Cư dân Budapest phải mất 58 phút để có thu nhập đủ mua 1 Big Mac
Đó là kết quả một thống kê (mang tên Big Mac Index - chỉ số Big Mac) vừa được đăng tải trên tuần báo “Kinh tế” (Economist, Anh). Bài báo cho biết: các đô thị nổi tiếng như Chicago (Hoa Kỳ), Tokyo (Nhật Bản) và Toronto (Canada) dẫn đầu bảng, với kết quả xấp xỉ 12 phút.
Từ nhiều năm nay, tuần báo “Kinh tế” đã đăng tải thường niên chỉ số Big Mac vì một lý do đơn giản: món bánh mỳ kẹp thịt bò với loạt xốt “Mac” đặc thù này - được coi là một trong những biểu trưng của “lối sống Mỹ” - rất được ưa chuộng và tương đối mang tính toàn cầu.
Thành phần và “kích cỡ”, định lượng (45,4g) của Big Mac ở đâu cũng vậy, công nghệ làm ra nó cũng thống nhất trên toàn thế giới và do đó, để so sánh những chi phí căn bản về điều kiện sống của cư dân, thì chỉ số Big Mac là điểm khởi đầu rất tốt.
Thống kê nói trên được thực hiện tại 73 thành phố lớn, và cho ra kết quả trung bình là 38 phút. Được biết, nếu ở London, Miami và Los Angeles, người lao động chỉ mất 13 phút và ở New York, chỉ mất 14 phút để có một Big Mac, thì con số này tại các đô thị đội bảng lại gấp mười mấy lần: Jakarta (Indonesia – 136 phút), Nairobi (Kenya - 158 phút).
Một điều thú vị là thủ đô Budapest của Cộng hòa Hungary, đô thị lớn đầu tiên trong vùng Trung – Đông Âu đã mở cửa với hệ thống nhà hàng thức ăn nhanh McDonald’s từ mùa xuân năm 1988 (và hiện tại đã có tới gần 100 nhà hàng), lại có vị trí khá tồi trong bảng xếp hạng: 58 phút.
Thứ hạng này được coi là đã ít nhiều thể hiện sự tụt hậu của nền kinh tế Hungary trong những năm gần đây.
(*) Bản tin đã đăng trên "Tiền Phong".
Trần Lê, theo index.hu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn