Ông Fischer nhấn mạnh: cho dù đây đều là những thiếu sót cá nhân, chính phủ Czech cũng không thể không đứng ra nói lời xin lỗi. Thủ tướng Czech cũng cho biết thêm: nội các mới của Cộng hòa Czech, được thành lập sau cuộc bầu cử Quốc hội năm 2010, sẽ đứng ra dàn xếp các vụ bồi thường.
Đồng thời, ông Fischer đề nghị các bộ trưởng Y tế và Tư pháp, hãy khởi thảo một dự luật để quy định các điều kiện của sự thực hiện triệt sản một cách rõ ràng hơn các điều khoản hiện tại.
Cách đây 5 năm, Trung tâm bảo vệ Quyền lợi người Roma ở Châu Âu (trụ sở tại Budapest) đã lên tiếng trước dư luận về việc nhiều phụ nữ Roma ở Cộng hòa Czech đã bị triệt sản một cách bất hợp pháp.
Thoạt đầu, Prague phủ nhận lời cáo buộc này. Chỉ đến thời gian gần đây, Văn phòng của Đặc phái viên phụ trách các vấn đề nhân quyền Otakar Motejl mới thừa nhận rằng, căn cứ những tình tiết đã được làm sáng tỏ, trong thập niên 90 thế kỷ trước, và cả trong năm 2002, chủ yếu tại các vùng Ostrava và Olomouc, đã triệt sản hơn 50 phụ nữ mà không thông báo đầy đủ cho họ, cũng như không được được họ chấp thuận.
Trả lời nhật báo “Tự do Nhân dân” (Népszabadság, Hungary), bà Elena Goralová - người đứng đầu tổ chức các phụ nữ bị triệt sản bất hợp pháp tại Cộng hòa Czech – cho rằng việc chính phủ Czech đương nhiệm không tìm cách ỉm đi hoặc phủ nhận những gì xảy ra như các nội các tiền nhiệm, mà đã trực diện với những sự thật đáng buồn, là một bước tiến đáng kể.
“Tuy nhiên, cuộc chiến đấu của chúng tôi chưa chấm dứt, vì chúng tôi còn đòi phải bồi thường, và nếu trong nước không đạt kết quả, chúng tôi sẽ đệ đơn kiện lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu tại Strasbourg. Tám phụ nữ Slovakia cùng số phận với chúng tôi đã làm điều này và họ đã được bồi thường 3.500 Euro mỗi người”, bà Goralová khẳng định.