làm việc được, sự cung ứng, giao thông và kinh tế quốc gia sẽ ảnh hưởng mạnh. Các tính toán cho thấy một đại dịch toàn cầu có thể khiến tổng sản phẩm quốc gia trên toàn thế giới giảm 5-8%, cạnh đó, hệ thống y tế sẽ bị quá tải nặng nề, những khoản chi cho thuốc men tăng vọt, giao thông công cộng, du lịch và thương mại bị đình trệ.
Sự nghiêm trọng nằm ở chỗ đó!
(*) Bài viết đã đăng tại chuyên trang "Tuần Việt Nam" của mạng tin "VietNamNet".
Nguyễn Hoàng Linh (tổng hợp theo index.hu)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn