NGÀY CỦA MẸ

Thứ sáu - 10/05/2013 22:48

(NCTG) “Tôi ngồi vào máy, trên Facebook lũ lượt các status nhớ mẹ, thương mẹ, mong mẹ, muốn sống với mẹ trọn đời cùng những bài hát ca tụng mẹ, các câu chuyện cảm động về tình mẹ trôi qua home nhà tôi. Nước mắt tôi chảy dài, mặn chát!”.


Minh họa: Internet

Ban biên tập nhắc: “Sắp tới Ngày của Mẹ rồi, chuẩn bị bài nhé”.

Ngoài trời bỗng đen sầm lại, gió từ đâu thổi tới cánh cửa kính rung lên, căn phòng rung lên. Tôi đứng dậy mở tung cửa kính cho hơi mát ùa vào, cây xà cừ bên đường rùng rùng trút lá vàng cả thảm bay chao nghiêng trong gió.

Tôi sẽ viết gì về Mẹ nhỉ?

Tuổi thơ của tôi là hình ảnh những người hàng xóm, những bạn cũ của cha và mẹ ngày đêm đứng ở cổng bấm chuông, đập cổng ầm ĩ gọi mẹ. Họ chờ ở đó từ sáng tinh mơ cho đến đêm khuya đợi cha tôi về và sau khi cha về, mọi người ùa vào nhà chật kín, trên tay ai cũng là một tờ giấy ghi nợ có chữ ký của mẹ.

Tuổi thơ của tôi là hình ảnh những trận đòn của cha đánh mẹ, cứ dây điện gập đôi cha quật mẹ tới tấp, quật từ lúc các con nợ còn đứng chật trong nhà cho đến lúc không còn ai, vừa quật cha vừa chửi:

- Mày chết đi, con quỉ!

Mẹ vừa quì lết dưới sàn nhà vừa khóc van xin cha thương các con và nhẹ tay với mẹ. Cha lại bồi thêm một cái quật oằn lưng mẹ kèm câu:

- Mày không được lôi các con bao che cho tội ác của mày!

Hai anh em tôi sợ rúm người ôm nhau nép kỹ trong góc nhà. Thường cha dừng đánh mẹ khi cha kiệt sức rồi lăn ra đâu đó trong nhà ngủ vùi - khi đó, đợi cha đã nằm im một chỗ hai anh em tôi mới ra khỏi góc nhà đến bên mẹ, nhấc mẹ vào giường và lấy mật gấu xoa cho mẹ.

Rồi cha bán nhà, mua một ngôi nhà khác nhỏ hơn ở ngoại thành, cha an ủi anh em chúng tôi chịu khó sống trong nhà nhỏ, chịu khó đi học xa vì cha không muốn mẹ bị người ta đánh, bị người ta cho vào tù và cha cũng không muốn bỏ mẹ vì nếu cha lấy người khác về các con sẽ khổ.

Về nhà mới cha không đánh mẹ nữa, nhưng ngay sau khi ổn định nơi ở mới, cha nói với tất cả hàng xóm chung quanh là mẹ đề đóm, cờ bạc nên phải bán nhà trả nợ về đây ở, cảnh báo hàng xóm không được cho mẹ vay tiền và không được để mẹ dụ dỗ vào con đường đề đóm.

Gia đình tôi sống yên ổn như vậy trong thời gian rất dài khiến chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc. Ngày ngày cha đi làm, anh em chúng tôi đi học, mẹ ở nhà dọn dẹp chợ búa cơm nước. Giờ hai anh em chúng tôi đều đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm bắt đầu có chút thu nhập để cùng cha lo ăn uống trong nhà và cũng bắt đầu nghĩ đến một lúc nào đó đủ tiền sẽ xây lại căn nhà cho đàng hoàng hơn.

Mọi việc vẫn nằm trong dự tính và ước mơ như vậy thì một hôm trở về nhà không thấy mẹ đâu. Nhà cửa vắng tanh vắng ngắt, gọi di động thì mẹ tắt máy. Ba cha con chưa biết mẹ đi đâu thì mấy người hàng xóm thấy có người về thi nhau kéo đến. Một người, hai người, rồi rất nhiều người - cứ như họ đứng chờ ở đâu đó, chỉ cần có người về là xộc vào, trên tay ai cũng là một tờ giấy ghi nợ có chữ ký của mẹ.

Hình ảnh cũ, ký ức tuổi thơ ùa về, chúng tôi sợ rúm người nép vào bên cha. Cha gầm lên:

- Tôi đã cảnh báo các người rồi cơ mà?

Bỗng cha mím chặt môi, mặt đỏ bừng hai mắt trợn ngược lên… Cha đã mất khi chỉ còn cách bệnh viện không xa…

Tôi sẽ viết gì về Mẹ đây? Khi sau đám tang cha, anh em tôi ngồi cộng số tiền trên các tờ giấy ghi nợ của hàng xóm vượt quá số tiền nếu anh em chúng tôi bán căn nhà đang sống để trả nợ cho mẹ.

Ngay sau đó, chúng tôi phải ký cam kết với từng người một là sẽ lo trả tiền thay mẹ để mẹ được về nhà không phải sống chui lủi đâu đó.

Tôi sẽ viết gì về Mẹ đây? Khi chúng tôi hỏi mẹ dùng nhiều tiền như thế sử dụng vào việc gì, mẹ nói mẹ nuôi con bốn mốt sáu mươi ngày, đến ngày thứ sáu mốt mẹ nản thì nó ra. Và mẹ cay cú bảo, đáng nhẽ cố thêm một ngày nữa thì thừa tiền trả nợ.

Khi tôi không hiểu sao số tiền nợ lại lên nhiều như thế, mẹ giải thích là mười năm rồi, và nhiều là do mẹ vay chỗ này đập vào chỗ kia và mẹ còn bảo đấy là người ta cho mẹ vay hai phần trăm thôi đấy, chứ chín phần trăm như ở phố thì số tiền còn nhiều hơn nữa.

Tôi sẽ phải viết gì về Mẹ đây? Khi hôm qua đứa bạn thân của tôi gọi điện cho tôi, ngập ngừng nhắc tôi là tiền mẹ tôi vay cho tôi mua xe máy đã quá hạn cả năm rồi mà tôi không trả.

Tôi đưa tay vuốt mặt, ướt đầm, chợt rùng mình thấy lạnh dọc sống lưng và lúc này mới biết ngoài trời mưa từ lúc nào ấy, mưa to xối xả…

Tôi ngồi vào máy, trên Facebook lũ lượt các status nhớ mẹ, thương mẹ, mong mẹ, muốn sống với mẹ trọn đời cùng những bài hát ca tụng mẹ, các câu chuyện cảm động về tình mẹ trôi qua home nhà tôi.

Nước mắt tôi chảy dài, mặn chát!

Tôi sẽ viết thế nào về Mẹ cho Ngày của Mẹ đây?

Hiền Lương, từ Hà Nội


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn