BẮC HÀN KHÔNG CÒN LÀ QUỐC GIA CỘNG SẢN?

Thứ tư - 30/09/2009 13:42

(NCTG) Theo những nguồn tin mới đây, bản sửa đổi vào tháng 4-2009 của Hiến pháp CHDCND Triều Tiên đã không còn cụm từ “chủ nghĩa cộng sản” khi nhắc đến đất nước này.

Kim Chính Nhật tại một đại học ở Bình Nhưỡng - Ảnh: Reuters/KCNA

Trả lời khi bình luận tin này cho các ký giả Hán Thành (Seoul), một quan chức cấp cao Bắc Hàn cho hay: do Bắc Hàn không thể vươn tới CNCS với những điều kiện như hiện tại, nên “Lãnh tụ Kính yêu” Kim Chính Nhật quyết định thà nỗ lực để thực hiện một cách “chính xác” CNXH thì hơn.

Một số kế hoạch dài hạn của họ Kim đã được vị lãnh tụ này tiết lộ với cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright từ tháng 10-2000 khi bà sang thăm CHDCND Triều Tiên.

Khi đó, Kim Chính Nhật khẳng định: ông không quan tâm đến việc đưa ra những biện pháp cải tổ kiểu Trung Quốc mà ông thích mô hình kinh tế Thụy Điển (được ông coi là mang tính xã hội).

Andrei Lankov, một chuyên gia nổi tiếng thế giới về đề tài Bắc Hàn (hiện đang sống tại Hán Thành) cho rằng đã từ lâu, không thể coi CHDCND Triều Tiên là một quốc gia cộng sản, vì trong việc cung ứng cho cư dân, vai trò chủ đạo không còn thuộc về sự “ban phát” từ trung ương, mà thuộc về hệ thống chợ trời nhan nhản trên toàn quốc.

Những khu chợ trời này xuất hiện một cách tự phát sau nạn đói giữa thập niên 90 thế kỷ trước, và trở thành các địa điểm chính yếu của quá trình phân phối hàng lậu từ Trung Quốc. Nhờ có chợ trời, xuất hiện hai hệ thống giá cả tại Bắc Hàn và do ảnh hưởng của nó, ngày càng nhiều cư dân đi theo con đường kinh doanh.

Lượng xe tải ở Bắc Hàn, về mặt hình thức được đăng ký tại các công ty quốc doanh, nhưng hầu như không có việc gì cả nên trong thực tế chúng nằm trong tay tư nhân. Theo nhận xét của ông Lankov, CHDCND Triều Tiên giống một quốc gia độc tài Châu Phi với những hình thái địa phương đặc thù của một chủ nghĩa tư bản lạc hậu, thì hơn là một nước cộng sản.

Xóa từ “cộng sản”, bản Hiến pháp sửa đổi đồng thời cũng xác định chính xác hơn cương vị và quyền hạn khá mù mờ của Kimh Chính Nhật, người chèo lái Bắc Hàn từ 15 năm nay.

Trước đây, Hiến pháp Bắc Hàn chỉ nói Ủy ban Quốc phòng (mà họ Kim là chủ tịch) là tổ chức quân sự cao nhất của đất nước, nhưng Hiến pháp mới khẳng định người đứng đầu Ủy ban cũng đồng thời là lãnh tụ tối cao của quốc gia, người chỉ đạo mọi công cuộc của CHDCND Triều Tiên.

Ngoài ra, Hiến pháp sửa đổi còn có một điều khoản khẳng định Nhà nước có bổn phận đảm bảo, “tôn trọng và bảo vệ” các quyền con người của cư dân (thay vì chỉ “bảo vệ và bảo hộ các lợi ích” của người dân trong bản cũ). Đây là lần đầu tiên, “bộ luật mẹ” của Bắc Hàn nhắc tới khái niệm “nhân quyền”.

Những thay đổi trong bản Hiến pháp Bắc Hàn được cho là nhằm giành giật thiện cảm của thế giới, và ứng phó trước những phê phán gay gắt của quốc tế về tình trạng vi phạm nhân quyền trầm trọng ở xứ sở này.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia về Bắc Hàn học, tất cả mới chỉ là hình thức, vì Hiến pháp sửa đổi không cụ thể hóa việc làm sao để “tôn trọng và bảo vệ quyền con người”.

Trần Lê tổng hợp theo báo chí Hungary


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn