SỐNG TRONG BẨN THỈU

Thứ sáu - 23/01/2015 21:24

(NCTG) “Hà Nội bẩn, Hà Nội đầy rác rưởi”, khi tôi nói câu này thì hầu hết người Hà Nội đầu đồng ý, nhưng nếu tôi nói “người Hà Nội sống bẩn, ăn ở mất vệ sinh” thì nguy cơ xảy ra một vụ tranh luận, cãi vã là một trăm phần trăm.


Hà Nội rác - Minh họa: vietbao.vn


Chả ai thích và nghĩ mình ăn ở mất vệ sinh, và xét trong phạm vi gia đình thì hầu hết mọi người Hà Nội đều tương đối sạch sẽ. Nhưng có những sự bẩn mà người Hà Nội nói riêng và người Việt cứ vô thức mắc phải thường xuyên.

Vô thức sống bẩn, ăn ở mất vệ sinh

Vứt rác bừa bãi, bất cứ khi nào phát sinh rác thì người bẩn vô thức sẽ vứt khỏi tay. Mà người Việt hay ăn vặt, hay dỗ trẻ con bằng đồ ăn nên cứ chỗ nào tập trung đông người, chỗ đó sẽ thành bãi rác. Rác vương vãi xung quanh các thùng chứa rác, mặc cho các tấm biển nhắc “để rác đúng nơi quy định”.

Từ già đến trẻ, từ mọi ngành nghề, từ mọi giới... đều bẩn vô thức:

- Trong các hàng ăn từ bình dân đến sang trọng người bẩn cứ vô thức vứt xương, vứt rau, vứt giấy ăn, vứt tăm... xuống chân mà chả thèm quan tâm ngay dưới gầm bàn người ta có để cái bồ đựng các thứ thải loại. Ngay cả nhân viên dọn bàn cũng gạt hết rác rưởi trên bàn xuống thẳng sàn nhà.

Có điều lạ là hầu hết khách khứa đều không lấy làm ngứa mắt khi bước chân vào một hàng quán bừa bộn rác rưởi như thế, họ cứ vô tư ngồi ăn trên đống rác để rồi sau khi đứng dậy thảm rác đó lại dầy thêm.

- Khi bạn đi trên phố, thể nào bạn cũng sẽ bắt gặp muôn mặt cách vứt rác xuống đường: chị bụng bầu ngồi sau xe chồng thả nhẹ vỏ hộp sữa khỏi tay, em bé buông tay cho vỏ bim bim bay theo gió, rồi từ một cửa kính ô tô một vỏ chai lavie vèo ra đường, có khi là một túi đầy bã mía, rồi từ thanh niên đến ông già đều ném khỏi tay đầu mẩu thuốc lá vẫn còn đỏ lửa…

- Vì người lớn sống bẩn trong vô thức nên họ không thể dạy trẻ con giữ gìn vệ sinh chung được. Các em bé cứ mặc nhiên vứt vỏ hộp sữa, vỏ bim bim, que thịt xiên... xuống đường, xuống sân trường, trong công viên, trong thang máy. Và tất nhiên phụ huynh thấy thế cũng chả làm sao cả. Thậm chí, người lớn còn nhặt rác từ trên bờ rồi thả xuống hồ nước để nựng con, rồi khi bé bắt chước thì vỗ tay khen “con giỏi quá”.

- Người Việt không những vứt rác ở những nơi đã đầy rác mà họ còn thản nhiên vứt rác ở những nơi rất “nguyên sinh” như rừng, như núi, như hồ... Nếu bạn đã từng leo lên tận đỉnh Yên Tử mù sương, bạn sẽ choáng váng và sửng sốt khi thấy cả một sườn núi là rác.

Nếu bạn thích du lịch bụi, bạn sẽ rất bất bình và không thể hiểu được tại sao những người có cùng sở thích với bạn lại vô ý thức với môi trường, với thiên nhiên khi thấy những vỏ hộp, những túi ni-lông, những áo, những cờ... vương vãi giữa xanh cây cỏ. Và bạn sẽ thấy ghen, thấy tức, thấy thất vọng, thấy hổ thẹn khi dạo bước trên phố phường đông đúc ở nước ngoài mà chân chả vướng, mắt chả thấy những rác rưởi vô thức.

Cố ý bẩn, chỉ biết sạch nhà mình

Dù sinh ra, lớn lên trong lòng dân tộc có lối ứng xử vô ý thức, tùy tiện với môi trường nhưng bạn không thể không bất bình khi thấy nhân viên vệ sinh vừa quét phố, quét hè, gom rác đi khỏi mấy chục mét thì cái cửa sổ từ tầng ba của một nhà mặt phố mở ra, rồi “bụp bụp” - hai, ba bọc rác phi xuống, có cái bọc bị vỡ rồi rác lại vương tứ tung.

Nếu nhà bạn ở trong ngõ, thì kiểu gì bạn cũng phải tức sôi máu khi thấy trước cửa nhà mình, hay chân cột điện, hay góc tường là nơi tập kết rác của những nhà vô ý thức. Rồi chửi đổng, rồi đe dọa, rồi sỉ vả… thậm chí nếu nghi ngờ hoặc biết chắc rác nhà ai, một số bà đanh đá còn mang cả bọc rác ném vào nhà hoặc tãi ra sân chung để cảnh cáo. Thế nhưng chả ăn thua, họ vẫn cố tình lén lút vứt rác, thách thức sự bất bình của láng giềng.

Trong ngõ thể nào cũng có một vài nhà nuôi chó, và người ta dắt chó đi vệ sinh ra ngõ ra sân chung là cái sự đương nhiên, nếu có ai nói thì thế nào cũng xảy ra cãi vã với mớ lý sự vừa cùn vừa thách thức.

Nhìn phố phường các đô thị khác sạch sẽ trong lành ai cũng ước mơ được sống ở đó, nhưng có một điều rất buồn cười là họ cho rằng sự sạch sẽ hay bẩn thỉu của phố là do chính quyền, và mai ra phố họ lại vô thức hoặc cố ý xả rác ra môi trường công cộng mà chả thấy có lỗi gì.

Truy xét cái nguyên nhân của lối cư xử vô ý thức, tùy tiện của người Việt thì bạn hãy về quê - cội nguồn của đô thị của Việt Nam. Người nhà quê vứt rác bừa bãi ngay trong nhà mình. Khi nhiều rác quá thì mọi rác rưởi đều vứt hết ra vườn, ra mương, ra cống… dân quê bảo “để đó nó tự oải” - mình nghĩ bụng: cái túi ni-lông kia thì biết bao giờ nó oải xong.

Hà Nội là một cái làng to và đông người. Hà Nội là một đô thị điển hình cho các đô thị ở Việt Nam, các lề thói sinh hoạt, ứng xử cũng đại diện, cũng phản chiếu cho tập quán của người Việt (bao gồm cả thị dân và dân quê).

Ngay cả cách tổ chức đô thị, người ta cũng làm phố như làng: hệ thống cống thoát nước vừa nhỏ vừa thiếu, để mỗi khi mưa xuống là phố biến thành sông, nước thải thì xả thẳng ra sông - sông thành cái cống lớn và bẩn nhất thế giới.

Với cung cách như thế, thử hỏi làm sao thay đổi?

Đỗ Thị Quỳnh Nga, từ Hà Nội


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn