8 năm trước: CÂU TRẢ LỜI CỦA NGƯỜI NGA

Thứ sáu - 11/09/2009 23:10

(NCTG) Theo ý nghĩa chính trị, thế kỷ XX bắt đầu vào năm 1914. Trong năm ấy, đã đắm chìm con thuyền Titanic chính trị của nền văn minh châu Âu, đứa con của trào lưu Khai sáng, của đại cách mạng Pháp, hay nói đúng hơn, đứa con của làn sóng thứ nhất của sự phát triển khoa học và kỹ thuật.

Thế giới sửng sốt và bàng hoàng, buộc phải bừng tỉnh rằng đường biên ngăn cắt văn minh với hỗn loạn, với sự căm thù, với bạo lực và cái chết, mới mỏng manh làm sao! Mùa hè 1914, ông của tôi, một giáo sư Đại học Saint Petersburg, đi nghỉ ở Karlsbad. Tháng 8-1914, ông bị cảnh sát Áo giam giữ rồi tống trở lại Nga. Ông qua đời vào mùa Giáng sinh 1915, không hẳn do những khổ ải mà ông phải trải qua trong thời gian bị tù đày, mà bởi ông không thể chịu nổi khi phải chứng kiến từ đầu đến cuối sự sụp đổ của thế giới và bảng giá trị mà ông vẫn tôn thờ.

Đối với ông tôi, một người châu Âu trong tâm tưởng, thế chiến là một đại thảm họa siêu hình, đồng nghĩa với sự phá hoại nền văn minh mà nước Nga cũng chiếm một phần trong đó. Nhưng may mắn thay, ông không phải chứng kiến những năm 1917, 1933 hay 1939. Sự bùng nổ của năm 1914 làm trỗi dậy những đợt sóng chỉ lặng dần vào năm 1989, khi bức tường Berlin sụp đổ. Đây là kết cục của thế kỷ XX, theo ý nghĩa chính trị.

Một số người - theo chân giáo sư Francis Fukuyama - đã dấn đến một bước trong suy nghĩ: lịch sử đã chấm dứt.

Ngày 11-9 mở đầu cho một thế kỷ chính trị bằng một tai họa mà chúng ta có thể so sánh với cảnh binh đao khói lửa tháng 8-1914. Nhất là vì lần này, chúng ta lại được thấy nền văn minh hiện đại - và còn sành sỏi hơn nữa trong nghĩa kỹ thuật - mới mỏng manh làm sao.

Thế giới có thể bắt gặp bộ mặt kinh hoàng của cuộc chiến mới, chưa hề tồn tại trong thế kỷ trước. Trong cuộc chiến này, kẻ thù luôn vô hình và ẩn danh, chúng có mặt ở mọi nơi và lại không hiện diện ở bất cứ nơi nào. Ngay cả quân đội hùng mạnh nhất của lịch sử cũng không đủ sức bảo vệ người dân của quốc gia mình trước kẻ thù này.

Như ông Rudolph Giuliani, thị trưởng New York, từng diễn đạt: "Số người bị thiệt mạng quá lớn để có thể chịu đựng nổi". Bi kịch này không đơn thuần là tấn thảm kịch của nước Mỹ. Đây là lời tuyên chiến với toàn thế giới. Đây là bi kịch của cả nhân loại. Những sự kiện, một lần nữa, đã rọi chiếu những điểm dễ tổn thương của nền văn minh chúng ta, và trong một chớp mắt, chúng ta có thể liếc thấy "sự hỗn loạn cuộn xoáy dưới chúng ta".

Thế kỷ mới này sẽ kéo dài đến bao giờ? Phải chăng những dao động của đợt sóng ngày 11-9 cũng chỉ lặng dần 75 năm sau? Và thử hỏi, có hay không nguy cơ những đợt sóng này sẽ nhận chìm vĩnh viễn nền văn minh thế giới?

Tất cả điều này chỉ phụ thuộc vào chúng ta - chúng ta, người Mỹ, người Nga, người châu Âu, Ả Rập, những người con của những dân tộc và những châu lục khác nhau. Tất cả chúng ta đều phải đổi thay và phải nhận ra rằng "không ai có thể là một ốc đảo trong thế giới này". Không ai có thể tự bảo vệ mình mà không nhờ đến sự giúp đỡ của kẻ khác. Tất cả chúng ta đều đi trên một con thuyền, con thuyền mỏng manh của nền văn minh chúng ta, đang bị bao phủ bởi những ngọn lửa của sự hỗn mang.

Theo chủ thuyết ngoại giao chính thức của nước Nga, bản chất của thế giới thời hiện đại là "cuộc chiến của những người ủng hộ một trận tự thế giới đa cực trước những thử nghiệm nhằm tạo dựng một thế giới nhất cực". Nếu chúng ta để tâm nghiêm túc đến lời giải thích này - vốn mang tính tuyên truyền và có nguồn gốc từ quá khứ -, thì loạt khủng bố ngày 11-9 là những ví dụ "rực rỡ" của cuộc chiến kể trên.

Tuy nhiên, may mà vào ngày xảy ra tấn thảm kịch, tổng thống Nga và nhân dân Nga đã có một phản ứng, không xuất phát từ những chủ thuyết, mà từ tình nhân đạo và phẩm giá của riêng họ. Quan điểm chính thức của chính phủ Nga, cũng như những ngọn nến và những vòng hoa mà người Nga đặt trước tòa đại sứ và các cơ quan lãnh sự Mỹ, đã cho thấy: nước Nga đã tự giải phóng mình khỏi ách nô dịch của những chủ thuyết đã lỗi thời và bắt đầu thấu hiểu những thực tế mới. Và bản chất của việc này, không phải là cuộc chiến giữa một trật tự thế giới đơn cực và đa cực, cũng không phải đụng độ với những nền văn minh "tà giáo", và cũng không phải bất đồng Bắc - Nam, mà là cuộc giao tranh giữa nền văn minh nhân loại và những ác quỉ trên thế gian.

Điều này cho chúng ta một hi vọng: thế kỷ mới của những cuộc chiến chinh và những đại biến động sẽ không kéo dài tới 75 năm.

(*) Andrei Piontkovsky là một nhà nghiên cứu chính trị nổi tiếng người Nga, đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Moscow. Bài viết sau đây của ông, được viết và đăng tải trên tờ "The Russia Journal" ngay sau khi lực lượng Hồi giáo cực đoan tấn công New York và Washington ngày 11-9-2001, phân tích phản ứng của nước Nga trước sự kiện nổi bật này.

Andrei Piontkovsky, Trần Lê chuyển ngữ


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn