125 NĂM NGÀY SINH ĐẠI NHẠC SƯ HUNGARY BARTÓK BÉLA

Thứ sáu - 21/04/2006 10:01

(NCTG) Cuối tháng Ba vừa qua, giới âm nhạc quốc tế và Hungary đã trọng thể kỷ niệm 125 năm ngày sinh của đại nhạc sư Bartók Béla (1881-1945), người được coi là đã có dấu ấn và ảnh hưởng rất lớn đến nền âm nhạc thế kỷ XX.

Đại nhạc sư Bartók Béla - Ảnh tư liệu

Đại nhạc sư Bartók Béla - Ảnh tư liệu

Giới sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam các thập niên 70, 80 và 90, khi mới đặt chân lên đất Hung và theo học tiếng Hung tại Học viện Dự bị Quốc tế ở Quận XI (đường Nádorfehérvár, Budapest), có lẽ chỉ cần vài ngày để làm quen với con đường mang tên Bartók Béla bên Quảng trường Tròn (Körtér), nơi có 1 rạp phim và nhiều cửa hàng, cửa hiệu. Nhưng, có lẽ không nhiều người biết rằng, người nhạc sĩ được lấy tên để đặt cho con đường ấy, là một trong những danh nhân tầm quốc tế của nước Hung thế kỷ XX.

Là một thiên tài nhưng ra đời và trưởng thành trong những năm tháng "nhiễu nhương" của lịch sử, không phải lúc nào Bartók Béla cũng được nhìn nhận đúng tầm vóc vĩ đại của ông. Ngày nay, nhìn lại người con xuất chúng của mình, nước Hung đánh giá rất cao Bartók Béla trên phương diện một nhà soạn nhạc có phong cách đa dạng và một nhà nghiên cứu âm nhạc uyên bác.

Trong đời Bartók Béla lang bạt rất nhiều: ông học nhạc tại Hung, Tiệp, biểu diễn tại Đức, Áo, Anh, Pháp, Hà Lan, Liên Xô, Thổ Nhĩ Kỳ... và sau định cư ở Mỹ. Thuở ban đầu, Bartók Béla được coi là ngưòi tiếp nối trường phái lãng mạn trong âm nhạc Hung thế kỷ XIX, nhưng vào năm 1906, ông đã có một bước ngoặt lớn, để lại dấu ấn trong suốt sự nghiệp âm nhạc của ông. Được Kodály Zoltán, một đại nhạc sư khác của Hung giúp đỡ và hướng dẫn, Bartók Béla bắt đầu thu thập và nghiên cứu nhạc dân tộc. Ông đã bỏ ra hơn 10 năm để đi về các vùng quê của Đế chế Áo - Hung, và sau đó, ông còn sang Tiệp và Bắc Phi để tìm hiểu những nét đặc sắc trong nhạc dân tộc của các xứ sở này. Cùng Kodály Zoltán, Bartók Béla đã có một nguồn cảm hứng mới từ những âm hưởng dân gian rất phong phú, tạo nên một trường phái mới, hiện đại trong nhạc cổ điển Hung: trường phái Bartók Béla  - với nhiều yếu tố khai phóng và tiên phong - kết hợp thể loại nhạc cổ điển truyền thống với nhạc dân tộc châu Âu và cả những nét nhạc châu Phi và Ả Rập. Cho đến nay, nhạc đương đại thế giới vẫn chịu ảnh hưởng khá nhiều của nhạc Bartók...

Trên cương vị một nhà nghiên cứu nhạc học, Bartók Béla đã có một tác phẩm lớn, để đời, mang tựa đề "Nhạc dân tộc Hungary" (ấn hành năm 1924), trong đó ông thu thập, phân tích và tái biên soạn các bản nhạc dân tộc Hung cho đời sau. Một công trình nghiên cứu lớn khác của ông, in năm 1934 với tựa đề "Dân nhạc Hungary và nhạc dân tộc các nước lân cận", được coi là nghiên cứu cơ bản trong môn âm nhạc so sánh. Là thành viên Hàn lâm viện Khao học Hungary, Bartók Béla đã có công lớn trong việc hệ thống hóa nhạc dân tộc và đưa những nét đặc sắc của dân nhạc vào dòng nhạc cổ điển của nhân loại. Người Hung cho rằng Bartók Béla đã đưa văn hóa âm nhạc Hung lên tầm thế giới và ở nửa đầu thế kỷ XX, trong số các nhà soạn nhạc lớn thì chính Bartók Béla là người đã tìm được giải pháp hoàn thiện nhất, đầy đủ nhất và thuyết phục nhất trên phương diện ý tưởng và nghệ thuật, giữa những mâu thuẫn, mê lộ và cách trở của thời đại ông sống.

Một điều trớ trêu của lịch sử là đã có một thời gian, nhạc của Bartók được liệt vào danh mục cấm ở Hung!

Chẳng những là một đại nhạc sư, Bartók Béla còn là một nhà ái quốc lớn với câu nói nổi tiếng "tôi chỉ có một mục đích: phục vụ dân tộc và tổ quốc Hung". Khi chủ nghĩa phát-xít bắt đầu lan rộng ở châu Âu, ông đã cấm các kênh phát thanh Đức và ý chơi nhạc ông và dần dần, đoạn tuyệt các mối quan hệ âm nhạc liên quan đến nước Đức. Năm 1940, khi Thế chiến thứ Hai nổ ra, Bartók cùng vợ phải sang Mỹ lánh nạn - mà theo ông nghĩ là "tạm thời". Tuy nhiên, vì bệnh tình quá nặng, ông từ trần tại Mỹ năm 1945 trong căn bệnh máu trắng, ngay sau khi nước Hung thoát khỏi ách phát-xít.

Những năm đầu của chế độ cộng sản ở Hung, sự nghiệp âm nhạc của Bartók đã bị nhìn nhận một cách phiến diện trên quan điểm giai cấp. Việc Mỹ và các nước phương Tây tôn trọng và đánh giá cao nhạc Bartók, cũng như những công trình nghiên cứu về nhạc học của ông, đã khiến chính quyền Hung cho rằng ông "phục vụ chủ nghĩa đế quốc" và cùng Kodály Zoltán, Seress Rezső (tác giả ca khúc "Chủ nhật buồn", được coi là bản nhạc tình buồn nhất thế kỷ XX), nhiều tác phẩm của Bartók cũng đã bị cấm ở Hung trong một thời gian. Nhạc của Bartók còn bị coi là "khó hiểu", là "theo chủ nghĩa hình thức" xa lạ với quần chúng, và người yêu nhạc thời ấy.

Đồng tiền 1.000 Ft (cũ), có hình nhạc sĩ vĩ đại Bartók Béla

Tuy nhiên, lịch sử vốn công bằng. Cuộc cách mạng mùa thu năm 1956 và những năm tháng của "nền độc tài mềm dẻo" của tổng bí thư Kádár János sau đó, đã từng bước đem các tác phẩm của Bartók trở lại với công chúng. Tượng của Bartók được dựng tại London và Bruxelles: tại Bỉ, đây là di tích duy nhất mang tên một người Hung! Hình Bartók được đưa lên đồng Forint của Hung và sau 42 năm, vào mùa hạ năm 1988, Bartók Béla đã được trở về với cố quốc, khi đó đang đứng trước ngưỡng cửa tự do, và được vinh danh như nhà soạn nhạc vĩ đại của Hung thế kỷ XX. Tên của Bartók được đặt cho một con đường lớn ở thủ đô Budapest và để tưởng nhớ ông, nhân dịp 125 năm ngày sinh của Bartók Béla, cuối tháng Ba vừa rồi, căn nhà cuối cùng và cũng là nơi ông sống lâu nhất trên đất Hung tại Budapest đã được sửa sang và trở thành một bảo tàng viện Bartók, với hy vọng là là điểm đến của du khách và những người yêu nhạc.

Nguyễn Hoàng Linh


 
 Từ khóa: Hungary, Budapest, Bartók Béla
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn