Xem Phần 1 của bài viết
Ngôi nhà của thi sĩ ở Nga Sơn (Thanh Hóa)
Nhà thơ Thanh Thảo nhận định, “
Màu tím hoa sim” mang một nỗi ám ảnh khôn nguôi của cả dân tộc Việt về chiến tranh, về những bi kịch trong chiến tranh”, và đó là lý do khiến độc giả cả hai miền đều ưa thích nó ngay từ khi đất nước phân ly.
Với niềm xúc cảm chân thành, màu tím hoa sim “
tím chiều hoang biền biệt” trong bi khúc ấy đã đi vào văn học sử Việt Nam và trở thành bất tử cùng tên tuổi của thi sĩ Hữu Loan. Đặc biệt, bài thơ đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc: Phạm Duy với “Áo anh sứt chỉ đường tà”, Anh Bằng với “Chuyện hoa sim”, Dzũng Chinh với “Những đồi hoa sim” và Duy Khánh với “Màu tím hoa sim”.
Tuy nhiên, khi sáng tác thi phẩm để đời ấy, Hữu Loan có lẽ chưa thể nghĩ rằng, đó là điểm khởi đầu cho chuỗi những đau đớn và bi thương trong đời ông. Dù rất được phổ biến trong quần chúng, bài thơ lại bị giới chức sắc văn nghệ coi là “
ủy mị”, “
tiểu tư sản”, “
làm giảm sức chiến đấu”, và bị cấm đoán.
Nói về lý do khiến bài thơ bị “đánh”, Hữu Loan hồi tưởng: “
Làm thơ lúc bấy giờ là phải ca tụng, trong khi đó tôi lại đề cao tình yêu, tôi khóc người vợ tử tế của mình, người bạn đời hiếm có của mình. Lúc đó tôi khóc như vậy họ cho là khóc cái tình cảm riêng... Y như trong thơ nói ấy, tôi lấy vợ rồi ra mặt trận, mới lấy nhau chưa được hơn một tháng, ở nhà vợ tôi đi giặt rồi chết đuối ở sông...
Tôi thấy đau xót, tôi làm bài thơ ấy tôi khóc, vậy mà họ cho tôi là phản động. Tôi phản động ở chỗ nào? Cái đau khổ của con người, tại sao lại không được khóc? (...) Làm thơ thì phải có cái tâm thật thiêng liêng thì thơ mới hay. Thơ hay thì sống mãi. Làm thơ mà không có tình, có tâm thì chả ra gì!”.
Là một con người có tài, có tâm và có khí phách, ngay trong thời gian nhiệt thành theo kháng chiến, Hữu Loan đã chủ trương người nghệ sĩ phải được nói lên điều mình suy nghĩ và ủng hộ đường lối tôn trọng văn nghệ sĩ của giới lãnh đạo văn nghệ, mà lúc ấy tướng Nguyễn Sơn là một gương mặt sáng giá.
Tuy nhiên, sau năm 1951, bầu không khí dân chủ trong sáng tác bị đình chỉ, văn nghệ sĩ bắt đầu bị ép theo xu hướng “văn nghệ minh họa”, lại được chứng kiến những cảnh tượng hết sức thương tâm trong các cuộc đấu tố dã man thời cải cách ruộng đất - mà một nạn nhân là cha mẹ bà Phạm Thị Nhu, người sau là vợ thứ của ông - Hữu Loan đã phẫn nộ xin giải ngũ và bỏ về quê đi cày cho đến năm 1954.
Lúc đó, có điện mời ông lên Hà Nội làm biên tập cho báo “Văn nghệ”, và làm hội viên Hội Nhà văn. Tình yêu tự do, công bằng, ghét những kẻ xu nịnh, kèn cựa, đố kỵ bẩn thỉu là nguyên nhân khiến ông hào hứng cùng các bạn hữu trong giới nghệ sĩ - như Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm, Văn Cao... - tham gia phong trào Nhân văn Giai phẩm mà người khởi xướng là cụ Phan Khôi và thủ lĩnh tinh thần là
Nguyễn Hữu Đang.
Mục đích chính của hành động này, như Hữu Loan thuật lại, là để: “
Chống chính sách độc tài, đồng thời chống những kẻ bồi bút đan tâm lừa thầy phản bạn, dốc tâm ca ngợi cái này cái nọ để kiếm chút cơm thừa canh cạn”. Thi phẩm “Cũng những thằng nịnh hót” của ông, sáng tác tháng 9-1956 và đăng trên “Giai phẩm mùa Thu” tập II, chính là một cái tát nhằm vào những kẻ như thế:
Một điều đau xót
Trong chế độ chúng ta
Trong chế độ Dân chủ Cộng hoà
Những thằng nịnh còn
thênh thang
đất sống
(...)
Những mồm
không tanh tưởi
Ngậm vòi đu đủ
Trợn mắt
Phùng mang
Thổi vào rốn cấp trên
“Dạ, dạ, thưa anh…
Dạ, dạ, em, em…”
Gãi cổ
Gãi tai:
“… anh quên ngủ
quên ăn
nhiều quá!
Anh vì nước
vì dân
hơn tất cả
từ trước đến nay”
Chân xoa
và xoa tay,
Hít thượng cấp
cứ thơm
như múi mít
(...)
Nguy hiểm thay,
Thật khó mà trông:
Chúng nó ngụy trang
Bằng tổ chức
bằng quan điểm nhân dân
bằng lập trường
chính sách
Chúng nó
còn thằng nào
Là chế độ ta
chưa sạch
Phải làm tổng vệ sinh
cho kỳ hết
mọi thằng
Trên bình diện văn nghệ, Hữu Loan còn lên tiếng phê phán gay gắt một số “tác phẩm” được ca tụng thời ấy, thực chất chỉ mang tính hò, vè ca ngợi cách mạng, ca ngợi lãnh tụ và cái gọi là “
quần chúng lao động” một cách thô thiển, mà không có chút nghệ thuật nào. Cùng Hoàng Cầm và Trần Duy, trên tờ “Nhân văn” số 2, Hữu Loan cũng đã có bài viết đanh thép và dứt khoát “
cực lực phản đối luận điệu vu cáo chính trị”, để trả lời những quy chụp, mạ lỵ trên báo “Nhân Dân” đối với phong trào Nhân văn Giai phẩm.
Không có gì khó hiểu khi phong trào bị dập tắt vào năm 1958, Hữu Loan đã bị kiểm thảo nặng nề, rồi phải đi cải tạo. Trong số các văn nghệ sĩ, ông là người hiếm hoi đã giữ vững chí khí, không nhận tội, không tố oan cho người khác, và quyết định rời chốn thị thành về quê sinh sống.
Ba chục năm sau, bà Phạm Thị Nhu, vợ sau của ông, đã kể lại những tháng ngày khó nhọc ấy: “
Khi ông nhà tôi quyết định bỏ về quê, gia đình rất túng bấn, bản thân tôi phải may khâu kiếm thêm. Lúc ấy ở quê lại đang chuẩn bị lên hợp tác xã, ông nhà tôi chỉ băn khoăn là về quê vợ con sẽ khổ, song ông bảo tôi: “Thôi thì bà với các con chịu khổ để cho tôi được sống lương thiện. Tôi mà chịu khó hót thì nhà lầu xe hơi sung sướng đấy, nhưng tôi không làm được.”
Ông ấy viết 4 lá đơn xin về, trong vòng hai năm mới được giải quyết. Lần cuối còn có hai anh cán bộ đến nhà vận động ông ở lại. Họ nói từ sáng đến trưa, ông bèn cầm cây bút lên bẻ làm đôi, bảo: “Làm cán bộ, làm nhà văn khó lắm. Viết vừa lòng nhà nước thì dân chửi cho, viết vừa lòng dân thì có thể đi tù như chơi. Thôi tôi về đi cày.” Hai anh ấy lại nhờ tôi khuyên ông. Tôi bảo: “Nhà tôi đã quyết thì không ai nói được đâu.”
Chúng tôi nuôi 10 đứa con khôn lớn thật vô cùng vất vả. Ông nhà tôi đi thồ đá, tôi làm 2 sào ruộng, lại xay bột làm bánh bán ở chợ. Hôm nào bán ế là gánh về một gánh nặng, cả nhà ăn trừ bữa. Tôi cứ xào một xoong to toàn các thức rau, các con đi học về là nhào vào múc ăn thay cơm. Ba đứa trai lớn thì hàng ngày phải dậy từ 3 giờ sáng, kéo 3 xe chuyến xe cải tiến chở đá từ trên núi xuống hồ cách 2 cây số, bán cho các thuyền rồi mới ăn vội bát cơm độn để chạy bộ 7 cây số đi học.”
Nhà thơ nổi tiếng với những vần thơ lãng mạn về màu sim tím, nay trở thành con người lao động chân tay, làm đủ mọi nghề vất vả để mưu sinh mà vẫn bị làm khó dễ: “
Tôi bỏ tôi về, tôi phải đi cày đi bừa, đi đốn củi, đi xe đá để bán. Bọn họ bắt giữ xe tôi, đến nỗi tôi phải đi xe cút kít, loại xe đóng bằng gỗ, có một bánh xe cũng bằng gỗ ở phía trước, có hai cái càng ở phía sau để đủn hay kéo. Xe cút kít họ cũng không cho, tôi phải gánh bộ. Gánh bằng vai tôi, tôi cũng cứ gánh, không bao giờ tôi bị khuất phục”.
Không chỉ phải sống cực nhọc, Hữu Loan còn luôn trong cảnh bị quản thúc, giam lỏng và nhiều nỗi hiểm nguy rình rập. Như chính ông hồi tưởng: “
Họ theo dõi, ngăn cản, đi đến đâu cũng có công an theo dõi, cho người hại tôi... (...) Trong mấy chục năm dài, tôi về quê an phận thủ thường, chẳng màng đến thế sự, ngày ngày đào đá núi đem đi bán, túi dắt theo vài cuốn sách cũ tiếng Pháp, tiếng Việt đọc cho giải sầu, lâu lâu nổi hứng thì làm thơ, thế mà chúng vẫn trù dập, không chịu để tôi yên”.
Trong nhiều năm ròng không đến được với thơ, nhưng chính thơ đã có lần cứu mạng sống của Hữu Loan. Thi sĩ thuật lại, có lần, một tay công an mật thú nhận được giao lệnh giết ông, nhưng anh này quê ở Yên Mô, một mảnh đất mà ông từng làm thơ và người công an thì thường hay lấy ra đọc cho đỡ nhớ nhà, nên cuối cùng đã không nỡ ra tay với thi sĩ.
Sau “
30 năm tự chôn và bị chôn mình ở chốn quê nghèo đèo heo hút gió” (lời Hữu Loan), năm 1988, trong thời kỳ “mở cửa”, cùng các bạn văn nghệ cũ, nhà thơ cũng được mời lại vào Hội Nhà văn, nhưng ông cương quyết từ chối. Hơn thế nữa, “
gian nan lòng không nhợt” (“Đèo Cả”), ông còn “ tái xuất giang hồ” với một hành động quả cảm: lang bạt gần một năm trời theo chuyến đi xuyên Việt do Hội Văn nghệ Lâm Đồng và “Tạp chí Langbian” tổ chức để đòi tự do sáng tác, tự do báo chí - xuất bản và đổi mới thực sự.
Khí phách ấy, Hữu Loan đã giữ được cho đến cuối đời, và khiến ông được hậu thế khâm phục như một trí thức nổi bật, “
một con người cương cường, dám sống cho những điều mình tin, mình yêu và mình nghĩ”, như đánh giá của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên khi ông từ trần.
Cả đời, Hữu Loan sáng tác không nhiều, nhưng ông vẫn được coi là một gương mặt thi nhân nổi tiếng của Việt Nam thế kỷ XX. Như lời ông tự nhìn nhận về sự nghiệp của mình: “
Tôi làm thơ không nhiều, toàn bộ gia tài thơ có khoảng 40 bài nhưng bài nào cũng được khen hay. Thơ tôi không giống ai, ngắt câu, lên xuống dòng tùy ý. Vậy mà lạ: đọc nghe lúc nào cũng mới”.
“
Khóc vợ, có hoa tím phân ưu, tiếng khóc hóa lời ca, “thăm thẳm chiều hoang” thành bất tử!” - xin được mượn vế đối viếng Hữu Loan của TS. Hà Sỹ Phu từ Đà Lạt như một lời tiễn biệt một nghệ sĩ lớn, một nhân cách “
uy vũ bất năng khuất” của quê hương Việt Nam!