CHUYỆN TAXI HÀ NỘI (Phần 2)

Thứ sáu - 19/02/2016 18:12

(NCTG) “Tới nơi, ông “vay” bà năm chục nghìn để vừa đúng ba trăm rưởi trả cho taxi theo đúng giá ghi trên bảng tính tiền. Ngờ đâu cậu lái chỉ nằng nặc đòi nhận hai trăm rưởi thôi vì “chúng cháu đã có giá quy định chung của hãng”. Không biết cậu này tính thật thà như vậy còn lái taxi ở Hà Nội được bao lâu nữa?”.

Tác giả trong chuhyến thăm nhà đầu xuân
Tác giả trong chuyến thăm nhà đầu xuân

Xem Phần 1 của bài viết.

Taxi tâm lý

Nếu đi taxi một mình tôi hay giả vờ ngủ, như thế vừa đỡ mệt lại vừa đỡ phải tán chuyện với tài xế. Có lần khéo đang thiu thiu thật, tôi bỗng giật thót tim bởi tiếng nhạc bật lên to tướng át cả tiếng động bên ngoài vọng vào: Khóc nữa đi em, khóc nữa đi em, khóc để rồi quên một cuộc tình buồn…. Tôi hoảng hốt bật tỉnh dậy yêu cầu anh tài xế tắt ngay đi cho hộ.

- Trời đang xanh, nắng đang vàng, đường phố trang hoàng rực rỡ cờ hoa thế này mà khóc với lóc làm gì cho khổ hả em?

- Tại em thấy chị nhắm mắt không “lói lăng” gì lên “nại” tưởng chị đang buồn thất tình gì đó, chỉ muốn chia sẻ thôi…

Tôi cười ngặt nghẽo không ngờ anh này lại tâm lý đến thế. Rồi hóa ra chẳng phải tôi mà chính anh ta đang thất tình: cô người yêu ở dưới quê lên xin làm ô-sin được một thời gian cặp bồ với ông chủ chia tay luôn anh tài xế vừa ít tiền lại vừa ít tình.

- Thôi, đời còn dài, tuổi còn trẻ, còn có nhiều cơ hội em ạ. Những cô như thế em tiếc làm gì!

Chẳng biết tôi làm bác sĩ tâm lý có hợp không nhưng rõ ràng sau đó thấy anh ta có vẻ vui vẻ hơn. Tôi cũng thấy đỡ buồn ngủ! 

Taxi sành điệu

Uber taxi hạ cánh ở Việt Nam nhẹ như một chiếc lông hồng: chẳng biểu tình, chẳng bãi công, cũng chẳng chửi bới rùm beng trên báo chí như mấy nước Châu Âu khác. Có lẽ vì ở cái thành phố dễ đến gần chục triệu người và điện thoại thông minh khéo sắp thành phổ cập thế này taxi nào chẳng có chỗ làm ăn.

Tối hôm nay tôi được mời đi liên hoan với các bạn, cô bạn gái thân sẽ đi taxi qua đón. Tôi mặc một chiếc váy len đỏ, đi bốt cao gót, trang điểm qua loa và xịt chút nước hoa đề phòng lên chiếc xe nào “có mùi”. Lo lắng của tôi thật quá thừa. Cô bạn vẫy tay cho tôi vào một chiếc xe bóng loáng như mới từ nhà máy chui ra, đệm ghế sạch bong, mùi thơm dễ chịu, nhạc nhẹ êm ái.

Lâu ngày mới gặp nhau nên chúng tôi mừng quýnh, trao nhau quà sinh nhật, cười nói ríu rít không ngừng. Đi được một quãng bỗng cậu lái quay ra đằng sau hỏi:

- Đôi bốt này chị mua bao nhiêu đấy ạ?

Tôi đã gặp phải tình huống hỏi tiền và hỏi lương kiểu này nhiều lần rồi nên đối phó được ngay:

- À, đôi này bạn chị tặng nên không biết giá đâu.

Cậu ta chần chừ một chút rồi nói tiếp:

- Thằng bạn em cũng tặng em một đôi Gucci mà đi đau chân quá chị ạ!

Cô bạn tôi vốn hay chơi đồ xịn, lại làm ngạch tài chính kinh doanh, cái gì cũng “qui ra thóc cả” nên cười phá lên:
 
- Vậy hàng fake rởm rồi! Gucci thật có mà mấy nghìn đô một đôi đi lái xe thế nào được?

- Tại cậu ấy yêu em nên cậu ấy tặng, nếu em không đi lại tự ái với dỗi…

Chúng tôi liếc mắt nhìn nhau nhịn không dám nói thêm gì. Sau nghĩ lại cũng thấy bình thường. Kể ra G mà cứ “xanh- sạch- đẹp” và sành điệu như cậu này cũng tốt, chẳng ảnh hưởng gì đến ai!

Taxi ham tìm hiểu

Bổn phận cuối cùng của tôi trước Tết là đi cùng bố mẹ, qua đón cô tôi lên Viện Sốt rét, nơi ông nội tôi làm việc thời xưa, để thắp hương cho ông trên bàn thờ của phòng lưu niệm và thăm tượng ông trong sân. Chắc được ông phù hộ nên ra đến cửa chúng tôi đã có taxi ngay. Anh này mặt mũi vui vẻ, lái chậm từ tốn cẩn thận, đáng nhẽ có thể cho điểm mười nếu như anh ta không nói liên tục. Đúng hơn là hỏi tra khảo liên miên.

- Cô chú sống trong tòa nhà này à? Xây lâu chưa? Siêu thị tầng dưới có tiện không? Thang máy có hay mất điện không? Căn hộ mấy phòng ngủ, hướng nào? Giá mua lúc chưa sửa là bao nhiêu? Giờ khoảng bao nhiêu?
 
Muôn màu taxi Hà Nội
Muôn màu taxi Hà Nội

Tôi và mẹ ngồi im, còn kệ bố muốn nói gì với anh ta thì nói. Đường đến nhà cô tôi phải qua một cái chợ nhỏ. Ngày thường xe cộ vẫn qua lại ngon lành. Nhưng giờ Tết, người bán người mua tràn hết ra ngoài lòng đường đứng kín cả. Lại tắc, lại nhích, lại bấm còi. Nếu quen rồi tất nhiên phải chấp nhận, nhưng hôm nay tôi đang lo vì cô tôi khớp nặng, hai chân rất đau, đi lại khó khăn, thương cô nhỡ đứng chờ lâu.

Tôi mở cửa xe ra ngoài, chạy lên hét với cái xe muốn đi ngược lại là lùi lại một chút thì cả hai còn cùng đi được, rồi bảo anh taxi cứ đi tiếp lên một đoạn, tôi ra tìm cô rồi đưa vào xe sau. Tôi tìm thấy cô giữa một mớ hỗn đoạn của hàng quán, xe cộ, khói bụi mờ mịt. Mỗi năm về tôi lại thấy cô tôi yếu đi, dáng vẻ run rẩy thương đến muốn trào nước mắt.

Nhưng nào có thời gian để mà khóc, phải thật nhanh mới mong thoát ra khỏi chỗ này. Dìu được cô lên xe, chúng tôi đã toan đi tiếp nhưng anh lái lại còn hạ kính xuống hỏi vọng ra ngoài:

- Cành đào này bao nhiêu đấy cháu ơi? Mẹ, cái bọn sinh viên kiếm tiền tiêu Tết này bán rẻ thật đấy, mềm hơn cả giá trên vườn!

- Thôi từ nay anh đừng nói nữa, tập trung mà lái xe đi không hết ngày bây giờ rồi.

Giọng tôi đầy hằn học như vậy mà đáp lại anh ta cũng chỉ cười, ngoài hỏi lại bố tôi đường đi ra anh ta không hỏi thêm gì nhiều nữa.

Đến cửa viện, bố tôi xuống xe nói bảo vệ mở cổng cho xe vào tận trong sân. Anh ta không ngừng được nữa lại bật đài phát thanh luôn:

- Cháu biết ngay mà, cháu đoán ngay chú là người nổi tiếng mà, trông chú quen lắm, cứ như lên Tivi nhiều lần rồi ý. Đây là cơ quan chú à? Chú là nhà khoa học à?

Bố tôi lại giải thích. Còn tôi chỉ có trách nhiêm dìu cô lên thắp hương. Cả viện đã đóng cửa nghỉ Tết nên không gian yên lặng, thoáng đãng. Năm nay Tết được nghỉ lâu nên mẹ tôi bắt thay nước cho tất cả các lọ hoa, vứt những thứ sẽ héo, bầy đi bầy lại sao cho bàn thờ phải cân đối và đẹp. Bố mẹ và cô tôi cầu khấn rất lâu, sau đó ngồi xuống im lặng tĩnh tâm đôi chút.

Chẳng mấy khi có dịp ngồi được với nhau thế này nên tôi cũng không giục giã mọi người nữa. Đứng ra cửa sổ định chụp vài kiểu ảnh cả khuôn viên viện sốt rét và tượng ông từ trên cao, tôi bỗng thấy dáng anh tài đang đứng vái lia lịa trước tượng ông.

Xuống đến nơi, bố tôi xin lỗi anh lái xe vì bắt chờ hơi lâu, sẽ tính thêm tiền chờ nữa nhưng anh ta lại nói:

- Cháu cám ơn cô chú. Nhờ có hôm nay mà cháu biết thêm ông này là ai, chứ đường Đặng Văn Ngữ gần trường Y cháu đi qua hàng tỉ lần mà đâu có biết ông này là bác học tìm ra kháng sinh trong chiến tranh và chống sốt rét cho cả nước mình. Trước cháu cũng đi bộ đội, giờ giải ngũ mới về làm lái taxi.

Trên đường về nhà tôi thấy đỡ mất cảm tình với anh taxi này hơn. Tuy nói nhiều nhưng được cái cũng ham tìm hiểu. Chắc do vái tượng ông nên hôm nay số anh ta may, chúng tôi vừa bước ra khỏi xe đã thấy có người muốn đi tiếp, rồi lại nghe tiếng anh ta hỏi…

Airport taxi

Hình như càng về già tính càng hay lo lắng? Bố mẹ tôi cũng vậy. Sắp đến ngày tôi đi là hai ông bà ra sức “chuẩn bị”: mua mua bán bán, gói đi bọc vào, bỏ thứ này thêm thứ nọ, cân lên cân xuống. Tôi biết nếu tự tay làm có khi chỉ một tiếng là xong. Nhưng thôi cứ giao cho các cụ cho có việc chứ ngồi không lại nói năng lung tung.

Trước khi đi chỉ cần kiểm tra mấy thứ quan trọng nhất: vé, hộ chiếu và xe đưa ra sân bay. Mấy hôm trước đã loáng thoáng nghe ông bà cãi nhau về chuyện xe cộ. Ông đòi đặt taxi Mai Linh vì có thẻ cào, bà đòi đặt taxi Nội Bài vì đi quen rồi.

Linh tính thế nào trước giờ ra sân bay hai tiếng tôi bảo ông gọi lại cho hãng kiểm tra xem có xe không? Y như rằng giọng em trực máy cất lên rất đỗi ngọt ngào: “Xin lỗi chú, ngày Tết, lái xe về quê chưa lên nên chúng cháu cháy xe chú ạ, chú thông cảm nhé!”. Ông bực mình, bảo đi xe tính km cũng được (vì như vậy sẽ nhiều tiền hơn xe đi trọn gói), mà thế cũng chưa chắc chắn.

Bà càu nhàu gọi cho taxi Nội Bài nhưng sát giờ nên cũng không có nốt. May có gia đình cô em họ đến chơi .Sau một loạt ôn nghèo kể khổ, ôm nhau chụp ảnh để còn “up lên phây”, vạch ra một tràng kế hoạch cần làm ngay và luôn trong tương lai,em tôi bảo ông bà để nó gọi taxi cho vì đi sân bay giờ có nhiều hãng lắm chứ không phải chỉ một độc quyền taxi Nội Bài đâu. Công nhận mình có cô em họ vừa xinh, vừa đảm lại vừa được việc.

Chúng tôi ra sân bay đúng giờ trên một chiếc taxi rộng rãi, hành lý để thoải mái. Đường phố Hà Nội ngày đầu năm vắng người, gây cảm giác thênh thang. Lác đác vài gia đình chở nhau đi chúc Tết bế con bé trùm khăn kín mít, một tốp thanh niên trẻ diện váy mini khoe chân dài dáng điệu trên mấy chiếc xe Vespa xanh đỏ các mầu. Ước gì ngày nào trong năm cũng là ngày mồng một Tết và ước gì đường xá Hà Nội luôn dịu dàng thanh cảnh như thế này.

Tới nơi, ông “vay” bà năm chục nghìn để vừa đúng ba trăm rưởi trả cho taxi theo đúng giá ghi trên bảng tính tiền. Ngờ đâu cậu lái chỉ nằng nặc đòi nhận hai trăm rưởi thôi vì “chúng cháu đã có giá quy định chung của hãng”. Không biết cậu này tính thật thà như vậy còn lái taxi ở Hà Nội được bao lâu nữa? 

Thay cho lời kết

Năm ngoái 2015, phim “Taxi Tehran” của một đạo diễn nổi tiếng người Iran đã đoạt giải thường Gấu vàng tại Berlin, một trong những giải thường danh giá nhất của điện ảnh Châu Âu. Phim do chính đạo diễn tự đóng vai người lái, chẳng hề có các cảnh nóng cũng như xử lý kỹ xảo, bố cục cầu kỳ nào vì toàn bộ câu chuyện từ đầu đến cuối chỉ diễn ra trên một cái taxi.

Các diễn viên chính trong phim là hành khách, đủ các thể loại người từ lớn đến bé, già đến trẻ, đàn ông phụ nữ thuộc đủ mọi đẳng cấp xã hội, làm đủ các ngành nghề. Mỗi người khách như một mảnh gương nhỏ phản ánh đời sống xã hội mà anh lái xe đã tổ hợp lại thành một bức tranh toàn cục đầy chân thực mà sáng tạo, lôi cuốn người xem.

Tôi thầm nghĩ nếu ai đó làm phim về “Taxi Hà Nội”, có khi cũng không kém phần sinh động.
 
Bài và ả​nh: Đặng Phương Lan, từ Budapest - Ngày 8-2-2016

* Bạn cũng có những câu chuyện, kỷ niệm vui, buồn khi đi taxi? Hãy chia sẻ với NCTG.

 
 Từ khóa: taxi Hà Nội
Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá
Xếp hạng: 5 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn