RA HỒ HÔI NHIỀU VÀ PHƯƠNG PHÁP CHỮA TRỊ

Thứ sáu - 14/07/2006 19:49

Hỏi: Tôi mắc bệnh ra nhiều mồ hôi ở chân, có mùi rất khó chịu mà không biết chữa làm sao. Nhờ NCTG giải đáp! (Một độc giả ỏ số máy 06-30-...73...)

NCTG: Ngoài việc đào thải các chất cặn bã, mồ hôi còn có tác dụng điều hòa nhiệt độ sinh lý cần thiết cho cơ thể con người trong tình trạng hoạt động thái quá hay khi nhiệt độ môi trường lên cao. Khi sự điều tiết mồ hôi bị rối loạn, mồ hôi tiết ra nhiều ngay cả trong trạng thái bình thường gây không ít phiền phức, làm ảnh hưởng đến công việc, đến tâm lý cũng như trong quan hệ xã hội.

* CƠ THỂ CON NGƯỜI CÓ BAO NHIÊU TUYẾN MỒ HÔI?

Trên cơ thể chúng ta có tới 2-3 triệu tuyến mồ hôi, chiếm diện tích khoảng 5,2m so với diện tích tiết chế của thận vào khoảng 8,2m. Các tuyến mồ hôi xếp cuộn ngoằn ngoèo trên bề mặt da với mật độ dày đặc. Cứ mỗi 1cm2 da có tới 100-150 tuyến mồ hôi. Ước tính, nếu nối tất cả các tuyến mồ hôi trong cơ thể con người lại và kéo dài ra thì chiều dài trung bình của tuyến này khoảng 13 km.

Hiện nay, các nhà sinh lý học cũng chưa biết thật rõ về cơ chế bài tiết mồ hôi. Chỉ biết rằng sự điều tiết này do hệ thần kinh giao cảm chỉ huy các hạch thần kinh giao cảm nằm dọc hai bên cột sống. Khi cơ thể hoạt động nhiều hoặc nhiệt độ môi trường tăng, các tuyến mồ hôi co bóp, da sẽ được phủ một lớp mỏng mồ hôi. Mùa hè, nếu lao động với cường độ cao hoặc thi đấu thể thao căng thẳng, mỗi ngày da có thể tiết ra tới 6-10 lít mồ hôi. Qua con đường thích nghi nhanh chóng này, cơ thể có thể giảm bớt được khoảng 3.600-6.000 calo.

* HỘI CHỨNG RA NHIỀU MỒ HÔI

Có một số ít các trường hợp, khoảng 0,6-1% dân số, sự điều khiển bài tiết mồ hôi bị rối loạn do cường thần kinh giao cảm nên mồ hôi ra nhiều ngay cả trong trạng thái bình thường. Các vùng thường ra nhiều mồ hôi là bàn tay, chân, nách hay ở mặt. Ra nhiều mồ hôi dạng thường gặp ở người trẻ hay người vị thành niên, có thể xuất hiện nhiều mồ hôi hơn khi lo lắng, căng thẳng, kích thích do ăn, uống, nhiệt độ môi trường tăng hay các hoạt động khác.

Ra nhiều mồ hôi ở lòng bàn tay làm cho lòng bàn tay luôn bị ẩm ướt, nhiều khi nhỏ giọt như tay vừa nhúng vào nước, lâu dần bàn tay trắng bệch, bợt màu, ảnh hưởng lớn đến việc nắm, viết... Về tâm lý, ra mồ hôi nhiều làm người bệnh mặc cảm, thường giấu hai tay ra sau lưng, ít dám chìa tay giao tiếp.

Nhiều mồ hôi ở nách gây ra các mảng ướt lớn trên áo, gây mùi khó chịu, ảnh hưởng tới tâm lý người xung quanh, nhất là với phụ nữ.

Mồ hôi ra nhiều vùng mặt, da đầu gây đỏ mặt thường làm cho người bệnh cảm giác bướng bỉnh dễ dẫn tới làm giảm lòng tự trọng. Nhiều mồ hôi lòng bàn chân làm cho giầy, dép liên tục có mùi khó chịu do vi khuẩn phát triển.

* CÁC PHƯƠNG PHÁP CHỮA TRỊ

Nếu là chứng ra nhiều mồ hôi thứ phát sau một số bệnh như: Rối loạn nội tiết, đặc biệt là cường năng tuyến giáp trạng; sau điều trị thuốc nội tiết tố bệnh ung thư vú, ung thư buồng trứng; bệnh khiễm khuẩn (đặc biệt do lao); thời kỳ tiền mãn kinh, béo phì... thì chỉ cần chữa các nguyên nhân trên. Nếu đang dùng nội tiết tố, thì có thể dùng thêm thuốc kháng estrogen (ciproteron acetat). Đặc điểm loại này ra mồ hôi toàn thân.

Đối với chứng ra mồ hôi nguyên phát mà vừa mô tả ở trên thì chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp đầu tiên thường được sử dụng là thuốc chống ra mồ hôi, gồm alumium chloride hexalhydrate 20-25% pha với cồn 70-900, bôi tại chỗ vào buổi tối trước khi đi ngủ 2-3lần/tuần. Biện pháp này có tác dụng ngắn (trong 1 tháng) và thường gây kích thích ngứa da. Các thuốc chống cường thần kinh giao cảm, thuốc giảm đau-hướng thần, cũng có những tác dụng nhất định, tuy cũng có nhiều tác dụng phụ gây khó chịu (khô miệng, mắt mờ, phải dùng kéo dài).

Trường hợp ra nhiều mồ hôi ở mức độ trung bình có thể dùng phương pháp điện phân nhưng cũng mất nhiều thời gian, chi phí điều trị tốn kém. Các biện pháp khác đã được sử dụng như: vi lượng đồng căn, xoa bóp, châm cứu, thảo dược thôi miên, gây ngủ... đều không có tác dụng.

Phương pháp phẫu thuật kinh điển đã được tiến hành từ lâu, có mang lại kết quả nhưng để lại nhiều hậu quả nặng nề khi phải mở lồng ngực như chảy máu, xẹp phổi, nhiễm khuẩn... Dùng kim diệt hạch giao cảm qua thành ngực có tỉ lệ thành công thấp và các biến chứng cũng nặng nề.. Gần đây, nhờ áp dụng kỹ thuật công nghệ cao, mổ diệt hạch giao cảm qua đường nội soi là phương pháp điều trị lý tưởng cho chứng bệnh này. Phương pháp mới có những ưu điểm hơn hẳn vì phẫu thuật nhẹ nhàng, xử lý có chọn lọc và tính thẩm mỹ cao, có thể tiến hành đồng thời cả hai bên, có tác dụng ngay sau phẫu thuật. Khả năng nhiễm khuẩn, xẹp phổi, chảy máu rất thấp, không có tỉ lệ tử vong. Người bệnh có thể ra viện sau 48 giờ và trở lại làm việc sau 5-7 ngày.

* KHỬ MÙI CHO CHÂN

Trên cơ thể, bàn chân tập trung nhiều tuyến mồ hôi nhất. Da chân nhờ các tuyến mồ hôi nên luôn ấm và mềm để có thể chịu được sức cong, ép, nén thường xuyên khi cơ thể di chuyển. Rõ ràng là nhờ đó mà chân "trẻ" lâu hơn. Nhưng sự ưu ái này cũng chẳng mấy dễ chịu gì bởi khi ra quá nhiều mồ hôi, đặc biệt trong mùa hè, chân sẽ "bốc mùi".

Nếu không muốn người khác chun mũi, và cũng chẳng muốn "cấm cung" chân bằng giày với tất suốt cả ngày, chỉ cần thực hiện mấy mẹo sau:

- Đôi giày bạn đi phải vừa chân chứ đừng chật quá. Nên cho đôi bàn chân được nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, đặc biệt nếu bạn làm công việc phải đi lại nhiều.

- Nóng quá cũng khiến chân đổ mồ hôi hơn. Nên giữ cơ thể mát mẻ. Thỉnh thoảng nên cởi giày, tất và để chân trần càng nhiều càng tốt để chân được "thở". Trong mùa hè, tốt nhất là nên đầu tư một đôi xăng đan hở mũi và giày da để bàn chân thông thoáng.

- Sử dụng tất có chất liệu thấm mồ hôi như cotton hay len. Thoa bột phấn hút mồ hôi vào bàn chân và các kẽ ngón chân mỗi sáng sau khi tắm. Nên thử nhiều loại để tìm loại hợp với da chân bạn nhất.

- Rửa chân thường xuyên với nước ấm, ít nhất mỗi sáng và tối khi đi làm về. Thay tất và đừng đi đôi giày quá hai ngày. Thay ngay đôi giày nếu thấy chúng có "mùi lạ" hoặc xử lý bằng các sản phẩm từ hiệu thuốc.

NCTG, theo các tư liệu y học


 

Theo dòng sự kiện

 

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn