Nhân 40 năm ngày mất của Nguyễn Bính (20-1-1966 – 20-1-2006): NGUYỄN BÍNH, THI SĨ CỦA HỒN XƯA ĐẤT NƯỚC

Thứ sáu - 20/01/2006 10:18

"Hồn anh như hoa cỏ may
Một chiều cả gió, bám đầy áo em"
(Nguyễn Bính, "Hoa cỏ may")

Nguyễn Bính (trong con mắt Tạ Tỵ)

Nguyễn Bính (trong con mắt Tạ Tỵ)

* Tuổi thơ và hai quê nội ngoại.

Nguyễn Bính sinh năm Mậu Ngọ (1918) tại thôn Thiện Vịnh, xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Hà Nam. Cụ thân sinh là Nguyễn Đạo Bình, làm nghề dạy học, tính tình điềm đạm, hiền lành. Cụ thường dạy các con: „Nhà ta coi chữ hơn vàng. Coi tài hơn cả giàu sang ở đời”.

Thân mẫu Nguyễn Bính là bà Bùi Thị Miện, xinh đẹp nết na, con gái một gia đình khá giả.Bà sinh được ba con trai: Nguyễn Mạnh Phát (tức Trúc Đường), nguyễn Ngọc Thụ và Nguyễn Bính. Năm Trúc Đường mới lên sáu tuổi, Thụ 3 tuổi và Bính mới ba tháng tuổi, một buổi tối ra ao rửa chân, bà bị rắn độc cắn chết lúc mới 24 tuổi. Mấy năm sau, vì cảnh nhà neo bấn cụ Bình cưới bà Phạm Thị Duyên làm kế mẫu. Sau bà sinh được bốn người con (hai trai, hai gái). Theo nhà văn Tô Hoài, một người có nhiều kỷ niệm gắn bó với Nguyễn Bính, thì „quê nội Bính nằm giữa một vùng chiêm khê mùa thối, đâu đâu cũng xơ xác, nước ngập trắng đồng, mùa đông về gió lùa từ sông, từ đồng nước cồn lên, quẩn lại, lật thuyền mảng, cả đến người ra cứu lúa cũng chết đuối. Đến mùa nước con đường đê liên huyện chỉ còn là một sợi chỉ mỏng mảnh bên làn nước giữa gò đất bờ bụi tre pheo. Gió trên đồng đêm ngày giật lên, gào lên từng cơn. Làng nước xám ngắt, quang cảnh tiêu điều, lam lũ ảm đạm, nheo nhóc... Mỗi năm, mỗi mùa biết bao nhiêu người đã bỏ làng đi tha phương. Buồn đến não nề, nhưng nhà thơ vẫn tưởng tượng trên những khổ cực ấy phấp phới những lứa tuổi đương tơ, hoa cải vàng tháng chạp, mưa dây mưa dợ, trăng rằm sáng như ban ngày và những đên chèo hát…

Cái làng Thiện Vịnh trong thơ Nguyễn Bính sau này cũng chỉ là một chỉ là một giấc mơ thi sĩ:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy…

Tuy nhiên anh em Nguyễn Bính sống ở quê nội không lâu. Vì thương các cháu ngoại, anh trai mẹ (mà ba anh em Bính quen gọi là cậu) là cụ Bùi Trình Khiêm, một nhà nho yêu nước (thân sinh nhà văn Bùi Hạnh Cẩn), đón ba cháu về nuôi cho ăn học. Từ đó ba anh em Nguyễn Bính về sống tại thôn Vân quê ngoại, xã Đông Đội (sau đổi thành Minh Tân), huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định (Hà Nam), một làng nhỏ vùng chiêm trũng, có con đê Ất Hợi chạy qua. Nguyễn Bính đã sống suốt thời niên thiếu trên quê mẹ, cho tới lúc trưởng thành ”giang hồ một chuyến” vào tận đất Nam Kỳ đầu những năm 40 thế kỷ trước.

Theo nhà văn Bùi Hạnh Cẩn, nhà ngoại Bính là một ngôi nhà gỗ xoan năm gian trên một khu vườn rộng hơn một mẫu Bắc Bộ, có ao cá, vườn cây hoa quả mùa nào thức ấy, mùa xuân nở đầy hoa bưởi, cam, chanh, mơ, mận, đào... Vườn chè rậm rạp, hoa chè nhiều vô kể, hoa lan các loại, hoa huệ, hoa cúc, hoa hồng quế, hoa mã đề, hoa ớt, hoa súng, hoa xương xông, hoa hương nhu, cả một thế giới các loài hoa. Trên mặt ao, ngòi là các loài hoa hoa sen, hoa súng, hoa ấu, hoa trang… Trước hiên nhà thấp thoáng những giàn hoa đỗ biển, giàn nho, giàn thiên lý, giàn gấc, giàn bầu...

Trong khuôn viên khu vườn ấy có mấy gian phòng học, Nguyễn Bính được cụ Bùi Trình Khiêm dạy những bài học vỡ lòng đầu tiên, cả chữ quốc ngữ và chữ nho. Nguyễn Bính sáng dạ, học nhanh và thuộc nhiều văn thơ, được cậu rất quí. Trong thời gian ở thônVân, Bính bắt đầu làm thơ từ năm 13 tuổi. Năm 1937 đã có tập thơ "Tâm hồn tôi" đuợc giải khuyến khích của Tự lực Văn đoàn.

Nguyễn Bính gắn bó nhiều hơn với quê ngoại, ngay từ rất sớm, anh đã viết.

Thôn Vân có biếc có hồng
Biếc trong nắng sớm hồng trong vườn chiều
Đê cao có đất thả diều
Trời cao lăm lắm có nhiều chim bay
Quả lành chĩu nặng từng cây
Sen đầy ao cá, cá đầy ao sen…

Chính khung cảnh làng quê đặc sắc vùng đồng bằng Bắc Bộ ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn thơ bé để sau này Nguyễn Bính trở thành nhà thơ của hồn quê, của những dậu mùng tơi, những rau tần, những xoan tím..., những mối tơ duyên thôn Đông, thôn Đoài dân dã… đậm đà bản sắc nông thôn Việt Nam ngày trước.

Và mãi sau này khi tha hương „ngựa lẻ quê người”, Bính vẫn không nguôi nhớ về quê ngoại:

Thôn Vân ơi hỡi thôn Vân
Nơi nao kết dải mây Tần cho ta?
Ở đây tưởng nhớ quê nhà
Thấy mây Tần đó ngỡ là thôn Vân.

* Xê dịch và làm thơ.

Nguyễn Bính sinh năm Con Ngựa, „ngựa lẻ quê người”, cả đời không yên một chỗ, lang thang phiêu bạt dường như đã vận vào ông suốt cả cuộc đời.

Từ khi Trúc Đường thi đỗ bằng thành chung loại giỏi ở Hà Nội, khoảng năm 1932, 1933, đi dạy họcở một trường tư thục Hà Đông, bắt đầu viết văn và làm thơ. Anh đưa Bính ra Hà Đông, thay mẹ chăm nuôi em, dạy Bính học tiếng Pháp. Bính đã có vốn văn thơ chữ Hán khi học với cậu Khiêm, nay được tiếp xúc với văn hóa Pháp. Trúc Đường hay đưa Bính về thăm hai quê nội ngoại, đi Nam Định, Thái Bình, Phủ Lý, có chuyến lên Sơn Tây, Hòa Bình. Năm 1939 trong một lần lên thăm động Hương Tích, Bính đã viết Cô hái mơ, bài thơ nhanh chóng nổi tiếng trên thi đàn. Cùng thời gian này vào một dịp cùng Trúc Đường du thuyền trên sông Nhuệ, Nguyễn Bính đã cảm hứng làm hai bài thơ dài "Mười hai bến nước" và "Lỡ bước sang ngang". Trúc Đường chiều và quí tài thơ của em, nhưng Bính thì sống bạt tử, thích xê dịch, giang hồ. Bính hay cùng bạn bè nay lên Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn mai lại xuôi Ninh Bình, Thanh Hóa. Đi đâu cũng làm thơ, chi tiêu văng mạng. Hết tiền lại quay về với Trúc Đường.

Từ năm 1940, thơ Bính xuất hiện ngay càng nhiều trên các báo, anh đã tự kiếm tiền bằng thơ. Năm 1940 Trúc Đường chuyển về dạy học ở Hà Nội. Nguyễn Bính xin anh đi Huế tìm đề tài sáng tác. Trúc Đường dồn hết tiền, rồi về quê bán nốt cả dãy thềm đá, di sản cuối cùng của cha ông để lại, lấy tiền cho em đi. Khoảng cuối 1941, đầu năm 1942 Bính gửi ra cho anh nhiều thơ, trong đó có "Xuân tha hương" và "Oan nghiệt". Một thời gian sau Bính trở ra Hà Nội, về thăm quê, rồi lại đi phiêu bạt và làm thơ.

Năm 1943, Bính cùng Vũ Trọng Can và Tô Hoài vào Sài Gòn, anh tự nhận mình là một kẻ „tề nhân”, sống trong sự đùm bọc của những Mạnh Thường Quân và bè bạn, coi đời là một cuộc dong chơi tối ngày: „Vẫn đám ăn chơi cho đến hết/ Ngày mai ra sao rồi hãy hay/ Này mai? - Có nghĩa gì đâu nhỉ/ Cốt nhất cười cho vẹn tối nay”. Giai đoạn này sức sáng tạo và thi hứng của Nguyễn bính dồi dào nhất, nhiều bài thơ nổi tiếng sau này đã ra đời trong những năm này như "Xuân vẫn tha hương", "Ái khanh hành", "Anh về quê cũ thôn Vân", "Đôi mắt nhung", "Đi giữa kinh thành", truyện thơ "Nguyễn Trãi", v.v…

Một hôm, khoảng đầu hè năm 1944, Nguyễn Bính nhận được thư của Đông Hồ ngỏ ý mời tác giả Lỡ bước sang ngang về đất Hà Tiên thăm núi Vọng Thê, ngắm trăng lên ở Thạch Hổ, uống rượu hoàng hoa ở Xóm Rẫy, ngâm thơ trên gác Nam Phong. Máu giang hồ lại nổi lên, Bính về ngay Hà Tiên, tận hưởng lòng mến khách của Đông Hồ và nữ sĩ Mộng Tuyết, một thời gian sau lại quay về Sài Gòn.

Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ, Nguyễn Bính ở lại Nam Bộ tham gia kháng chiến. Ông từng phụ trách Hội văn nghệ cứu quốc tỉnh Rạch Giá, rồi Phó Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh tỉnh Rạch Giá, sau đó về Đồng Tháp Mười làm việc ở Ban Văn nghệ khu 8.

Khoảng cuối năm 1947,đầu năm 1948 Nguyễn Bính ra nhập Vệ quốc đoàn, trong thời gian này ông đã sáng tác bài thơ ca ngợi tiểu đoàn 307 lừng danh, bài thơ được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc. Ca khúc nhanh chóng trở nên nổi tiếng khắp vùng Đồng Tháp Mười và các chiến khu Nam Bộ rồi lan ra cả nước. Từ 1948 đến 1951, ông công tác ở Liên khu miền Tây.

Sau hòa bình tập kết ra Bắc, Bính lại về ở với gia đình Trúc Đường. Sau này lần lượt các bài thơ "Gửi người vợ miền Nam", "Đêm sao sáng", "Bức thư nhà"… ra đời. Về đất Hà Thành Bính được phân công về Nhà xuất bản Văn học. Nhưng tính tình vẫn như xưa, coi đời là một cuộc chơi triền miên, mà thiên hạ thì phải cung phụng nhà thơ. Công việc biên tập không hợp tạng ông. Ông uống rượu tợn, say khướt tối ngày. Tô Hoài đã miêu tả Nguyễn Bính trong thời gian này: "Con người anh trông lôm lam lắm. Tay chân thô nhám quềnh quàng, lúc nào cũng lừ đừ thủng thỉnh như „ông từ vào đền”, như người thong thả đi giữa làng. Lại lam lũ như vừa lướt mướt từ đồng sâu mò lên, dẫu cho anh đang mũ áo chững chạc trên đường phố. Khi nào anh cũng là người của các xứ đồng, của cái diều bay, của dây hoa lý, của mưa thưa, mưa bụi giữa mọi công ăn việc làm vất vả sương nắng".

Rồi Nguyễn Bính xoay xỏa tiền, ra tuần báo "Trăm Hoa", nhưng vốn chỉ biết làm thơ, không quen quản lý, chỉ sau vài ba số, hết tiền, "Trăm Hoa" đã chết không trống không kèn (*).

* Nguyễn Bính, thơ và những cuộc tình.

Nguyễn Bính đa tình, yêu nhiều và làm thơ tình rất nhiều. Ngay từ khi còn rất trẻ, khi ở cùng Trúc Đường, anh đã có một mối tình „thầm yêu trộm nhớ” với một cô bé tên Oanh bên sông Nhuệ. Kết quả là tập thơ "Tâm hồn tôi" (1937) và tập văn xuôi "Ngậm miệng ra đời". Thời gian ở Hà Nội, mối giao tình với nữ sĩ Anh Thơ, tác giả "Bức tranh quê", đã tạo cảm hứng cho tập "Hương cố nhân" (1941). Còn "Người con gái ở lầu hoa" - Tú Uyên - chính là Nguyễn Thị Tuyên, em gái nhà văn Nguyễn Đình Lạp (1913-1951). Những lần đi lại giao du với một đào nương trong xóm Yên Hoa đã để lại một đứa con và bài thơ "Có bấy nhiêu lời tâm huyết ấy", sau đổi lại thành "Oan nghiệt" khi in trong tập "Nước giếng thơi".

Thời gian còn ở Nam Bộ, năm1953, Nguyễn Bính về U Minh rồi lấy vợ. Người vợ miền Nam này của Nguyễn Bính là Hồng Châu, một phụ nữ có học, làm thơ, sau này trở thành một giáo viên và tham gia hoạt động cách mạng qua hai cuôc kháng chiến. Sau 1954, Nguyễn Bính tập kết ra Bắc, để lại Nam Bộ một người vợ trẻ và hai đứa con thơ, những người thân yêu mà từ đó trở đi cho tới lúc chết ông không bao giờ còn có dịp gặp lại.

Cũng theo Tô Hoài, thời gian làm báo "Trăm Hoa", Nguyễn Bính thường giới thiệu với bạn bè tới tòa soạn một cô gái, lúc ông bảo đấy là người yêu thơ, lúc lại bảo đó là thư ký đánh máy. Một thời gian sau lại bảo đấy là vợ, rồi hai người có với nhau một cháu gái, đặt tên là Hiền. Rồi cô gái ấy cũng bỏ ông và con mà đi. Đau lòng nhất là trong một lần quá say, Nguyễn Bính đã bế cháu Hiền ra ngã sáu Bà Triệu, rồi đưa cho một người đàn ông xa lạ. Đêm về tỉnh rượu, quờ tay sang bên không thấy con đâu ông mới vụt nhớ lại tất cả, mới lật đật chạy đi báo công an và nhờ bạn bè tìm giúp, nhưng vô vọng. Sau này mỗi khi nhắc đến chuyện thương tâm ấy, Nguyễn Bính lại khóc.

Năm 1964, khi được giới thiệu về Ty Văn hóa Nam Định, về lại quê hương sau hơn 20 năm lưu lạc, ông lại lập gia đình một lần nữa. Ông kết duyên với một phụ nữ cơ chỉ, nết na. Hàng ngày chị gồng gánh ra chợ Rồng bày ra mẹt quả chanh quả ớt, nhặt nhạnh từng xu, kiếm tiền mua rượu, đồ nhắm cho ông chồng thi sĩ. Nhưng rồi ông cũng chỉ ở với chị được ngót ngét hai năm.

Sau ngày Nguyễn Bính mất, Trúc Đường nói: ”Bính như người khát nước mùa hè. Yêu nhiều, thất bại không ít, có lúc thất tình, nhưng chỉ trong thơ thôi. Vì người trong mộng, trong thơ đến người ngoài đời là một khoảng cách khó khăn. Do đó thơ tình yêu của Bính có đôi bài đượm chua chát, đắng cay và nuối tiếc: Tiếc làm chi giấc chiêm bao một mình”.

* Cái chết thương tâm của Nguyễn Bính.

Ngọc Giao, một người bạn thân của Nguyễn Bính, kể: Vào một chiều cuối năm, chán cuộc sống buồn tẻ nơi tỉnh lẻ, buồn về gia cảnh nghèo nàn, túng bấn. Trong lúc thiên hạ nô nức đón xuân, Nguyễn Bính lững thững rời đất Vị Hoàng về một xóm ven thành. Tình cờ anh gặp một người lạ, tự xưng là Hân, y sĩ thời cũ, yêu thơ và mến tài tác giả "Lỡ bước sang ngang". Ông này cố mời thi sĩ về nhà uống rượu. Trong khi vợ tất tả ngược xuôi tìm chồng thì thi nhân và vị chủ nhà mến khách đang chén chú chén anh thi phú thù tạc dưới gốc mai nhà y sĩ Hân. Rượu đế ngon, đồ nhắm tốt, bạn hiền quá nhiệt tình, thi sĩ cứ uống tối ngày với đào mai. Rồi vào đúng chiều cuối năm cũ cách đây tròn 40 năm (20-1-1966), năm ấy tháng Chạp thiếu, 29 lấy làm 30 Tết, trong cơn say khướt, anh bước ra cầu ao nhà y sĩ Hân vốc nước ao bèo rửa mặt, rửa người. Lúc bước lên khỏi cầu ao, một cơn gió bấc ào đến, Nguyễn Bính thấy trời đất xoay tròn, ông chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi đổ xấp mình vào bùn nước. Năm ấy thi nhân mới vào tuổi 48. Ông vừa mổ dạ dày trước đó một tháng, có lẽ ông chết vì bục dạ dày.

Nhưnh dường như ông đã dự cảm trước cái chết của mính từ rất sớm. Trong tập "Hương cố nhân" xuất bản năm 1939, bài "Nhạc xuân", Nguyễn Bính đã viết:

Năm mới tháng Giêng mồng một Tết
Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân.
…Giờ đây chín vạn bông trời nở
Riêng có tình ta khép lại thôi.

Đúng vào lúc hoa xuân bừng nở, ông đã để lại nguyên vẹn mùa xuân cho đời, một mình lặng lẽ làm cuộc xê dịch cuối cùng vào cõi vĩnh hằng. Chẳng lẽ „một lời là một vận vào…”, chẳng lẽ trong thơ có ma có quỉ.

Sau khi mất, Nguyễn Bính được chôn cất một cách đơn giản tại nghĩa trang thị xã Nam Định. Ba năm sau, năm 1968, ông được cải táng, hài cốt ông được đưa về mãi tận nghĩa trang cạnh dãy núi Tam Điệp. Một thời gian dài thơ Nguyễn Bính rơi vào quên lãng, thơ ông không được in ấn, hầu như không được giảng dạy trong nhà trường.

Mãi hai mươi năm sau cái chết thương tâm của ông, "Tuyển tập Nguyễn Bính" được Nhà xuất bản Văn học và Hội văn học nghệ thuật Hà Nam Ninh hợp tác ấn hành với số lượng 40.500 cuốn và bán hết veo trong một thời gian ngắn. Rồi một loạt tập thơ chuyên đề của Nguyễn Bính ra đời, được bạn yêu thơ trong và ngoài nước nồng nhiệt đón nhận. Người ta chợt nhận thấy những giá trị đặc sắc của thơ Nguyễn Bính, mới thấy Nguyễn Bính là một tài thơ lớn, mới thấy để phần mộ của ông tận mãi Tam Điệp xa tít tắp có gì thật bạc bẽo. Di cốt Nguyễn Bính được đưa về chôn cất cạnh mộ ông nội tại khu „mả quan” ở rìa làng, quê nội. Tới cuối năm Canh Ngọ (1980), di cốt Nguyễn Bính lại được đưa từ khu „mả quan” về đặt giữa khu đất bốn sào, nằm giữa làng Thiện Vịnh, vốn là mảnh đất của cha mẹ, nơi ông đã sinh ra.

Vậy là sau gần 40 năm lưu lạc, Nguyễn Bính lại trở về nơi chôn rau cắt rốn của mình, yên nghỉ bên những hàng tre, rặng xoan, những bụi ruối, những đống rơm vàng gần gũi với ông từ thuở sinh thời.

Cuối năm 1992, Nhà tưởng niệm Nguyễn Bính được khởi công xây dựng trên chính mảnh đất cũ của gia đình, bên cạnh phần mộ nhà thơ. Chỉ cần đi qua phố Dần, huyện lỵ của Vụ Bản, cách thành phố Nam Định chừng 10 km, rồi từ phố Dần đi qua Trường trung học Vụ Bản chừng 3 km là bạn yêu thơ có thể thắp nén tâm nhang nghiêng mình trước phần mộ thi nhân Nguyễn Bính và thăm nhà tưởng niệm ông, thi sĩ „chân quê” của hồn xưa đất nước. (**)

(*) Về báo "Trăm Hoa", xin xem thêm bài "Nguyễn Bính và tuần báo "Trăm Hoa (1955-1957)" của nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân.

(**) Bài viết có tham khảo "Từ điển tác giả tác phẩm văn họcViệt Nam" (NXB Đại học Sư phạm, 2003); "Nguyễn Bính, thơ và đời" (NXB Văn học, 1998); "Cát bụi chân ai" (Tô Hoài, NXB Văn học, 1992), "Thi nhân Việt Nam" (Hoài Thanh & Hoài Chân, NXB Văn học, 1999).

Giáp Văn Chung


 
 Từ khóa: Nhà thơ Nguyễn Bính
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn