ĐẠI LỘ ANDRÁSSY, NIỀM TỰ HÀO CỦA THỦ ĐÔ BUDAPEST

Thứ sáu - 19/05/2006 23:52

(NCTG) “Đại lộ Andrássy và những di tích dọc con lộ đủ để du khách, dù chỉ một lần có dịp “cưỡi ngựa xem hoa” tại thủ đô Budapest, cảm nhận được phần nào lịch sử và nền văn hóa, nghệ thuật Hung, với những khát vọng về tự do và tình ái, đẹp, quyến rũ và hào sảng...”.

Đại lộ Andrássy, đoạn dẫn tới Quảng trường Anh hùng

Đại lộ Andrássy, đoạn dẫn tới Quảng trường Anh hùng

Là một nước nhỏ giữa lòng Đông - Trung Âu, có ngôn ngữ đặc biệt “không giống ai”, Hungary là một xứ sở có nền văn hóa và lịch sử lâu đời ở Châu Âu. Đặc biệt, đất nước này rất tự hào với thủ đô Budapest, “hòn ngọc của sông Danube”, “Paris nhỏ của Đông Âu”, nơi nhiều thắng cảnh đã được UNESCO chính thức đưa vào danh sách Di sản Thế giới.

Đặt chân đến Budapest, tản bộ theo những con đường rợp bóng cây, lắng nghe tiếng vọng thời gian và quá khứ, hẳn du khách sẽ không thể bỏ qua đại lộ Andrássy, con lộ chính, quan trọng nhất của thủ đô nước Hung, nơi mà lịch sử thăng trầm và hiện tại hứa hẹn của Hungary hòa quyện với nhau một cách tự nhiên nhất.
 
Cổng chào ở đầu đại lộ Andrássy, được dựng nhân dịp Vua Tây Ban Nha Alfonz viếng thăm Budapest (ngày 11-10-1908) - Ảnh tư liệu
Cổng chào ở đầu đại lộ Andrássy, được dựng nhân dịp Vua Tây Ban Nha Alfonz viếng thăm Budapest (ngày 11-10-1908) - Ảnh tư liệu

Nằm tại trung tâm thủ đô Budapest, đại lộ Andrássy có bề dày lịch sử tính đến nay là gần 150 năm, xuất phát từ thời Hungary còn là một phần của Đế chế Áo - Hung. Nửa cuối thế kỷ 19, Budapest đã mang dáng dấp một thủ đô lớn của Châu Âu, lưu lượng giao thông tại các quận trung tâm thành phố tăng vọt, khiến các chính khách Hung phải tìm một giải pháp khả dĩ.

Trong bối cảnh đó, kế hoạch xây dựng một đại lộ chính cho Budapest, mang hình bóng Champs Élyseé của nước Pháp, đã được thủ tướng Vương quốc Hungary thời đó, bá tước Andrássy Gyula, đề xuất lần thứ hai vào năm 1870. Đây là ý tưởng mà ông đã nung nấu từ lâu, nhằm cải tạo diện mạo Budapest và khiến Châu Âu khi nhắc đến thành phố này, sẽ phải kính nể.
 
Đại lộ Andrássy và Nhà hát Opera, năm 1896 - Ảnh tư liệu
Đại lộ Andrássy và Nhà hát Opera, năm 1896 - Ảnh tư liệu

Như thế, Đại lộ Andrássy được khởi công năm 1871 với sự tham gia của những kiến trúc sư xuất chúng nhất đương thời. Thoạt đầu, người ta đã phải phá dỡ rất nhiều ngôi nhà ven đường để xây lại một cách thống nhất, có quy hoạch, theo trường phái Tân Gô-tích. Đề án đồ sộ này đã được thực hiện một cách ráo riết, cho dù giữa chừng gặp phải vô số khó khăn, nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1873.

Tuy nhiên, sau gần 14 năm, ý nguyện của bá tước Andrássy Gyula - được coi là người đàn ông hấp dẫn nhất của nửa cuối thế kỷ 19, đại diện xuất chúng nhất của nền ngoại giao và chính trị Hungary - đã trở thành sự thật: giữa lòng Budapest, đại lộ chính mang tên ông sừng sững như một món quà xứng đáng cho cả nước Hung, nhân dịp kỷ niệm một ngàn năm chinh phục đất nước!
 
Con lộ nổi tiếng của Budapest
Con lộ nổi tiếng của Budapest

Bỏ ra chừng một tiếng, bạn có thể đi dạo suốt dọc con đường nổi tiếng này, để cảm nhận nhịp sống, cũng như lịch sử của thủ đô Hungary.

Bạn có thể dừng lại hồi lâu trước Nhà hát Opera Quốc gia Hungary (đại lộ Andrássy số 20), một kiệt tác của nền kiến trúc Tân Phục hưng: được thiết kế dưới bàn tay tài hoa của Ybl Miklós, kiến trúc sư nổi danh nhất của nước Hung, người Hung đã bỏ 9 năm để biến một khoảng đất bùn lầy dọc đại lộ Andrássy thành một địa chỉ văn hóa sang trọng của Đế chế Áo - Hung đương thời.

Tương truyền, Hoàng đế Franz Joseph của nền “song quốc quân chủ” Áo - Hung sẽ tỏ ra không hài lòng nếu một công trình tại Budapest được xây dựng bề thế hơn một công trình có cùng tính chất tại thủ đô hoàng gia Vienna. Nước Hung đã tuân thủ điều đó, tuy nhiên, những người thầy và thợ của Hung đã xây Nhà hát Opera có nội thất đẹp hơn, lộng lẫy hơn “đàn anh” của nó tại Vienna.
 
Nhà hát Opera Quốc gia Hungary
Nhà hát Opera Quốc gia Hungary

Rời hai bức tượng hai nhạc sĩ nổi danh của nền âm nhạc Hungary - Erkel FerencLiszt Ferenc - sừng sững trước Nhà hát Opera Quốc gia, không cần phải đi lâu, du khách lại đặt chân đến một cái nôi khác của nền âm nhạc bác học Hung. Đó là ngôi nhà số 67 của đại lộ Andrássy, nơi vào năm 1875, đại nhạc sư Liszt Ferenc đã sáng lập ra Nhạc viện Hoàng gia Quốc gia Hungary.

Cùng Erkel Ferenc, nghệ sĩ dương cầm vĩ đại của trường phái Lãng mạn thế kỷ 19 này không chỉ là một trong vài người thày đầu tiên của Nhạc viện, mà trên cương vị một giáo sư âm nhạc, ông còn giảng dạy miễn phí cho nhiều thế hệ môn sinh. Biết bao tên tuổi lớn của nền âm nhạc Hungary đã trưởng thành từ đây qua năm tháng, như Bartók Béla, Kodály Zoltán, Kálmán Imre...
 
Những tòa nhà thời Đế chế Áo - Hung
Những tòa nhà thời Đế chế Áo - Hung

Ra khỏi Nhạc viện, nếu vẫn còn cảm thấy thòm thèm về văn hóa, bạn có thể bỏ chút thời gian tạt qua Đại học Mỹ thuật Hungary (đại lộ Andrássy số 69-71), hoặc cách đó ít bước, Nhà tưởng niệm Kodály Zoltán, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, nhà sư phạm hàng đầu thế giới với “Phương pháp Kodály” lừng danh, từng giữ chức Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Hungary trong vòng 4 năm.

Đại lộ Andrássy không chỉ hấp dẫn bởi những công trình kiến trúc kỳ vĩ, thấm đậm tính văn hóa. Vô số tiệm cà phê, nhà hàng, quán nghệ sĩ trên đại lộ là nơi tập trung giới văn nghệ sĩ, trí thức Hung hơn một thế kỷ nay. Và, dưới lòng đất chừng 10 mét, dọc đại lộ Andrássy, là Tuyến Đường sắt Ngầm Thiên kỷ được khởi động đúng vào dịp nước Hung kỷ niệm một ngàn năm chinh phục đất nước.
 
Tuyến Đường sắt Ngầm Thiên kỷ
Tuyến Đường sắt Ngầm Thiên kỷ

Đó là thời khắc 1896, và tới nay đây vẫn là tuyến tàu điện chạy ngầm dưới lòng đất đầu tiên, cổ kính nhất, của Lục địa già Châu Âu. Nếu đã mỏi chân, mời bạn xuống tàu, đi tới bến Quảng trường Anh hùng, cũng là điểm chót của Đại lộ Andrássy. Tại đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng Đài Kỷ niệm Thiên kỷ, một quần thể kiến trúc hoành tráng và lãng mạn, kỷ niệm lịch sử một ngàn năm của dân tộc Hung.

Bạn sẽ có cảm xúc bay bổng khi đứng ở chính giữa quảng trường tràn ngập nắng và gió, xung quanh là dấu ấn một ngàn năm chinh phục đất nước của Hungary; tại đó, một ngôi mộ gió rất đơn sơ với hàng chữ “Tưởng nhớ những anh hùng của chúng ta” vẫn là nơi các phái bộ, các đoàn đại biểu nước ngoài, khi vừa đặt chân tới Hungary, đều mang những vòng hoa tới cúi đầu tưởng nhớ.
 
Quảng trường Anh Hùng với Đài Kỷ niệm Thiên kỷ
Quảng trường Anh hùng với Đài Kỷ niệm Thiên kỷ

Quảng trường còn là nơi tọa lạc của chiếc cột đá cẩm thạch cao vòi vọi, bên trên là biểu tượng của sức mạnh và lịch sử các vương triều Hung, phía dưới là tượng đồng bảy vị thủ lĩnh lập quốc Hung trong tư thế những kỵ sĩ còn mang dáng dấp Á Châu dạn dày gió sương; của loạt tượng các vua chúa, vương công, anh hùng dân tộc Hungary, và hai Bảo tàng Mỹ thuật chứa đựng những tác phẩm hội họa cổ điển và đương đại Hung và quốc tế.
 
*

Không chỉ mang dấu ấn xa xăm, đại lộ Andrássy còn là nơi lưu giữ những vết thương của lịch sử hiện đại Hungary, với ngôi nhà số 60 từng là trụ sở của các cơ quan mật vụ chính trị CS và phát-xít theo xu hướng Hungary, hiện là Bảo tàng Khủng bố, tái hiện tội ác của 2 thể chế độc tài toàn trị thế kỷ 20. Cuối đường, là tòa đại sứ Serbia, nơi cố thủ tướng Nagy Imre và các đồng sự đã vào lánh nạn sau cuộc cách mạng mùa thu 1956.
 
Bảo tàng Khủng bố với những ký ức đớn đau thế kỷ 20 của nước Hung
Bảo tàng Khủng bố với những ký ức đớn đau thế kỷ 20 của nước Hung

Đại lộ Andrássy và những di tích dọc con lộ đủ để du khách, dù chỉ một lần có dịp “cưỡi ngựa xem hoa” tại thủ đô Budapest, cảm nhận được phần nào lịch sử và nền văn hóa, nghệ thuật Hung, với những khát vọng về tự do và tình ái, đẹp, quyến rũ và hào sảng như trong vần thơ của đại thi hào Hung Petőfi Sándor, rất thân thuộc với người yêu văn nghệ Việt Nam, mà Xuân Diệu đã dịch ra Việt ngữ:
 
Tự do và ái tình
Vì các ngươi, ta sống
Vì tình yêu lồng lộng
Tôi hiến cả đời tôi
Vì tự do muôn đời
Tôi hy sinh tình ái.

Nguyễn Hoàng Linh


 
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn