TẬP HUẤN PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY

Thứ tư - 17/12/2014 18:52

(NCTG) Đầu tháng cơ quan thông báo sẽ có cuộc tập huấn về kiến thức phòng cháy chữa cháy (PCCC), điều này vô cùng cần thiết và quan trọng, vừa là chủ trương của cấp trên, vừa là vấn đề thiết thực trong cuộc sống. Lãnh đạo cơ quan quyết định cho anh em nghỉ hẳn một ngày để dự tập huấn.


Minh họa: Internet


Đúng giờ, báo cáo viên có mặt. Ấn tượng tốt đầu tiên, chàng báo cáo viên điển trai, cao to, vạm vỡ, đầu tóc gọn gàng, tỉa tót cẩn thận, ăn mặc rất lịch sự, có gu, hợp thời trang.

Ấn tượng đẹp thứ hai, chàng sải những bước dài, dứt khoát lên bục sân khấu hội trường, đi sau là một cậu trợ lí xách theo máy móc, dụng cụ trực quan đầy đủ. Mọi người nín thở theo dõi từng động tác của hai thầy trò.

Sau khi kết nối máy móc, đặt một dãy các loại bình cứu hỏa xếp hàng trên trên chiếc bàn con trải khăn trắng muốt, chàng đứng ngay ngắn, hai tay bắt vào nhau trước bụng như dáng các MC truyền hình, hắng giọng tự giới thiệu.

Giọng chàng báo cáo viên ấm, âm vực cao, khỏe, vào đề rất điệu nghệ, câu chữ trơn tru, có vẻ thu hút được mọi người trong hội trường lắng nghe.

Ấn tượng tốt đẹp thứ ba, cấu trúc bài giảng của chàng rất bài bản. Mở đầu là tác hại và các nguy cơ của hỏa hoạn, kèm thống kê về các vụ hỏa hoạn, hướng dẫn cách xử lý khi có hỏa hoạn, giới thiệu các loại bình và chất liệu chữa cháy… Chàng diễn thuyết rất nhiệt tình, thao tác thực hành chính xác, nhanh gọn, nói đến đâu cho trình chiếu hình ảnh minh hoạ đến đấy.

Những bó dây điện thành chùm trước cửa nhà, rất quen thuộc trên phố phường Hà Nội, các bình ga cũ được tái chế rõ các vết hàn sơ sài, ga bị pha hóa chất Trung Quốc nhằm ăn gian trọng lượng, hóa chất ấy lại có khả năng ăn mòn kim loại, làm bình dễ bị rò rỉ… là những tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn.

Bài giảng của báo các viên rất thu hút, cảm giác như nguy cơ hỏa hoạn đang treo lơ lửng trên đầu mỗi gia đình của những người đang ngồi trong hội trường. Mọi ánh mắt đầy lo lắng.

- Ga nhà mình cháy lúc xanh lúc đỏ, thỉnh thoảng lại cháy bùng lên.

-  Nhà tôi mới lấy bình ga hôm qua, không biết có bị bình rởm không?

- Chết, chết! Lâu nay sống chung với tử thần mà không biết.

- Phải đổi sang bếp từ thôi…

- Bếp từ lại liên quan đến điện. Hệ thống đường điện nhà các anh chị có thiết kế phục vụ đủ công suất cho dàn bếp từ không? Mà chập cháy điện cũng khủng khiếp không kém gì cháy nổ bình ga – báo cáo viên chăm chú lắng nghe các ý kiến rồi bồi thêm cho học viên một quả lo lắng đầy bế tắc…

Những tiếng rì rầm to nhỏ xôn xao khắp hội trường, có người sốt ruột như muốn lao ngay về nhà. Chờ cho hội trường lắng xuống, báo cáo viên trầm giọng:

- Đây là một số vụ hỏa hoạn thương tâm xảy ra trên chính địa bàn Hà Nội, do sự thiếu hiểu biết của chúng ta…

Hình ảnh những ngôi nhà bê-tông đổ sập, cửa sắt, cửa gỗ lim bật bản lề bay ra phố, cột điện đổ, cửa kính vỡ vụn… cho thấy sức công phá của các chất cháy nổ; cảnh người bị bỏng đen sì, người thì quấn băng trắng toát từ đầu đến chân, cảnh đám tang những người xấu số trong đó có những bé con tuổi nhi đồng, độ tuổi bằng phần lớn con cái của hai phần ba nhân viên cơ quan.

Nhiều khuôn mặt quay đi không dám nhìn, nhiều người thút thít khóc, bầu không khí ngột ngạt bao trùm hội trường. Báo cáo viên lên tiếng tiếp:

- Chúng ta lăn lộn làm việc, kiếm tiền để làm gì ạ? Vâng, tất nhiên vì con cái chúng ta. Con cái chúng ta là tất cả. Nhưng tại sao lại để sự vô tình thiếu hiểu biết của người lớn mà cướp đi sinh mạng của những thiên thần vô tội? Cha ông ta đã dạy “phòng cháy hơn chữa cháy”…

Chàng tiếp tục thao thao bất tuyệt về các cách phòng cháy, không quên nhấn mạnh từng từ cho thấy mức độ quan trọng của sự việc và lồng ghép tiếp các nguy cơ hỏa hoạn rình rập trong từng ngôi nhà, từng căn bếp.

Cả hội trường cố gắng đinh ninh những lời dặn dò ân tình ấy, chỉ mong sao sớm được truyền đạt cho người thân. Phải nói rằng hiếm có buổi thuyết trình nào thành công và bài bản như thế. Chờ cho sự lo âu đủ ngấm vào từng đường gân, thớ thịt của các học viên, hàng trăm ánh mắt đổ dồn đầy mong chờ về phía mình, báo cáo viên nói rành rọt từng tiếng:

- Ý thức được mức độ nghiêm trọng của nguy cơ hỏa hoạn, trên thế giới người ta đã phát minh ra không chỉ các công cụ báo cháy mà còn có thiết bị báo rò rỉ ga. Khi một lượng ga bị rò rỉ đủ gây phát nổ, thiết bị này sẽ kêu liên tục cho đến khi chúng ta xử lý xong sự cố.

Vừa nói, chàng báo cáo viên vừa lấy một hộp giấy, lôi ra một thiết bị hình chữ nhật, bằng khoảng bàn tay, mô tả cách sử dụng và thực hành thử. Sau khi cắm điện, anh ta lấy ra một chiếc bật lửa, dí sát vào thiết bị, bật lẫy nhựa cho hơi ga bay ra, trong vài giây, thiết bị kêu inh ỏi, chói tai.

Cả hội trưởng chuyển từ trạng thái lo sợ sang phấn khích, mọi người nhao lên hỏi tên tiết bị, nhiều người sẵn điện thoại chụp ngay thiết bị. Một cô nhân viên phòng tôi giơ tay xin phát biểu, chưa được cho phép cô đã cất tiếng:

- Anh có bán cái máy này không ạ?

- Tôi đến đây không phải để bán hàng, đây chỉ là thiết bị minh họa cho buổi tập huấn.

- Vậy chúng tôi có thể mua thiết bị ấy ở đâu, anh làm ơn chỉ giúp?

- Vâng, thực ra các anh chị có thể tìm mua thiết bị này ở tất cả các cửa hàng bán đồ điện. Tuy nhiên, xin cảnh báo là sản phẩm trên thị trường chủ yếu là của Trung Quốc, giá khoảng hơn hai trăm nghìn đồng một chiếc, khá rẻ nhưng các anh, chị biết hàng Trung Quốc rồi đấy. Ngoài ra, ở các nước như Mỹ, Nhật cũng có thiết bị này nhưng giá thành khoảng hai đến ba triệu đồng một chiếc. Các anh chị có bà con cô bác ở nước ngoài có thể gửi mua hàng xách tay về.

Nhiều ánh mắt bừng lên hy vọng rồi lại vụt thất vọng, tiếng xì xào nổi lên. Hàng Trung Quốc thì không tin nổi, hàng Mỹ, Nhật thì khá đắt mà biết gửi ai mua bây giờ. Cô nhân viên lúc trước lại đứng lên:

- Anh có thể cho biết thiết bị anh đang dùng là của nước nào không ạ? Chúng tôi muốn mua cái giống của anh cho đảm bảo, vì các anh trong ngành thì lựa chọn chắc phải chuẩn rồi.

Mọi người cùng ồ lên tán thưởng. Chàng báo cáo viên thấp giọng xuống:

- Tôi có một thông tin bí mật, thực ra không được phép tiết lộ, nhưng quả thực thấy các anh, chị ở đây rất lo lắng nên tôi bật mí, cũng là làm việc phúc giúp các anh, các chị. Sản phẩm mà tôi giới thiệu là thiết bị báo rò rỉ ga của Nhật. Giá thành vào khoảng một triệu sáu trăm ngàn đồng. Đây là giá thành khá cao với thu nhập của người lao động Việt Nam. Do đó Bộ Công an đã đề nghị với phía Nhật Bản cung cấp cho chúng ta dây chuyền sản xuất thiết bị này. Nhưng họ không đồng ý. Gần đây, do mối quan hệ hai nước có nhiều tiến triển, họ đã đồng ý chuyển nhượng bản quyền công nghệ sản xuất cho ta. Vì Bộ Công an độc quyền sản xuất nên thiết bị này mới đang chỉ ưu tiên phân phối nội bộ và cấp cho một số đơn vị có ý thức phòng cháy chữa cháy tốt. Giá thành sản xuất ở Việt Nam là sáu trăm tám mươi ngàn đồng một chiếc. Tin vui cho các anh, chị là trong nội bộ sẽ được giảm hai trăm ngàn đồng một chiếc. Tôi thấy đơn vị ta các anh chị em đều có ý thức rất tốt nên sẽ đề xuất lên Bộ ưu tiên bán giá phân phối cho các anh chị có mặt ở đây, mỗi nhà được một chiếc. Lưu ý là chỉ những ai có mặt thôi ạ, các anh, chị vắng mặt sẽ không có được ưu đãi này. Các anh, chị điền giúp thông tin vào tờ phiếu này và nộp ngay lại cho tôi.

Chàng lấy ra một xấp giấy như hóa đơn đăng ký mua hàng có yêu cầu cung cấp cả địa chỉ gia đình và số điện thoại. Sếp tôi rảo bước lên bục xin phép sẽ đánh máy gửi danh sách sau nhưng anh chàng báo cáo viên nói là không được vì không kiểm soát được số lượng, phải thu ngay giấy đăng ký.

Chẳng để ý điệu cười mát của sếp, các nhân viên nhao nhao xin tờ đăng ký và rối rít điền thông tin. Có người còn năn nỉ anh ta cho mua thêm hai cái để tặng bà nội, bà ngoại.

Buổi tập huấn kết thúc trong hỉ hả. Tiếng nói cười ríu rít. Hiếm khi có buổi học nào có ý nghĩa thế. Mọi người đua nhau khen thầy giảng nhiệt tình, người đâu mà có trách nhiệm và tốt tính thế! Nhà tao, nhà mày… đăng ký được hẳn ba cái, rẻ được sáu trăm nghìn cơ đấy, may ơi là may! Thế là từ nay không lo cháy nổ, hỏa hoạn nữa, mà phải tuyên truyền cho nhà hàng xóm chứ không nhỡ nổ nhà nó lan sang nhà mình thì sao!...

Sếp trưởng cơ quan tôi lặng lẽ, không lời đi sau cùng. Cũng chả ai chú ý đến ông vì họ còn đang mải hoan hỉ với niềm vui giải tỏa được nỗi lo hỏa hoạn. Không ai trong số họ biết được rằng ngày hôm đó anh chàng báo cáo viên đã bán một lúc được gần hai trăm sản phẩm báo động rò rỉ ga sản xuất tai Việt Nam, đắt hơn của Trung Quốc gần gấp ba lần.

Cũng không ai nhận ra kế hoãn binh của sếp trưởng định cứu nguy cho anh em. Cho đến ba ngày sau. Tất cả những người may mắn được mua thiết bị phòng cháy giá nội bộ được nhân viên công ty (chả ai biết nó có thuộc Bộ Công an thật không) điện thoại mời có mặt tại hội trường để nhận sản phẩm. Dần dà, mọi người bắt đầu phát hiện một số kẽ hở:

- Sao có anh chàng tốt thế nhỉ, làm phúc cho biết bao nhiêu nhà!

- Sao hàng phân phối nội bộ mà nhân viên nhiệt tình vậy nhỉ?

- Sao mỗi người chỉ được ưu tiên mua một cái mà phần lớn đều được anh ta đồng ý bán thêm hai, ba cái?

- Sao khi có người hỏi mua thiết bị anh ta giới thiệu thì được trả lời “tôi đến đây không phải để bán hàng”, vậy mà anh ta lại có sẵn tập đơn đăng ký mua hàng đến cả trăm tờ?

- Sao sếp trưởng không mua nhỉ?

- Sao buổi tập huấn này khác các buổi tập huấn trước thế nhỉ?

Ôi chao nhiều sao quá! Mỗi một sao chưa được nhắc: sao chúng mình cả tin thế nhỉ?

Một ngày sau thôi, cả cơ quan tịnh không một người nhắc đến cháy nổ, hỏa hoạn, thiết bị phòng cháy…

Ngọc Mai, từ Hà Nội - Tháng 12-2014


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn