NHÀ KHỦNG BỐ Ở HUNGARY: ĐÀI TƯỞNG NIỆM NẠN NHÂN CỦA CÁC THỂ CHẾ ĐỘC TÀI, HAY MỘT THỦ ĐOẠN TRANH CỬ?

Thứ sáu - 19/05/2006 15:20

(NCTG) Cách đây hơn 4 năm, chính giới Hung ráo riết chuẩn bị cho các cuộc bầu cử Quốc hội, được tổ chức vào tháng Tư. Tuy nhiên, ngoài những đụng độ nảy lửa giữa các đảng phái chính trị, công luận Hung rất để tâm đến sự xuất hiện của Nhà Khủng bố (tiếng Hung gọi là “A Terror Háza”), một viện bảo tàng về các thể chế độc tài, được khai mạc ở trung tâm thủ đô Budapest vào 24-2-2002, đúng vào Ngày tưởng niệm các nạn nhân của độc tài cộng sản ở Hung.

Nhà Khủng bố nằm ở số 60 đường Andrássy, con đường được coi là “đại lộ đẹp nhất của thủ đô Budapest”. Đây là một tòa nhà lớn 3 tầng, trong lịch sử từng là trụ sở các cơ quan mật vụ phát-xít và cộng sản. Tòa nhà này đã được tái tạo để trở thành nơi chứa đựng những hồ sơ, hình ảnh, băng thu thanh và di chứng của hai thể chế độc tài, theo cách nhìn nhận của người Hung hiện tại: phát-xít và cộng sản.

Nhà Khủng bố được khai mạc trước sự hiện diện của nhiều vạn người tham dự (theo Ban tổ chức, có tới 150 ngàn người đã đốt nến tụ tập trước bảo tàng). Nhân dịp khai mạc, nguyên thủ tướng Hung Orbán Viktor đã tuyên bố: sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, trong những giây phút cuối cùng của thế kỷ XX, những nạn nhân của bạo lực đã có đủ nghị lực để tránh sự báo thù. Theo ông, cần đến sự hiện diện của bảo tàng này, không phải để giới trẻ được tiếp cận và rùng mình trước sự kinh hoàng và nhục nhã, mà để họ được biết những người đi trước họ đã phải vượt qua những trở ngại ra sao.

Nhà Khủng bố, mặc dù được coi là một bảo tàng xây bằng tiền nhà nước, nhưng nó không đi theo con đường “truyền thống” của các bảo tàng viện. Tòa nhà này không đơn thuần là nơi trưng bày những tội ác của chủ nghĩa cộng sản và phát-xít, mà cách sắp đặt, bài trí và màu sắc của từng căn phòng, cũng như việc chiếu sáng, dùng nhạc đệm… trong đó đều nhằm tạo ra cảm giác rùng rợn ở mức độ lớn nhất cho người đến coi.

Ví dụ: khi bước vào căn phòng dài, lát gỗ bốn bề, mang tên “Gulag”, khách đến xem sẽ thấy mình trong một toa tàu hỏa kín mít. Hàng loạt màn hình bốn bề chiếu cảnh những cánh rừng tai-ga bất tận như đưa tiễn người tù vào tử ngục. Dưới sàn của phòng là tấm thảm có hình bản đồ vùng Siberia lạnh giá. Những căn phòng mang tên “Tuyên truyền”, “Thanh trừng”, “Tra tấn” hay “Giáo phái” cũng được xây dựng với hình thái tương tự.

Nhà Khủng bố được xây dựng không chỉ nhằm vào đối tượng là dân Hung. Có lẽ khách ngoại quốc sẽ đem lại nguồn thu nhập đều đặn và ổn định cho ngôi nhà số 60 đường Andrássy này. Khách đến thăm đã có thể dùng các máy dịch tiếng Anh và Đức, rồi đến tiếng Nhật.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của Nhà Khủng bố - như ở dạng hiện tại - đã khiến xã hội Hung bị phân hóa. Nhiều người cho rằng trong giai đoạn “nước rút” của kỳ tranh cử, việc chính phủ hữu phái tổ chức rầm rộ lễ khánh thành Nhà Khủng bố, không gì khác ngoài cố gắng giành phiếu của cử tri. Sử gia nổi tiếng người Hung Fejtő Ferenc (sinh sống ở Paris từ nhiều thập niên nay và là viện sĩ hàn lâm Pháp) đã cho rằng Nhà Khủng bố được hình thành để thực hiện một chủ tâm dễ nhận thấy của chính phủ cánh hữu, là trình bày những tội ác của chủ nghĩa cộng sản như một vũ khí để “hạ” các đảng viên Xã hội MSZP, đối thủ lớn nhất của liên danh cầm quyền trong kỳ bầu cử năm 2002, nhằm biến họ thành “những kẻ thừa kế của nền độc tài cộng sản”.

Nhìn nhận Nhà Khủng bố như một con bài chính trị của phe cầm quyền thời kỳ 2002, nhiều người Hung cho rằng nếu đã nói đến khủng bố, cần phải đề cập đến mọi dạng của khủng bố trong thế kỷ XX. Tuy nhiên, mặc dù trong biểu trưng của bảo tàng có cả ngôi sao đỏ và hình chữ thập ngoặc, nhưng chỉ có gần 3 buồng (trên tổng số hơn 30 buồng) được dành để nói một cách sơ sài và thiếu sót về những tội ác của phong trào phát-xít Hung.

Bà Schmidt Mária, vốn là cố vấn chính của nguyên thủ tướng Hung Orbán Viktor, giám đốc Nhà Khủng bố, đã buông một câu khiến nhiều người kinh ngạc: sở dĩ sự thảm sát dân Do Thái không được nhắc đến ở đây vì “có quá ít tư liệu về nó“, và “vị trí của nó là ở một bảo tàng riêng“. Cần nói thêm là theo kế hoạch ban đầu, lẽ ra bảo tàng nói trên đã phải được hoàn thành từ năm 2000, vậy mà tới 2002 vẫn chưa khởi công; trong khi Nhà Khủng bố được xây trong thời gian kỷ lục (1 năm rưỡi) với kinh phí 4 tỉ Forint tiền công quỹ.

Ngoài ra, nhiều người còn cho rằng việc treo trên tường ảnh những cựu quan tòa hay sĩ quan mật vụ với đầy đủ tên thật và ngày tháng năm sinh, là một hành động vi phạm quyền cá nhân. Tuy nhiên, bà Schmidt Mária cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng trước các vụ kiện cáo về quyền cá nhân. Những tên tội phạm phải nhận về mình những hành vi mà chúng đã làm“.

Sự kiện Nhà Khủng bố ở Hung là một bài học về cách nhìn nhận lịch sử. Những đoàn người - trong số đó có rất nhiều thanh niên - xếp hàng rồng rắn trước bảo tàng, kiên nhẫn chờ đến lượt vào thăm bảo tàng, chứng tỏ người dân Hung không hề quên hay quay lưng với quá khứ. Nhà Khủng bố đã làm sống lại trong họ một giai đoạn, một thời kỳ mà dân Hung phải ghi nhớ. Tuy nhiên, cuộc tranh luận xung quanh sự hiện diện của Nhà Khủng bố cũng cho thấy: không được tự tiện biến hóa một mảnh của quá khứ để phục vụ những lợi ích chính trị nhất thời, thiển cận!

Hoàng Tuấn, theo báo Hung


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn