BELARUS VÀ NHỮNG HỆ LỤY LIÊN QUAN TỚI LENIN

Chủ nhật - 16/08/2009 00:18

(NCTG) Một thanh niên say xỉn tại Belarus trèo lên 1 pho tượng Lenin cao 6m, nhưng rồi đột nhiên pho tượng này vỡ tan tành khiến anh chàng bất hạnh tử vong.

Nhiều nơi trên thế giới còn lưu giữ tượng Lenin - Ảnh: Tượng Lenin tại Fremont (Seattle, Washington)

Tai nạn xảy ra vào thượng tuần tháng 8-2009 ở thành phố Uvarovichi (thuộc tỉnh Gomel, miền Đông Nam Belarus). Một nhóm thanh niên tụ tập nghỉ ngơi trước pho tượng người cha của cách mạng Nga 1917, đặt đối diện trường học địa phương.

Theo lời phát ngôn viên cảnh sát địa phương, trong trạng thái say xỉn, một thanh niên 21 tuổi leo lên bệ pho tượng cao 6m, được dựng từ năm 1939. Hứng chí, anh chàng này bám vào tay vị thủ lĩnh vô sản và đu người lắc lư trên không trung.

Điều không ai ngờ là pho tượng thạch cao đã có 70 năm tuổi này không chịu nổi trọng lượng của anh chàng bất hạnh và đổ sụp, vỡ tan thành nhiều mảnh.

Chàng thanh niên bị tượng đè và thiệt mạng trong bệnh viện vì vết thương quá nặng.

*

Là một nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô-viết (cũ), Belarus là nơi còn gìn giữ nhiều ký ức của chủ nghĩa cộng sản tại Liên Xô, trong đó có nhiều tượng đài Lenin.

Tổng thống nước này, ông Alexander Lukashenko, cựu giám đốc tài chính một nông trang tập thể, từng đứng về phe cứng rắn của “Bát nhân bang” trong cuộc đảo chính bất thành chống lại lãnh tụ Mikhail Gorbachev tháng 8-1991. Tháng 12-1991, ông là nghị sĩ duy nhất bỏ phiếu chống việc giải tán Liên bang Xô-viết.

Được Phương Tây xem như một lãnh tụ cánh tả cực đoan, thuộc lớp người có nhiều hoài niệm với những năm tháng Liên Xô thời trước, tháng 5 qua, nhiều nguồn tin cho rằng ông Lukashenko được đã đạt được sự đồng thuận của nhiều giới để sẵn sàng lập một lăng tẩm ở thủ đô Belarus cho vị lãnh tụ Vladimir Lenin, trong trường hợp thi hài Lenin được chuyển đi khỏi ngôi lăng tại Hồng trường Moscow.

Lăng Lenin tại Hồng trường (Moscow)

Cuộc tranh luận xung quanh việc giữ hay không thi thể của Lenin tại Hồng trường vẫn âm ỉ từ sau năm 1991 và đôi lúc, lại rộ lên nhân những dịp có liên quan. Ngoại trừ các cựu đảng viên cộng sản, các tín đồ của phe tả, nhiều người theo quan điểm thực tế cũng cho rằng nên giữ lăng Lenin vì nơi đây đã trở thành một mảnh của lịch sử Nga và của những phong trào cánh tả quốc tế, hơn nữa, lăng vẫn là hơi hấp dẫn du khách.

Nhưng cũng không ít người nhìn nhận lăng Lenin là một dấu tích thời cộng sản và đã đến lúc phải thực hiện ý nguyện của người đã khuất (Lenin từng muốn được yên nghỉ bên cạnh thân mẫu ở thành phố quê hương, theo lời vợ ông, bà Nadezhda Krupskaya), hoặc có thể đưa ông về nghĩa trang quốc gia mới, sẽ được mở từ năm 2011. Một số thăm dò dư luận được tiến hành thời gian gần đây cho thấy hai phần ba số người được hỏi đồng ý với ý tưởng này.

Gần đây nhất, vào thượng tuần tháng 5-2009, dư luận Nga lại xôn xao trước phát biểu tại Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) của bộ trưởng Văn hóa Nga Alexander Avdeev, theo đó Bộ Văn hóa không có quan điểm riêng về vấn đề cải táng vị lãnh tụ, vì Bộ không coi thi hài của Lenin là đối tượng của di sản văn hóa, và cho rằng đây là vấn đề chính trị.

Theo Hãng Thông tấn RIA Novosti, ông Avdeev cho biết Bộ Văn hóa Nga không hề có sự liên quan, thậm chí trên cả phương diện tài chính, với việc bảo quản thi hài nhà cách mạng lớn của nước Nga. Khẳng định nói trên của người đứng đầu Bộ Văn hóa Nga khiến một bộ phận cư dân Nga tin rằng sắp có một quyết định nào đó liên quan tới lăng Lenin được đưa ra.

Hoàng Tuấn tổng hợp, theo Hãng Thông tấn Hungary MTI


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn

loading