THÔNG THÂN VỚI TRUNG QUỐC

Thứ ba - 05/10/2010 02:27

(NCTG) “Người Mông Cổ vẫn có niềm day dứt rằng một phần lãnh thổ và dân tộc của Mông Cổ hiện đang là Khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc. Ước mơ thống nhất lãnh thổ với người anh em ở miền Nam đã quá xa vời, trong khi đó Mông Cổ phải lo lắng bị mất văn hóa, nguồn gốc, bị sát nhập vì sự nhòm ngó đất đai của Trung Quốc”.


Từng là một đế quốc hùng mạnh bậc nhất trên thế giới, đã có lúc thống trị Trung Quốc, ngày nay Mông Cổ có thể là một cái đích tái chinh phục của Trung Nam Hải


Cách đây vài tuần, đài BBC có đưa phóng sự Mông Cổ của ký giả Hồng Nga, qua đó, có thể thấy người Mông Cổ phản ứng mạnh về hiện trạng hôn nhân xuyên quốc gia với người Trung Quốc.

Câu chuyện thông hôn này được xem như là cuộc xâm lăng về văn hóa đối với người Mông Cổ, một chủ đề liên quan tới đặc thù lịch sử rất dài dòng giữa hai nước. Lịch sử Trung Quốc và Mông Cổ từ ngàn xưa là sự cạnh tranh giữa hai nền văn hóa và cương vực Hán Hồ hay Hoa Hạ với Hung Nô, dần dần văn hóa Hán và dân số Trung Quốc trở nên áp đảo.

Tuy nhiên, Mông Cổ cũng đã từng thống trị Trung Quốc sau khi diệt xong nhà Tống. Trong lúc cao điểm, đế quốc Nguyên - Mông cũng đã từng đem đại quân sang đánh Việt Nam.

Thực tế Mông Cổ

Mông Cổ bao gồm khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc và Ngoại Mông (tức nước Mông Cổ ngày nay) là một trong những bộ phận lãnh thổ thời nhà Thanh. Khác với dân tộc Hán bị Mãn tộc thống trị, Mông Cổ được đối xử như quý tộc và có truyền thống thông hôn với quý tộc Mãn Châu. Trong lúc đó, hôn nhân giữa người Mãn và Hán bị cấm.

Các vị vua nhà Thanh phần lớn đều có hoàng hậu và mẹ là người Mông Cổ có dòng dõi trực hệ từ Thành Cát Tư Hãn. Do đó “Đại Thanh Quốc” chính ra là huyết mạch với Mông Cổ.

Trung Quốc được thừa kế lãnh thổ lịch sử của nhà Thanh, trừ lãnh thổ Ngoại Mông, vào năm 1924, đã được Liên bang Xô-viết đỡ đầu để thành nước Mông Cổ như ngày nay.

Sự tồn tại của Mông Cổ thường dấy lên nhiều cảm xúc về chủ nghĩa dân tộc mà hiện nay người Trung Quốc vẫn có một ước ao thầm kín: muốn lôi kéo Mông Cổ trở về lại bản đồ như thời nhà Thanh.

Mông Cổ đất rộng người thưa có nhiều tài nguyên khoáng sản. Dư luận Trung Quốc thường cho rằng “mất đi phần lãnh thổ này vốn là một nỗi đau vô bờ”.

Ước mơ “Ngoại Mông Cổ Hồi Quy”

Hiện nay, Trung Quốc cũng đã thay đổi nhận thức lịch sử ôm ấp Mông Cổ thời Thành Cát Tư Hãn như của chính mình và coi đó là ánh hào quang của một quá khứ huy hoàng. Sự hiện diện của nước Mông Cổ đôi lúc khiến niềm tự hào dân tộc này không trọn vẹn vì như thế thì nhà Nguyên không còn là một dân tộc hoàn toàn thuộc về Trung Quốc.

Đường Ngật, một học giả Đài Loan đã có bài báo nổi tiếng mang tựa đề “Ngoại Mông Cổ trở về Trung Quốc: Điều làm được nhưng không thể nói”, được xem như tiếng nói tiêu biểu cho khuynh hướng nhằm tái chinh phục nước Mông Cổ.

Nội dung bài viết chủ yếu cho rằng dân Mông Cổ ở thế cô lập về địa lý, Trung Quốc nên hào phóng về tiền bạc, tận dụng sợi dây liên kết về văn hóa và đặc biệt, tạo vành đai hòa thân về mặt huyết thống với Mông Cổ.

Quan điểm để Mông Cổ trở về “tổ quốc” trở thành chủ lưu trên truyền thông sau khi báo chí loan tin vào năm 1995, một vị nghị viên Mông Cổ đã hình dung và so sánh tới chuyện Mông Cổ có thể trở thành một đặc khu kinh tế như Hồng Kông, Macao.

Cho dù đây chỉ là một giả thuyết mang tính chất ngoa dụ nhưng nó đã tạo thành nguồn cảm hứng “Mông Cổ Trở Về” cho những người theo chủ thuyết “Đại Trung Quốc”. Thật sự, báo chí Trung Quốc cũng không nhắc đến danh tính của nghị viên nào của Mông Cổ đã phát biểu như thế. Thế nhưng từ khóa “Ngoại Mông Cổ Hồi Quy” (外蒙古回归) đã tràn ngập diễn đàn và mạng Internet khi nhắc đến từ Mông Cổ bằng tiếng Trung Quốc.

Những luận cứ

Trên các diễn đàn, nhiều người Trung Quốc tỏ ra cảm động thân thiết khi bày tỏ ước mơ Mông Cổ trở về. Nhưng khi gặp phải thái độ bài Hoa thực sự của người dân Mông Cổ thì họ lại choáng váng tức giận.

Một số chuyển sang cay cú rồi xem Mông Cổ như một đất nước nhược tiểu, không biết điều – “to lớn huy hoàng thì không muốn lại muốn nhỏ bé lạc hậu”. Một số khác, cực đoan hơn thì cho rằng Mông Cổ là một nguy cơ cho Trung Quốc về lịch sử, văn hóa, quốc phòng, dứt khoát phải có chiến lược thu hồi.

Cũng theo bài báo đã dẫn ở trên: “Diện tích của Ngoại Mông lớn hơn Nội Mông với nhân khẩu khoảng 2,5 triệu, bằng 1/10 phần mười của Nội Mông (và bằng ½ người Trung Quốc có dân tộc Mông Cổ). Và với sức mạnh kinh tế, Nội Mông sẽ sát nhập được với Ngoại Mông được xem như là một biện pháp. Nhưng đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm về mặt chính trị, Ngoại Mông có thể phản ứng dữ dội…”.

Dựa theo lời phân tích của học giả, bài báo cho rằng: “Mông Cổ có nghị viên có khuynh hướng trở về Trung Quốc, đây là những quan điểm xuất phát từ tình cảm, nhưng cũng có người coi đó là tiêu chuẩn chính trị. Dù gì nội bộ chính trị của Ngoại Mông phân thành, phái thân Nga, phái thân Tây Phương, phái thân Hoa cùng với phái truyền thống dân tộc. Không có phái nào có khả năng khống chế toàn bộ cục diện…”.

Thái độ tự tin về thành quả kinh tế của Trung Quốc và ưu thế về văn hóa cũng được bày tỏ: “Tuy nhiên, nhìn ở một góc cạnh lạc quan phía Trung Quốc “chuyện như nước chảy dòng, lặng lẽ và lâu dài”. Chỉ cần kinh tế Trung Quốc càng lúc càng mạnh: “Thiên triều khôi phục, tự nhiên các nước ngóng gió quay về”. “Lợi tức đầu người của Nội Mông 4.000 đô-la, thì Ngoại Mông phải như thế nào?”.

Mông Cổ trong quá khứ dưới sự khống chế của Liên Xô cũ đã phế bỏ văn tự Mông Cổ thời Thành Cát Tư Hãn chuyển sang hệ chữ Cyrillic. Những năm gần đây, Trung Quốc đã bảo vệ của văn tự Mông Cổ, thành lập trường dân tộc, đối với nước Mông Cổ nhìn chung có sự thu hút.

Rồi họ ngợi ca đường lối “ngoại giao nhân dân” với láng giềng phương Bắc mà không một nước Âu Mỹ nào làm được:

Trong mắt rất nhiều người mang hoài bão của dân tộc Trung Hoa đại thống nhất, di sản vành đai dân tộc Mông Cổ là một Đại Trung Quốc. Hy vọng Ngoại Mông sẽ hưởng ứng khuynh hướng này càng lúc càng nhiều. Tự nhiên có lúc họ sẽ nhận ra, Mông Cổ nhân khẩu ít, lão hóa nghiêm trọng, giáo dục hạn chế, kinh tế lạc hậu thành niềm suy tư của hiện thực. Địa lý cũng đã làm giới hạn sự thay đổi về mặt kinh tế, văn hóa.

Giả thử như (Trung Quốc) tăng cường giao lưu về văn hóa giáo dục, xây dựng trường đại học Mông Cổ, để học sinh Ngoại Mông được nhập học mà miễn thi, cổ suý hòa thân (Trung Quốc và Mông Cổ lấy nhau), gia tăng liên kết về huyết thống qua hôn nhân; tăng cường viện trợ kinh tế cho Ngoại Mông. Chỉ cần thời gian, Ngoại Mông không hướng về Trung Quốc cũng khó.”  

Thêm một lợi thế khác cho Trung Quốc là nước có dân số đông gấp hàng trăm lần Mông Cổ với số lượng đàn ông khó kiếm vợ lên đến hàng chục triệu. Trong lúc đó, toàn bộ dân số Mông Cổ chưa đầy ba triệu mà tỉ lệ phụ nữ lại cao hơn. Nếu chính sách thông hôn được thi hành trên phạm vi rộng thì không những huyết thống Mông Cổ bị “pha loãng” mà cả ý chí tồn tại độc lập cũng vậy.

Người Mông Cổ vẫn có niềm day dứt rằng một phần lãnh thổ và dân tộc của Mông Cổ hiện đang là Khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc. Ước mơ thống nhất lãnh thổ với người anh em ở miền Nam đã quá xa vời, trong khi đó Mông Cổ phải lo lắng bị mất văn hóa, nguồn gốc, bị sát nhập vì sự nhòm ngó đất đai của Trung Quốc.

Trần Đông Đức tổng hợp


 

Những tin mới hơn

 

Những tin cũ hơn