TỰ HÀO VÀ TỰ HUYỄN HOẶC

Thứ tư - 20/05/2015 04:29

(NCTG) “Những đứa con tội nghiệp không thể trưởng thành nếu thay vì dạy con kỹ năng sống, dạy con cách sinh tồn thì những ông bố bà mẹ ngu dốt lại tước hết cơ hội học hỏi của con. Họ tạo ra một cái kén tình thương và nhốt con cái mình trong đó. Và mỗi khi có dịp họ lại đem con ra khoe với niềm tự hào thực sự”.

“Hầu như ai cũng muốn khoe con mình xinh đẹp, đáng yêu, thông minh, giỏi giang...” - Minh họa: divany.hu

“Hầu như ai cũng muốn khoe con mình xinh đẹp, đáng yêu, thông minh, giỏi giang...” - Minh họa: divany.hu

Bố mẹ tự hào về con cái là bản năng tự nhiên, hầu như ai cũng muốn khoe con mình xinh đẹp, đáng yêu, thông minh, giỏi giang... Chả thể mà trên Facebook tràn ngập hình ảnh những em bé.

Niềm tự hào của bố mẹ phát triển, mai một, biến đổi tùy theo sự phát triển về thể chất, tính cách của con mình. Giá như các con cứ xinh đẹp, đáng yêu, thông minh, giỏi giang thì mọi sự thật đơn giản, bố mẹ cứ việc mà tự hào.

Nhưng có những niềm tự hào trở thành sai lầm - một dạng tự huyễn hoăc, đó là khi các con tội lỗi, kém cỏi, lười biếng mà bố mẹ cứ giấu giếm, cứ trốn tránh thực tế và cứ cố tự hào.

Như bà di họ hàng xa nhà tôi sinh được cậu quý tử, năm nay cũng gần ba mươi tuổi rồi mà chưa bao giờ làm ăn được cái gì cho nên thân, thậm chí còn nghiện ngập, chửi bố mẹ... Nhưng dì tôi vẫn khen nó ngoan ngoãn, hiền lành. Trong suốt mấy năm nó hút chích, dì giấu cả nhà, một mình tự xử lý cậu quý tử bằng khuyên nhủ, bằng nước mắt, bằng tiền... Sau này khi mọi sự bại lộ, dì cấm các cậu tham gia góp ý, cấm nói xấu con dì. Và điều tôi không hiểu nhất chính là cho đến tận lúc đó dì vẫn khen, vẫn nói tốt cho thằng con trời đánh.

Tôi còn biết một cô tự hào về con một cách bệnh hoạn. Cô khen con cô chững chạc, học giỏi cực độ... Và tôi tin, tôi cũng đã từng nhìn qua thằng bé - nó trắng trẻo, đẹp trai, công tử và có vẻ ngoan. Rồi đến một ngày tôi được tận hưởng sự giỏi giang của con cô ấy. Nó học đại học, và đến ngày đến giờ nó phải viết khóa luận tốt nghiệp - nó viết bằng cách “mách mẹ”. Thế là mẹ nó nhờ tôi, nói ra thì dài dòng và không tiện, chỉ biết rằng tôi buộc phải nhận lời.

Mỗi lần cần thông tin để viết, tôi chỉ gọi điện được cho mẹ nó, vì gọi cho nó, nó không bao giờ chịu nhấc điện thoại của người lạ. Đến khi hoàn thành bản nháp, tôi cũng chỉ gửi bài vào email cho mẹ nó, rồi mẹ nó lại thức thâu đêm suốt sáng để tra soát, rồi đánh giá chất lượng. Cứ thế, tôi phải viết đi viết lại bao nhiêu lần là bấy nhiều lần mẹ nó phải ngồi kiểm tra chất lượng. Cuối cùng, khi bài tạm ổn mẹ nó trực tiếp gửi bài cho giáo viên hướng dẫn, tất nhiên là kèm thêm một số tiền không nhỏ. Bài khóa luận nghe nói được điểm giỏi. Thằng con giỏi giang của cô ấy đã hoàn thành khóa luận tốt nghiệp như vậy.

Nhưng ngay cả trong cuộc sống hàng ngày, thằng bé cũng sống ỷ lại, thụ động. Cuộc sống của một sinh viên xa nhà có bao cơ hội để va chạm, có bao khó khăn để tập rượt trước khi chính thức sống một cuộc sống trưởng thành… Vậy mà hằng tuần mẹ nó vẫn gửi rau, thịt, trứng… từ trên quê xuống, quần áo bẩn của nó chỉ việc chất đống đấy sẽ có người mang ra hiệu giặt, phòng trọ thì cứ việc bày bừa thoải mái sẽ có người gọi giúp việc tới dọn dẹp. Nếu chẳng may nó ốm, ngứa, lên lẹo mắt… nó sẽ gọi điện về mách mẹ…

Còn một cô bé nữa, đã hai mươi tuổi mà như trẻ lên ba, sinh ra và lớn lên ở giữa lòng Hà Nội mà ù lỳ cả về hình thức và tính cách. Cô bé dốt đến mức không thuộc bản cửu chương, tư duy logic đơn giản nhất cũng không biết, ngay đến những công việc đơn giản như nhặt rau, cho gạo vào nồi nấu cơm cũng rất vụng về. Cả ngày chỉ cắm cúi vào điện thoại và game. Tình trạng của cô bé đáng báo động như thế mà mỗi khi gặp người lạ là bố cháu lại khoe, lại tự hào, và nếu tôi có góp ý thì bố nó lại tìm cách chống chế, bào chữa cho đứa con gái ù lỳ và cách dạy con sai lầm của mình.

Những đứa con tội nghiệp không thể trưởng thành nếu thay vì dạy con kỹ năng sống, dạy con cách sinh tồn thì những ông bố bà mẹ ngu dốt lại tước hết cơ hội học hỏi của con. Họ tạo ra một cái kén tình thương và nhốt con cái mình trong đó. Và mỗi khi có dịp họ lại đem con ra khoe với niềm tự hào thực sự.

JK, từ Hà Nội


 
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn