Tây Ban Nha: LÀM ĐƯỜNG SẮT CAO TỐC ĐỂ CHỐNG KHỦNG HOẢNG?

Thứ bảy - 06/11/2010 10:20

Tháng 12 tới, Tây Ban Nha sẽ sở hữu hệ đường sắt cao tốc (ĐSCT) có tổng chiều dài lớn nhất Châu Âu: đây vừa là một thành công về công nghệ, hứa hẹn tạo dựng công ăn việc làm cho người lao động, nhưng cũng rất tốn kém đối với nền kinh tế Tây Ban Nha đang vật lộn trong khủng hoảng.

ĐSCT tại Tây Ban Nha

Theo kế hoạch, tuyến ĐSCT nối Madrid và Valencia (ven biển Xích đạo), dài 438km, sẽ được cắt băng khánh thành. Với sự ra mắt của tuyến đường mới này, tổng cộng chiều dài của hệ ĐSCT Tây Ban Nha đã vượt quá con số 2.000km, tức là hơn Pháp (1.900km) và Đức (1.300km).

Trên thế giới, Tây Ban Nha cũng chỉ kém Trung Quốc (3.500km) và Nhật Bản (2.500km), tuy nhiên nước này dự định từ nay đến năm 2015, sẽ nâng tổng chiều dài của tuyến ĐSCT nội địa (AVE) lên tới hơn... 7.000km!

Chống khủng hoảng?

Trong mắt chính phủ theo phe Xã hội của Tây Ban Nha, ĐSCT là dự án phát triển cơ sở hạ tầng được ưu tiên đặc biệt vì nó là một “vũ khí chống khủng hoảng”. Mới đây, Bộ trưởng Giao thông José Blanco khẳng định rằng, việc gia tăng các tuyến ĐSCT còn tạo điều kiện để “bác bỏ những điều thiên hạ hay đồn đại về Tây Ban Nha”, theo đó, nước này lạc hậu về công nghệ.

Trở lại lịch sử, năm 1992, tuyến ĐSCT đầu tiên nối thủ đô Madrid và Sevilla được khai trương, sau đó, đến các tuyến Madrid-Valladolid (2007) và Madrid-Barcelone (2008). Với tổng trị giá đầu tư 6 tỉ Euro, tuyến Madrid-Valencia khiến hành khách có thể đi từ thủ đô tới thành phố lớn thứ ba của Tây Ban Nha trong vòng 90 phút, thay vì 4 giờ như trước thông thường.

Chính phủ nước này cho rằng, tuyến ĐSCT thứ tư sẽ tạo dựng nhiều nơi làm việc cho giới công nhân, đề “bù” lại chi phí đầu tư rất lớn trong một đất nước đang có tỉ lệ thất nghiệp lên tới 20%.

Theo Bộ trưởng José Blanco, ĐSCT là “biểu tượng của sự hiện đại hóa trên đất nước Tây Ban Nha”, “tạo dựng công ăn việc làm và tốt cho môi trường, giảm số nạn nhân của giao thông đường bộ”. Nghiên cứu của hãng Accenture mà vị bộ trường này viện dẫn cho thấy tuyến ĐSCT mới sẽ tạo việc làm (trực tiếp và gián tiếp) 136 ngàn nhân công, và hàng năm chuyên chở 3,6 triệu hành khách.

Ngoài ra, tuyến ĐSCT có thể khiến hành khách bớt đi xe hơi và máy bay, giảm một cách đáng kể lượng khí thải hàng năm.

Những ý kiến bất đồng

Tuy nhiên, một số nhà khoa học và kinh tế gia thì không chia sẻ quan điểm lạc quan ấy của chính phủ. Ông Germa Bel, giáo sư Kinh tế học thuộc Đại học Barcelone cho rằng Tây ban Nha đã đưa ra một quyết định “cực tồi” khi tập trung các nguồn lực của mình để phát triển hệ thống ĐSCT, khiến các dự án đầu tư các bị giảm gầp 10 lần kể từ khi khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến nước này khốn đốn.

Theo GS Bel, ĐSCT là một “dự án đầu tư nếu sức nặng nề, lợi nhuận của nó phụ thuộc vào việc sẽ có bao nhiêu hành khách sử dụng dịch vụ này”, và ông cho rằng 47 triệu cư dân Tây Ban Nha sẽ ít sử dụng ĐSCT hơn nhiều so với dân Pháp hay Nhật Bản. Chuyên gia kinh tế này cũng khẳng định rằng, khoản chi cho ĐSCT có thể sinh lợi tốt hơn nhiều, nếu được tập trung để phát triển công nghệ thông tin hoặc vận tải đường sắt.

Dầu sao đi nữa, hiện nay cũng đã có 16 triệu dân Tây Ban Nha đi ĐSCT hàng năm. Xét về lượng hành khách trên tuyến Madrid-Barcelone, theo người phụ trách Truyền thông của Đường sắt Tây Ban Nha, ông Julio Hermida Gayubas, ĐSCT đã có thể cạnh tranh với đường hàng không.

Hệ ĐSCT Tây Ban Nha sẽ được nối với ĐSCT Châu Âu qua hai ngả Montpellier (năm 2012) và Bordeaux (gần nhất là vào năm 2020), và tương lai sẽ trả lời cho ý kiến chỉ trích - cho rằng chính phủ nước này tập trung cho ĐSCT chỉ để thỏa mãn “khoản oai” - là có đúng đắn hay không?

(*) Bản tin đã trích đăng trên “Tiền Phong”.

Trần Lê, theo Hãng Thông tấn Hungary MTI


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn