PHE TÂN PHÁT-XÍT ĐỨC MUỐN TRỤC XUẤT CÁC CHÍNH KHÁCH GỐC NGOẠI

Thứ tư - 30/09/2009 14:56

(NCTG) “Đúng là những kẻ mắc chứng thần kinh, bọn họ không học được chút gì về lịch sử!” – một chính khách Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ đã bực bội nhận xét như vậy khi nhận được một bức thư mà một đảng cực hữu gửi cho ông và các nhà chính trị gia gốc ngoại khác tại Đức.

Đại hội của Đảng tân phát-xít NPD - Ảnh: Michael Kappeler (AFP)

Nội dung bức thư đề cập tới việc những nhóm tân phát-xít Đức muốn trục xuất những chính khách có xuất xứ nước ngoại khỏi CHLB Đức như thế nào.

Vài ngày trước kỳ bầu cử Liên bang, ông Özcan Mutlu, dân biểu trong sắc áo Đảng Xanh, người Đức gốc Thổ Nhĩ kỳ, đã nhận được một lá thư như vậy từ Đảng cực hữu NPD (Đảng Dân chủ Quốc gia). Ông rất bất bình khi biết Đảng NPD còn gửi những lá thư như vậy đến nhà riêng của nhiều đồng bạn ông, cũng là các chính khách gốc ngoại.

Trong thư, một “lộ trình” gồm 5 điểm được khắc họa để đưa các chính trị gia gốc ngoại về quê quán gốc của họ. Thư được ký bởi “nhân viên phụ trách việc xua đuổi những kẻ ngoại quốc”. Đảng NDP thừa nhận rằng họ đã gửi thư, nhưng không muốn nói cụ thể hơn về vấn đề này.

Ông Mutlu nhận quốc tịch Đức vào năm 1990 và để được điều này, ông phải từ bỏ quốc tịch gốc (Thổ Nhĩ Kỳ). Nói về bức thư mang tính khiêu khích kể trên, ông bức xúc: “Chúng tôi thuộc về đất nước này. Những kẻ gửi thư đã không hề nắm bắt được một thực tế: nước Đức là Tổ quốc tôi. Tôi không có tổ quốc nào khác. Tôi cũng không có quốc tịch nào khác”.

Thổ Nhĩ Kỳ là cộng đồng nhập cư lớn nhất tại CHLB Đức và trong rất nhiều ngành kinh tế Đức, người nhập cư Thổ nắm vai trò rất quan trọng. Đây cũng là ý kiến của ông Mutlu: nếu tất cả người (gốc) Thổ rời nước Đức thì đó mới là một cuộc khủng hoảng kinh tế thực sự.

Đảng cực hữu NPD không lọt được vào Quốc hội Liên bang, tuy nhiên, nhóm tân phát-xít này đã có đại diện tại Quốc hội hai tiểu bang thuộc phần Đông của CHLB Đức. Ban lãnh đạo và thành viên đảng này cũng không buồn phủ nhận những ý kiến cho rằng họ là những kẻ tân phát-xít.

Ông Udo Pastörs, đại diện của NPD tại một Quốc hội tiểu bang, khi trả lời báo chí, đã ngang nhiên cho rằng “công bằng mà nói, phải thừa nhận rằng cả thể chế Quốc xã lẫn thể chế Đông Đức đều có những thành tựu đáng kể” và nếu vì nhận định này mà ai đó bị coi là tân phát-xít, thì ông sẵn sàng nhận “danh hiệu” đó.

Cũng theo một thống kê mới đây, nước Đức thuộc nhóm 5 quốc gia ở Châu Âu mà tình trạng bài ngoại, cũng như sự nảy nở của những tổ chức dân tộc chủ nghĩa cực đoan, là đáng lo ngại nhất.

Hiện tại, Viện Kiểm sát Đức đang xem xét rằng, có thể cho rằng lá thư kể trên đã vi phạm khái niệm kích động sự hằn thù, phân biệt chủng tộc (điều mà luật pháp Đức nghiêm cấm).

Trần Lê, theo Hãng Thông tấn Độc lập


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn