HƠI THỞ THỨ HAI CỦA ASEAN

Chủ nhật - 11/04/2010 22:02

Giá như được treo một bức trướng lớn ở sân bay Nội Bài để đón/tiễn bạn bè: “Đại Việt Hiếu hòa Thượng võ Ngàn năm không chịu khuất! Thăng Long Hùng khí Tôn văn Vạn kiếp chẳng hề phai!” - chia sẻ của TS. Đinh Hoàng Thắng từ Hà Nội.

Các nhà lãnh đạo ASEAN trong phiên khai mạc Hội nghị Cấp cao lần thứ 16 tại Hà Nội - Ảnh: Hải Ninh

Hết ngày dài hoạt náo lại đêm thâu chiếm đa phần bản tin trên Truyền hình Trung ương, Cấp cao ASEAN để lại dư âm gì tại thủ đô đang sôi nổi ngàn năm Thăng Long?

Đỡ tắc đường! Bởi những ngày Hội nghị Cấp cao (HNCC), kể cả những lúc gặp đèn xanh, người dân vẫn không được di chuyển theo tín hiệu giao thông, vẫn phải chờ sự phân luồng của cảnh sát. Xã hội công dân, thêm một lần nữa phải nhường bước cho Nhà nước!

Đối trọng lại sự hẫng hụt

Tiếp tục chơi “ván bài” đa phương! Không dễ, nhưng đừng chùn bước! Nước lớn thường  thích múa gậy vườn hoang trên mảnh đất song phương. Bức xúc thật đấy, nhưng đừng để ảo tưởng “có ngay đồng thuận về CoC” làm nhụt chí. CoC là cả một quá trình, một chiến lược lâu dài!

Doanh nghiệp từ nay tăng vai trò chủ đạo trong xây dựng cộng đồng. Không chỉ kết nối, mà còn tránh cho được cái bẫy “tự do hóa mậu dịch”! Thương mại và đầu tư cản trở những toan tính nóng vội. Thiện, Ác trước cửa Phật, nhưng để an dân, ông “Thiện” thường được đẩy lên. Hàng trăm Viện Khổng Tử được xây dựng, vì thế.

Dựa vào dân để bảo vệ biển đảo, chống ngoại giao pháo hạm! Hãy để cho người dân phản kháng việc bắt người trái phép, nghênh ngang đưa tàu tuần tiểu vào vùng biển nước nhà trước đông đảo quan khách một hội nghị quốc tế! Nguyên Thứ trưởng Môi trường Đặng Hùng Võ từng đề xuất ngoại giao nhân dân trong đấu tranh công luận.

Việt Nam cũng nhất quán với chủ trương sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trong mọi tình huống”, “Không để bất cứ ai xâm lấn biển đảo”, theo như lời Chủ tịch Nguyễn Minh Triết. Lâu lắm mới được nghe lại tiếng vọng của non sông, tiếng gọi của hồn nước, truyền từ ngàn đời về, trừ vài khoảnh khắc gián đoạn.

Chưa kịp mừng vì HNCC có bàn về nguy cơ Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy sóng, lại hẫng hụt khi nhớ tới Tổng thư ký Surin nói một cách rất là “asean way”: Năm nay, Biển Đông được đề cập và năm khác, vấn đề đó sẽ không được nêu lên. Điều này tùy thuộc vào sự năng động của môi trường (?) 

Nói thế là vô hình chung ông Surin đặt cược uy tín của ASEAN vào bá quyền khu vực. “A friend in need is a friend in deed”! Bạn đến đúng lúc mới là bạn tốt! Người Việt chúng tôi nói: “Thức lâu mới biết đêm dài”! Trải qua ngàn năm bị đô hộ, chúng tôi rất hiểu giá trị của đoàn kết bên trong lẫn bên ngoài.

Và các bạn đừng nghĩ, biển đảo và sông đập là câu chuyện của riêng Việt Nam! Đừng hỏi: “Chuông nguyện hồn ai?” Câu chuyện sinh tử này “nguyện” chính cả hồn các bạn! Việt Nam đang cần bạn, và đến lượt mình, các bạn cũng sẽ cần đến Việt Nam!

 

TS. Đinh Hoàng Thắng

Vì một cộng đồng ASEAN vào 2015

Chúng ta có một sáng kiến độc đáo vào dịp này. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch ASEAN 2010 cùng lãnh đạo các nước ASEAN có cuộc họp chính thức đầu tiên với các đại diện Đại hội đồng Liên minh Nghị viện ASEAN (AIPA), do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch đương nhiệm AIPA, dẫn đầu.

Sự phối hợp giữa hai kênh lập pháp và hành pháp này hy vọng sẽ tạo thuận lợi trong việc lồng ghép các chương trình của ASEAN vào các kế hoạch phát triển của mỗi quốc gia. Sự phối hợp như vậy từ nay đến 2015 sẽ tăng cường ý thức và gắn kết của người dân, nhất là làm cho người dân cảm nhận về ASEAN như một cộng đồng.

Và để có được một cộng đồng gắn kết trên cả 3 trụ cột an ninh-chính trị, kinh tế-thương mại và văn hóa-xã hội, ASEAN phải thực hiện đồng bộ hàng trăm biện pháp. ASEAN cũng cần hóa giải một số thách thức về mô hình và định chế, về lòng tin và quyết tâm như GS. Cao Huy Thuần, Đại học Amiens (Pháp) đã nhìn nhận từ khá lâu.

Phải giải phóng mình khỏi những huyền thoại “phép lạ Á châu”, phải cố thủ nội khán (tự soi lại mình) để đổi mới, để cải cách. Gần 30 nước đăng ký cử đại sứ bên cạnh ASEAN chính là thời điểm mà Tổ chức này nên suy nghĩ lại về một số nguyên tắc “nền” và giá trị “cốt lõi” một thời để cho ASEAN mạnh lên trong “cuộc chơi” cân bằng và đối trọng!

Các công ty tư nhân rồi đây có thể có những dự án độc lập, chẳng hạn như các nghiên cứu khoa học. Do cạnh tranh về chủ quyền, chính phủ các nước gặp khó khăn trong thỏa thuận chung, khu vực tư nhân có thể hoạt động tại những nơi mà chính phủ không thể.

Cần một hơi thở thứ hai để Tổ chức khu vực “tứ thập nhi bất hoặc” này năng động hơn trong môi trường biến đổi. Hơi thở của những công dân ASEAN! Không phải trên những tấm thị thực, mà là bằng chính sự tham gia và cảm nhận của những người dân đóng thuế cho các vị chức sắc đi lại họp hành 250 cuộc mỗi năm!

Điều này càng trở nên thúc bách vì Đông Nam Á đang chứng kiến một làn sóng mới của của chủ nghĩa dân tộc (khác với phong trào đấu tranh giành độc lập trước đây). Hay dở chưa biết, nhưng đây có thể là sự phản ứng cấp thời trước cơn bão toàn cầu hóa 3.0 và cấu trúc khu vực lai ghép đang nổi lên.

Giá như được treo một bức trướng lớn ở sân bay Nội Bài để đón/tiễn bạn bè: “Đại Việt Hiếu hòa Thượng võ Ngàn năm không chịu khuất! Thăng Long Hùng khí Tôn văn Vạn kiếp chẳng hề phai!” (*)

Dẫu hơi thở thứ hai chỉ mới là manh nha, những người bạn giã từ Hội nghị Hà Nội lần này đã hiểu thêm về một dân tộc kiên cường trong chiến đấu nhưng cũng hết sức uyển chuyển trong liên kết và hội nhập!

(*) Đôi câu đối lớn (rộng 3m, dài 12m) treo trên mặt tiền Nhà hát Lớn nhân vở cải lương “Lễ mở xiêm áo” (tác giả: nhà văn Nguyễn Khắc Phục) ca ngợi lòng yêu nước quật cường của quân dân Đại Việt được công diễn trong dịp 30 năm cuộc chiến biên giới Việt Nam - Trung Quốc (17-2-1979 - 17-2-2009). (Chú thích của NCTG)

(**) Bài viết đã đăng trên BBC. Bản trên NCTG là bản gốc của tác giả.

TS. Đinh Hoàng Thắng, từ Hà Nội


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn