CHÓ

Thứ năm - 04/12/2014 10:01

(NCTG) “Chí Phèo khi xưa rạch mặt ăn vạ có giống thế không mà làm cho Bá Kiến hoảng sợ? Còn con chó ghẻ bệnh hoạn kia, có dọa nạt xua đuổi được ai ngoài một sự ghê ghê và ái ngại?”.



Quanh năm bận rộn, may còn có kỳ nghỉ hè của bọn trẻ là dịp để cả nhà đi nghỉ cùng nhau.

Chiều nay chúng tôi đi dạo biển. Cảnh vật thật thanh bình.

Dạo dọc bãi biển, thấy một điều nhãn tiền là rất ít chó. Người ta không nuôi chó để giữ vệ sinh cho vùng biển thiên đường của xứ sở văn minh.

Nhưng rồi tôi phải chỉnh đốn lại tư duy của mình ngay. Từ trong một ngõ nhỏ có vẻ nghèo nàn, vọng ra tiếng gầm gừ của chó lẫn với tiếng quát mắng của chủ nhà.

Ở đây nhà sát nhà. Một bản nhạc mở ra hàng xóm cùng nghe chung. Một lời quát mắng cũng kinh động láng giềng. Văn minh chòm xóm được mã hóa cao độ từ những văn minh làng xã tôi biết từ xưa. Nhưng tất nhiên có sự khác nhau về chất. Làng quê Việt nghèo đói nên thông thống sang nhau bởi chẳng có gì để mất. Còn ở đây, dân họ quá đầy đủ, chỉ lo hưởng thụ cái mình đã và đang có thôi, một cuộc đời cũng là quá ngắn. Nói gì đến bon chen giành giật hay cướp đoạt của ai cái gì.

Lại nói về tiếng chó gầm gừ. Chúng tôi nhìn ngay thấy cảnh tượng đang phơi bầy. Có lẽ cho đến lúc này, tôi quên mất trong đời mình đã bao giờ nhìn thấy cái gì chán hơn, xấu xí và bần hàn hơn hình ảnh trước mắt.

Con chó ốm nhách, gầy trơ xương, lông rụng từng đám đang nằm xoài trên sàn gặm một cục xương. Tiếng gầm gừ là do nó vừa gặm xương, vốn đã trơ hết thịt, vừa làu bàu một mình theo đúng kiểu chó. Bên cạnh không xa là mấy con chó khác no nê thỏa thê nằm ườn ra phơi nắng. Có vẻ là một gia đình chó, nhưng những con còn lại quá đỗi bình thường. Chúng khỏe mạnh, hiền lành và giữ miệng như những con chó văn mình ở xứ sở này. Chẳng có gì có vẻ đe dọa cục xương của con chó ốm, nhưng có lẽ biết mình thân tàn lực kiệt lại xấu xí nên nó cứ gầm gừ, ằng ặc trong họng như sợ bị tranh mất miếng mồi vốn đã được giữ khư khư trong hai cẳng chân trước đang lở loét.

Tôi bất giác phì cười:

- Đúng là chó già giữ xương!

Thế là lũ trẻ lại có thêm câu thành ngữ mới về chó bắt mẹ phải giải thích. Lần đầu tiên là câu “chó có váy lĩnh” mà chúng nó vẫn xử dụng rất đúng ngữ cảnh, có điều không đúng đối tượng làm tôi nhiều khi dở cười dở mếu.

Lần sau, là câu “yêu chó chó liếm mặt”. Nhưng lần ấy chúng chả thu hoạch được điều gì. Vì chúng ngây thơ lý luận:

- Chó liếm mặt thích chứ Mama. Ai mà không thích được chó... hôn!

Còn lần này, có vẻ chúng háo hức với câu thành ngữ mới: “Chó già giữ xương”.

Tôi chưa biết bắt đầu thế nào. Lũ trẻ sinh ra và lớn lên ở đây. Chúng yêu chó như yêu người. Nhà cũng có chó, hết sức cưng chiều. Nhưng ở Việt Nam, ghét ai người ta ví với chó. Ngu như chó, ác như chó, bẩn như chó... Đó là chưa kể còn trộm chó, ăn thịt chó...

Con chó nhìn rất tội. Không biết khi mới sinh ra nó có từng xinh xắn béo tốt không. Chỉ thấy trước mắt nó lê lết trên sàn, ằng ặc như trút hết hơi tàn vào khúc xương như bố thí của đồng loại. Người ta vẫn nói “trông mặt mà bắt hình dong”. Đã xấu lại còn ốm yếu ghẻ lở, nó hẳn không phải là một con chó may mắn. Có lẽ vì thế nên bản năng sinh tồn thúc đẩy nó đánh hơi thấy sự không an toàn mặc dù không ai tranh giành với nó. Khúc xương thừa chắc là thứ tài sản quý giá nhất, nên nó cứ hậm hực, tru tréo làm cả một vùng yên tĩnh bị xáo trộn. Bà chủ nhà chạy ra, hàng xóm chung quanh nhìn xuống. Khu vực thanh bình bị một con chó cái mải giữ mồi làm cho vấy bẩn bởi những âm thanh chó má.

Hình như con chó ghẻ biết được lợi thế của kẻ phẫn chí, nên nó càng gào rú gầm gừ tợn. Những hàng vú thẽo thọt teo tóp lết trên sàn. Không biết chó ghẻ đã từng có những phút giây hạnh phúc lứa đôi, từng được làm mẹ trước khi đổ bệnh chưa? Mắt mũi kèm nhèm toàn nhử long lên những ánh nhìn vừa hiểm ác của giống chó cái, vừa khụm lụm van xin, vừa ra chiều hiếp đáp đối phương. Chí Phèo khi xưa rạch mặt ăn vạ có giống thế không mà làm cho Bá Kiến hoảng sợ? Còn con chó ghẻ bệnh hoạn kia, có dọa nạt xua đuổi được ai ngoài một sự ghê ghê và ái ngại?

- Các con thấy mấy con chó kia không? Một gia đình chó đấy. Họ có no đủ không, có hạnh phúc không?

- Có. Chúng nó no đủ vì lông nó mượt - thằng út nhận xét.

- Ai mà biết chúng nó có hạnh phúc hay không. Nhưng chúng không buồn - con chị nối theo.

- Thế tại sao con chó ghẻ kia lại vừa ăn vừa làu nhàu mặc dù không ai thèm tranh với nó? - tôi gợi ý.

- Tại nó ốm và xấu xí - con chị.

- Tại không ai yêu nó - thằng em.

- Tại nó đói. Khúc xương bị gặm hết rồi. Tưởng là to mà chả có gì - con lớn thủng thẳng đáp.

- Cái đó gọi là “chó già giữ xương”. Không ăn được nhưng cố giữ cho bằng được. Rồi cậy ốm nằm đó gầm gừ sủa bậy. Các con xem có ai thèm để ý đến nó đâu. Ngoài một chút tò mò và thêm một câu ngạn ngữ mẹ dạy cho các con.

Chợt bà chủ nhà đi đến. Có lẽ bà điếc tai quá. Bụp. Bà lấy cái chổi quơ một cái. Cục xương văng mất.

Con chó ghẻ kêu đánh ẳng một cái, cụp đuôi chạy vào gầm ôtô, giương đôi mắt đờ đẫn nhìn lũ chó béo tốt no đủ đang rỡn với nhau ngoài sân. Chẳng con nào thèm để ý đến nó. Những tiếng tru thê thảm của con vật làm tôi thoáng buồn.

Giá nó đừng gầm gừ sủa bậy, không làm điếc tai hàng xóm, thì có phải vẫn có cái mà gặm cho qua cơn vật không?

Chúng tôi định bước đi, thì con chó lại tru lên thê thảm như thể có ai cắt tiết. Tôi buột miệng:

- Chó sủa người vẫn đi.

May không đứa nào nghe thấy. Nếu không chúng lại bắt cắt nghĩa thì hỏng mất cuộc vui. Thôi để dịp khác.

Thymianka Thảo Nguyên, từ Berlin - Viết bên bờ biển Split


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn