5 ngày sau mưa lũ - Ảnh do nhiếp ảnh gia Mai Kỳ chụp, ở Thịnh Liệt, Hà Nội
Với tôi, đó là những ngày không thể nào quên. Vì mọi thứ xảy ra quá nhanh chóng, quá bất ngờ, và khủng khiếp. Tất cả đều in sâu vào trong đầu.
Tối thứ Năm, 30-10-2008. Hẹn gặp PGĐ một công ty để phỏng vấn, viết bài. 20h, ngoài trời bắt đầu đổ mưa như trút, trong quán lạnh ngắt. 22h hai người chào nhau ra về, vẫn mưa lạnh như thế.
Mưa kéo dài suốt đêm.
Sáng 31-10, gọi điện thoại cho một quan chức xin phỏng vấn, vẫn trong tiếng mưa rào rào. Trời tối như chưa hề sáng. Chỉ nghe thấy mưa và gió ù ù trên điện thoại, sau đó là tiếng “tò te tí” chói tai: Máy của ông ta không liên lạc được nữa, hoặc ông ta tự tắt máy cho rảnh nợ. Nhưng sau đó tôi cũng không gọi lại, vì biết không thể gặp được: nước đã bắt đầu dâng lên trên các con phố của Hà Nội.
Mưa, mưa và mưa. Trời xầm xì không một tia sáng. Thường những ngày như thế, nếu mưa buổi sáng thì trưa sẽ ngớt, chiều trời sẽ hửng. Nhưng hôm ấy, sao mưa cứ kéo dài mãi, tới hết chiều, rồi tối, rồi đêm. Sự rối loạn bắt đầu: Từ buổi chiều, nước ngập trắng thành phố. Khắp nơi hỏng xe, tắc đường, cắt điện. Nhiều người buộc phải ở lại cơ quan vì hết đường về nhà, đói, mệt… Nhiều người cố thủ trong nhà vì không thể nào bước chân ra cửa được.
Điện thoại di động mất sóng, nhưng may, vẫn lên mạng được. Tối 31-10.
A: đang mưa to lắm hả?
A: lũ à?
B: vâng, mưa to, như lũ ở thủ đô
B: trời xám xịt, trông càng thảm
A: điềm gì đây không biết?
B: em chả biết nữa, “
giời mưa ở Hà Nội sao buồn thế”
Đêm thứ Sáu 31-10, trời vẫn cứ mưa. Ngồi thẫn thờ “
tưởng nhớ quá khứ”.
Sáng thứ Bảy 1-11, “
mưa cứ rơi dầm dề, ngày cứ dài lê thê”. Không một phút nào trời hửng, nhìn không biết là sáng hay chiều. Phố xá tối tăm, mênh mông nước.
Nhưng buổi sáng hôm ấy, có em học sinh lớp 7 vẫn cứ đi học “
vì sợ nghỉ, cô giáo mắng”. Nước ngập không đạp xe được, em dắt xe đi trên con đường xi măng nhỏ hẹp giữa hồ, trượt chân rơi xuống cống thoát nước, ngay trước mặt bạn. Xe kẹt lại, còn em trôi đi… Mấy ngày sau khi đến chỗ em chết, tôi đứng vơ vẩn trước bát hương và cái chiếu treo tùm hụp, không nén được cảm giác kinh kinh, nhớ tới câu thơ rợn tóc gáy của Hữu Loan: “
Khi gió sớm thu về, rờn rợn nước sông”.
Đứa em nhỏ của em dĩ nhiên không biết em chết. Bố mẹ chỉ bảo chị nó đi vắng.
Ngoài em, còn hơn 20 người nữa chết trong trận lũ ấy – chết đuối, chết ngạt, điện giật. Cái chết nào cũng thương tâm, làm người sống vừa thương vừa kinh hãi, vừa cảm thấy khủng khiếp: Sao một thành phố lớn, trung tâm của cả nước, lại có thể bị lụt? Sao lại có thể chết đuối ngay giữa thủ đô? Sao chết dễ thế?
Trận lũ kéo dài 4 ngày, làm đảo lộn đời sống của dân chúng thủ đô. Ở trên Net, nó gây ra những mâu thuẫn và xung đột lớn trong cộng đồng mạng, hoặc giữa công chúng trên mạng với quan chức. Đầu tiên là việc blogger nào đó nói: “
Người miền Trung năm nào cũng lũ lụt thì không sao, bọn Hà Nội bị lũ một trận là rối hết cả lên. Bà chúa đứt tay ăn mày xổ ruột. Đáng kiếp”. Những phát biểu như vậy hứng đủ lời chửi rủa.
Rồi
phát biểu nổi tiếng của ông Phạm Quang Nghị: “
Dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm”. Báo chí đưa lên, dân mạng phản ứng dữ dội, rồi chính quyền “có ý kiến” (đây là tổng diễn tập cơ mà), báo chí “xin lỗi”… Rối tinh rối mù.
Rồi bản thân tôi cũng
dính vào một vụ (mà sau này tôi tự gọi nó là “c
uộc tổng diễn tập” của tôi). Tái mét mặt vì cả trăm lời góp ý, chửi rủa trong một buổi sáng.
Phải rồi, đó là những ngày không thể nào quên. Tất cả đều in sâu vào trong đầu.
Rồi mọi chuyện cũng qua đi. Hôm nay đã tròn 1 năm rồi.